Người khổng lồ vẫn luôn là một bí ẩn với giới khoa học. Trên thế giới đã có nhiều nơi tìm được bằng chứng cho thấy người khổng lồ thật sự tồn tại. Và ngay ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều vết chân người khổng lồ.
Những vết chân bí ẩn ở Lào Cai
Tại xã Võ Lao (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), từ lâu về trước khi khoa học chưa phát triển, các nhà nghiên cứu chưa để ý tới nhưng người dân địa phương đã rất quan tâm đến một vết chân khổng lồ. Trải qua hàng ngàn năm, đến nay vết chân này vẫn còn nguyên vẹn.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Võ Lao, ông Lương Xuân Phẩu xác nhận, có dấu vết giống với vết chân người khổng lồ ở xã này. Cạnh con suối Nậm Mả nước trong vắt chảy hiền hòa, anh Vàng A Cơ, Trưởng thôn Tăng Chú, xã Nậm Mả hồ hởi khoe: “Vết chân to lắm, to như cái bể nước, 2 người nằm trong đó vẫn còn rộng. Nhà chỉ cách vết chân người khổng lồ khoảng 200m nên ngày nào tôi cùng các con cũng xuống dưới đó gánh nước”.
Vết chân này nhìn rất rõ, in dấu hình bàn chân bên phải, nhìn kỹ thì thấy giống một chiếc giày cực lớn. Vết chân nằm trên một tảng đá lớn, hướng mũi chân về phía tây, có chiều dài hơn 2m, nơi rộng nhất ở giữa bàn chân là 0,8m và gót chân rộng 0,5 m.
Anh Vàng A Cơ cùng hàng trăm người dân ở hai xã Võ Lao và Nậm Mả đều khẳng định đây đích thực là vết chân của người khổng lồ.
Trái lại, ông Phẩu lại không tin có chuyện người khổng lồ xuất hiện. Ông Phẩu cho rằng vết này có thể do con người dùng đục làm nên, hoặc do tự nhiên, vì chỗ này nằm cạnh dòng suối, qua bao nhiêu năm được nước bào mòn tạo thành hình hài như vậy.
Được biết tại Lào Cai không chỉ ở Võ Lao có vết chân khổng lồ mà ở các nơi khác như: xã Phú Nhuận của huyện Bảo Thắng; xã Văn Sơn và Hòa Mạc của huyện Văn Bàn cũng có xuất hiện nhiều vết chân với cùng kích cỡ nằm rải rác.
Trong số đó có vết chân người khổng lồ ở xã Hòa Mạc được nhiều người biết đến nhất. Một số người dân nơi đây cho hay, vết chân có hình dáng giống như một chiếc giày bên trái, hướng về phía Tây, dài khoảng 2m và rộng gần 1m. Như vậy thông tin rất khớp với vết chân ở Võ Lao. Tuy nhiên, trong quá trình mở đường, vết chân ở Hòa Mạc đã bị xóa hết dấu tích nên không thể đối chứng với vết chân ở Võ Lao.
Nguyên Chủ tịch kiêm Bí thư xã Võ Lao – ông Hà Đình Viên cho biết, các cụ trong làng kể lại rằng ở nơi có vết chân đó luôn có hai con mãnh hổ và mãng xà canh giữ nên người dân không ai dám đến đây để xem, các câu chuyện chủ yếu do các bậc cao niên kể lại.
Hiện, suối Nậm Mả là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho người dân 3 xã Võ Lao, Nậm Mả và Văn Sơn. Suối nơi đây trong vắt, không bao giờ cạn và đầy ắp cá. Do đó, người dân cho rằng, vết chân này là dấu chân của Thần Tạo Lộc để lại cho họ có nước uống, mùa màng bội thu và đặc biệt đã âm thầm bảo vệ cuộc sống của họ.
Dấu chân người khổng lồ ở Quảng Ngãi
Không chỉ xuất hiện ở Lào Cai, những dấu chân khổng lồ này còn được phát hiện ở Quảng Ngãi. Người dân xã Nghĩa Dõng thuộc TP.Quảng Ngãi, không ai là không biết về câu chuyện kỳ thú “ông khổng lồ” năm xưa gánh đất để tạo núi. Không chỉ là câu chuyện truyền miệng, nó còn có cả bằng chứng đi kèm chính là những dấu tích “bàn chân ông khổng lồ” ở ngay trên địa bàn xã, tại khu vực Gò Đá, thuộc thôn 1.
Trên cánh đồng lúa trải dài mênh mông có một tảng đá lớn, cao chừng 3m, trên bề mặt tảng đá có một vết “bàn chân người khổng lồ”. Dấu chân dài 80cm, rộng 35cm, lún sâu trên đá khoảng 5cm. Điều đặc biệt là bàn chân này chỉ có 4 ngón, ngón dài nhất là 15cm, ngón nhỏ nhất dài 7cm.
Ông Trương Ngọc Sơn, người dân thuộc thôn 1 cho biết, ở đây có câu chuyện truyền từ đời này sang đời khác kể rằng xưa kia có “ông khổng lồ” gánh đất, do bị trượt chân nên hai vạc đất hất xuống, từ đó tạo nên núi Rùa (núi Thiên Bút) và núi Hó (núi Thiên Ấn).
Bước chân của “ông khổng lồ” còn in dấu trên tảng đá. Ngày trước, tại đây có rất nhiều tảng đá lớn nhưng do con người khai thác nên chỉ còn lại tảng đá có dấu “chân ông khổng lồ”.
Cách tảng đá này không xa là một ngôi chùa. Trong khuôn viên chùa cũng có một phiến đá nhỏ có dấu vết kỳ lạ. Theo các cụ kể lại thì đó chính là gót chân của “ông khổng lồ”.
Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, về “dấu vết chân của người khổng lồ” thì trên địa bàn tỉnh hiện đang có khoảng 20 dấu trên đá, nằm rải rác ở các địa phương, trong đó dấu vết ở Gò Đá, xã Nghĩa Dõng là còn nguyên vẹn nhất.
Những “dấu chân người khổng lồ” ở các tỉnh thành khác
Ngoài Lào Cai và Quảng Ngãi, ở Việt Nam còn có những tỉnh thành khác vẫn còn lưu lại những dấu chân người khổng lồ. Cụ thể như:
Dấu vết “bàn chân người khổng lồ” ở mỗi nơi đều gắn với các truyền thuyết từ xa xưa. Vậy nên khoa học ngày nay vẫn chưa thể lý giải được đầy đủ về những dấu chân này.
Yên Yên (t/h)