Ý dĩ là vị thuốc rất thông dụng trong Đông y học. Khi đề cập tới vị thuốc này, nhiều người thường nghĩ rằng đó là vị thuốc Bắc, nghĩa là bắt nguồn từ Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, ý dĩ lại là một vị thuốc được phát hiện từ kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian của người Việt thời xưa.
Ý dĩ hay còn gọi là bo bo, cườm gạo, ý dĩ nhân, ý mễ, lục cốc tử, mễ nhân và nhiều tên khác… là cây thảo sống lâu năm, mọc hoang và phổ biến trong các nền văn hóa châu Á như là một nguồn thực phẩm và đồ trang sức. Ngày nay, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về ý dĩ. Các công trình nghiên cứu cho thấy, quả ý dĩ chứa: Tinh bột (50 – 79%), protein (16 – 19%), dầu béo (2 – 7%), lipid, glycolipid (5,67%), phospholipid (1,83%), sterol và nhiều acid amin khác.
Tên khoa học của nó là Coix lacryma-jobi trong tiếng La tinh có nghĩa là giọt nước mắt vì hình dạng hạt ý dĩ như một giọt nước mắt. Sách “Hậu Hán thư Mã Viện liệt truyện” có ghi lại sự việc:
Vào thời Đông Hán, danh tướng Mã Viện, hiệu là Phục Ba tướng quân, từng phụng mệnh vua Quang Vũ Đế Lưu Tú nhà Hán, thống lĩnh quân đội đi viễn chinh Giao Chỉ (tức miền Bắc Việt Nam ngày nay). Khi đó đang là mùa trưởng hạ (cuối hè), thời tiết ở Giao Chỉ vô cùng nóng bức và ẩm thấp.
Do không quen thủy thổ, quân sĩ bị mắc một thứ “bệnh chướng khí” cực kỳ quái lạ: Đầu tiên chân tay bị tê, đau, trong đó có rất nhiều trường hợp hai chân bị phù. Sau đó toàn thân bị phù nề, kèm theo khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, …
Thậm chí, rất nhiều binh sĩ bị suy kiệt và chết. Mã Viện bèn phái người đi tìm hiểu kinh nghiệm chữa bệnh của dân ở địa phương.
Cuối cùng đã tìm được một phương thuốc dân gian đơn giản mà rất hiệu nghiệm: Chỉ cần dùng một thứ hạt sẵn có ở địa phương, đem nấu cháo hoặc nấu cơm ăn là có thể chữa khỏi căn bệnh chướng khí quái lạ. Để phòng bệnh tái phát, Mã Viện hạ lệnh tiếp tục sử dụng ý dĩ làm lương thực vì cho rằng thứ hạt này sẽ phòng ngừa được bệnh. Khi về nước, Mã Viện đã chở theo một xe đầy toàn hạt ý dĩ để đem về trồng.
Một số gian thần trong triều khi đó đã đố kỵ, bịa chuyện vu khống, tâu lên Quang Vũ Đế rằng Mã Viện đã mang về làm của riêng cả một xe đầy “minh chu văn tê”, tức ngọc quý và sừng tê giác. Gọi là “minh chu” vì hạt ý dĩ cũng trắng tròn giống như viên ngọc, còn “văn tê” là thứ sừng tê giác có vân, thuộc loại tốt nhất. Giao Chỉ thời đó là nguồn cung cấp trân châu và sừng tê giác chủ yếu cho nhà Hán. Để minh oan, Mã Viện bèn đổ cả xe ý dĩ xuống sông Ly Giang ở Quế Lâm.
Về sau, dân quanh vùng gọi trái núi ở bên khúc sông đó là núi Phục Ba. Trong núi Phục Ba còn có một động lớn, có thể chứa tới hàng trăm người, được mệnh danh là “Hang trả ngọc” (Hoàn châu động). Trong động còn có một cây thạch nhũ lớn rủ xuống, cách mặt đất có vài thốn. Truyền thuyết gọi đó là “Trụ thử kiếm” (Thí kiếm thạch) của Mã Viện. Ngày nay, trái núi Phục Ba đã trở thành một điểm du lịch, thắng cảnh nổi tiếng ở Quế Lâm, có tên là “Thắng cảnh Phục Ba” …
Căn bệnh “chướng khí” mà quân sĩ Mã Viện bị nhiễm thời đó, trong Đông y gọi là “cước khí” vì bệnh thường bắt đầu phát từ dưới chân lên (cước = chân, “khí” = bệnh chướng khí, không hợp thủy thổ). Tới thời Nam Bắc Triều, ở Nam Kinh (Trung Quốc) lại có rất nhiều quân sĩ và dân thường mắc bệnh “cước khí”. Hàng trăm trường hợp bị tử vong do suy tim, nên khi đó người ta gọi đó là chứng bệnh “Cước khí xung tâm”.
