Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 4/2 đã ám chỉ rằng, lãnh đạo đối lập trẻ tuổi Juan Guaido có thể sẽ sớm bị bỏ tù vì thách thức vai trò tổng thống. Ông Maduro cũng chỉ trích hàng chục nước Châu Âu đã chính thức công nhận ông Guaido.
Theo tờ Guardian, khi phát biểu trước người ủng hộ vào tối ngày 4/2, ông Maduro đã đặt câu hỏi rằng ông Guaido có thể đảm đương “nhiệm kỳ [tổng thống] ảo” của mình trong bao lâu.
“Cũng tới năm 2025? Hay cho tới khi ông ta kết thúc trong tù theo lệnh của tòa án tối cao“, ông Maduro nói với người ủng hộ, ám chỉ rằng ông Guaido có thể bị bỏ tù và sẽ không thể làm tổng thống theo nhiệm kỳ 6 năm như ông.
Trái lại, cựu thẩm phán tòa án tối cao Venezuela Miguel Angel Martin đang sống lưu vong do bị chính quyền Maduro trục xuất năm 2017 nói với Epoch Times rằng, ông Maduro giờ là “cựu tổng thống” và kêu gọi quân đội hãy bắt giam ông này.
Từ khi lên cầm quyền thay ông Hugo Chavez năm 2013, ông Maduro đã bắt giam nhiều lãnh đạo đối lập dám thách thức quyền lực của ông. Tuy nhiên, ông Juan Guaido vẫn được tự do kể từ khi tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời Venezuela từ ngày 23/1.
Ngoại giới nhận định rằng, ông Maduro có lẽ lo sợ rằng, nếu ông thực hiện bắt giữ lãnh đạo đối lập thì Mỹ – quốc gia ủng hộ mạnh mẽ ông Guaido – sẽ trừng phạt nghiêm khắc chính quyền Maduro để trả đũa.
Cũng trong phát biểu hôm 4/2, ông Maduro tiếp tục hướng sự chỉ trích gay gắt vào Mỹ. Lãnh đạo đảng Xã hội chủ nghĩa gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump là kẻ phân biệt chủng tộc kiêu ngạo và là “hiện thân của chủ nghĩa tư bản”. Những chỉ trích gay gắt này của ông Maduro đến sau khi hàng loạt các nước Châu Âu do Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha dẫn dắt đã chính thức theo Mỹ công nhận ông Guaido là lãnh đạo hợp pháp duy nhất tại Venezuela, sau khi hết thời hạn 8 ngày yêu cầu ông Maduro phải tuyên bố tổ chức bầu cử tổng thống sớm.
Hôm 3/2, chính quyền Maduro cũng phát đi tuyên bố bác bỏ yêu cầu Caracas phải tổ chức bầu cử tổng thống sớm của Châu Âu và không chấp nhận việc hàng chục nước Châu Âu công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là tổng thống hợp pháp tại Venezuela.
Bất chấp sự phản đối của phương Tây, ông Maduro hiện vẫn nhận được sự hậu thuẫn của Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số chính phủ cách tả tại Nam Mỹ như El Salvador, Nicaragua, Bolivia, Mexico và Cuba.
Theo hãng tin RIA (Nga), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 5/2 đã nói rằng, cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang tại Venezuela chỉ có thể được giải quyết nếu hai bên tiến hành đối thoại.
“Chúng tôi tiếp tục tin rằng cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này là chính phủ và phe đối lập ngồi vào bàn đàm phán. Nếu không sẽ xảy ra thay đổi chế độ theo cách tương tự như phương Tây đã từng thực hiện nhiều lần [trên thế giới]”, hãng tin RIA dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov.
Tuy nhiên, theo Epoch Times, một nhà ngoại giao hàng đầu của Venezuela nói rằng, ông Guaido không có kế hoạch đàm phán với ông Maduro.
Ông Carlos Vecchio – người được ông Guaido chỉ định và được Washington chấp nhận là đại diện của chính phủ Venezuela tại Mỹ – đã nói trong một cuộc thảo luận do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức rằng, phe đối lập muốn “chuyển tiếp chính phủ có trật tự”.
“Chúng tôi không muốn có thêm xung đột. Chúng tôi không sẵn sàng tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào theo kiểu ông Maduro mong muốn. Điều duy nhất chúng tôi sẽ chấp nhận là lịch trình của chúng tôi về cách chúng tôi đàm phán về sự ra đi của ông ta”, Epoch Times dẫn lời ông Vecchio.
Tổng thống Trump và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton trước đó đã nói rằng “tất cả các lựa chọn” đã được đặt lên bàn nếu ông Maduro quyết định sử dụng vũ lực trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Mỹ cũng được cho là đã chuyển thực phẩm và thuốc tới biên giới Colombia giáp Venezuela để lưu trữ, sẵn sàng chuyển tới quốc gia gặp khó khăn vào thời điểm phù hợp.
Theo Trithucvn