Nhắc đến vi khuẩn chúng ta thường liên tưởng đến các bệnh truyền nhiễm nhưng trên thực tế vi khuẩn cũng có tác dụng tích cực đối với sức khỏe con người.
Các nhà khoa học Canada cho biết, con người sớm tiếp xúc với vi khuẩn có ích, có thể ngăn ngừa bệnh hen suyễn. Nhóm nghiên cứu đăng báo cáo kết quả trên tạp chí liên ngành Science Translational Medicine.
Nhóm nghiên cứu phân tích 319 trẻ em cho thấy, chúng có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn nếu thiếu 4 loại vi khuẩn có ích đó là Faecalibacterium, Lachnospira, Veillonella và Rothia (Flvr).
Nhóm nghiên cứu tại ĐH British Columbia và Bệnh viện Nhi ở Vancouver đã so sánh quần thể vi sinh này tại thời điểm ba tháng và một năm với nguy cơ bệnh hen suyễn ở trẻ lên 3. Trẻ thiếu 4 loại vi khuẩn nói trên ở 3 tháng tuổi có nguy cơ cao phát triển bệnh hen suyễn ở tuổi lên 3 – dựa vào tiếng thở khò khè và xét nghiệm dị ứng da.
Một cách giải thích về sự gia tăng bệnh hen suyễn và dị ứng là “vấn đề vệ sinh” – điều này cho thấy trẻ em không còn tiếp xúc với vi khuẩn đủ để điều chỉnh hệ thống miễn dịch biết sự khác biệt giữa “bạn” và “thù” (vi khuẩn có ích và vi khuẩn có hại).
Việc sinh con bằng phương pháp mổ và không cho con bú – cả hai điều này hạn chế các vi khuẩn có ích truyền sang cho trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai hoặc trẻ sơ sinh sử dụng thuốc kháng sinh cũng có thể làm thay đổi các quần thể vi sinh vật.
TS. Benjamin Marsland thuộc ĐH Lausanne (Thụy Sĩ) cho biết, những trẻ sống một số năm ở trang trại, tiếp xúc với những vi khuẩn có ích và uống sữa tươi thì không bị hen suyễn.
BS. Samantha Walker thuộc Tổ chức từ thiện hen suyễn ở Anh cho rằng: “Nghiên cứu này cho thấy, sự cân bằng tinh tế của vi khuẩn đường ruột trong cơ thể chúng ta ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và có thể có vai trò trong việc giải thích tại sao một số người mắc hen suyễn. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để hiểu rõ những phát hiện này có ý nghĩa trong việc đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ trẻ cũng như phát triển các phương pháp điều trị bệnh”.
Theo Sức khỏe đời sống