Dưới thời nhà Đường, có lần bệnh “cước khí” lan tràn khắp từ vùng Giang Nam tới phía Bắc sông Trường Giang nên người ta lại gọi đó là “bệnh Giang Nam”. Các sách y học thời đó như “Thiên kim phương”, “Ngoại đài bí yếu”, “Thực liệu bản thảo” … đều nói tới việc dùng ý dĩ để chữa “cước khí”. Như vậy, ý dĩ đã trở thành một loại biệt dược, chuyên dùng để chữa bệnh cước khí trong Đông y Trung Quốc.
Ở châu Âu, mãi tới năm 1897, Eijkman (nhà khoa học Hà Lan) mới tìm ra cách chữa bệnh cước khí bằng cám của các loại ngũ cốc. Về sau Eijkman đã chiết xuất được từ cám vitamin B1 có tác dụng đặc trị cước khí. Nhờ phát minh này Eijkman đã được trao giải Nobel Y học. Sau khi phát minh ra vitamin B1,Tây y bắt đầu gọi “cước khí” là “bệnh thiếu vitamin B1” (beriberi).
Những nguyên nhân gây bệnh beriberi thường gặp ở Việt Nam là: ăn gạo xay xát quá kỹ (2-3 lần), ăn gạo từ thóc bị úng nước lâu ngày đã mất hết vitamin hoặc ăn gạo để lâu bị mốc, lượng vitamin còn rất thấp. Nhiều người chưa chú ý đến việc ăn thêm các thực phẩm có nhiều vitamin B1 như đậu đỗ, vừng, lạc, thịt, cá, rau, quả… Nếu chỉ ăn cơm là chủ yếu, ít dùng các thực phẩm khác thì cũng dễ bị tê phù, vì lượng gạo chúng ta ăn hằng ngày chỉ cung cấp được khoảng 50% nhu cầu vitamin B1 của cơ thể.
Để đề phòng bệnh beriberi, nên ăn gạo mới, bảo quản tốt, không bị mốc hỏng. Chọn loại chỉ xay xát 1 lần, theo tiêu chuẩn 100 kg thóc lấy 70 kg gạo. Không nên ăn gạo xay xát quá trắng.
Cần ăn thêm những thực phẩm có nhiều vitamin B1 hằng ngày như đậu tương, đậu xanh, đậu đen, đậu trắng, lạc, vừng, thịt (bò, lợn), bầu dục, gan (bò, lợn), lòng đỏ trứng, rau tươi như (rau dền cơm, diếp, xà lách, giá đậu xanh, đậu cô ve, đậu đũa, đậu Hà Lan, tỏi).
Ý dĩ có tác dụng chữa trị và phòng ngừa cước khí là vì hàm lượng vitamin B1 trong ý dĩ rất cao (trong 100g ý dĩ có chứa tới 33mg vitamin B1). Ý dĩ còn là loại lương thực có giá trị dinh dưỡng cao, thường được sử dụng để bồi dưỡng cho người cao tuổi, trẻ nhỏ bị suy nhược và phụ nữ sau sinh. Hàm lượng chất đạm (protein) trong ý dĩ (13 -14%) lớn gấp 2 lần gạo tẻ (6 – 7%), trong đó có các axít amin như lencine, lysine, arginine, tyrosine …
Ngoài ra, ý dĩ còn chứa nhiều nguyên tố vi lượng và hoạt chất sinh học có giá trị khác như coixol (ý dĩ tố), coixenolide, … Chính vì vậy, ý dĩ đã được giới khoa học tôn vinh là “vị hoàng đế trong thế giới các cây họ lúa”.
Nhẫn Đông tổng hợp