Mỗi điểm du lịch nổi tiếng đều gắn với một câu chuyện, một truyền thuyết, một cái tên, một giá trị lịch sử…nào đó. Những câu chuyện có vẻ “kinh điển”, “bài bản” của du lịch thế giới không hẳn 100% là có thật, miễn sao đủ hấp dẫn. Vậy mà có phải chúng ta đang lãng phí nhiều thứ, trong đó có cả lịch sử vừa kỳ lạ mà cũng vừa lãng mạn của chính mình?
Có mặt ở sau hơn hai năm xa vắng, trong tôi bỗng có tâm trạng khác lạ, giống như một du khách đang tò mò khám phá chứ không chỉ là đứa con tha hương trở về. Bởi vì, những kỷ niệm Đà Nẵng của tôi quả thật đã thuộc về một không gian khác trong quá khứ, lặng thầm, chơn chất, không phải trên những công trình xây dựng đồ sộ đang được quảng bá như là hình ảnh tiêu biểu của Đà Nẵng hôm nay.
Đường Bạch Đằng và sông Hàn vẫn rất đẹp và rất sạch để làm nền cho một thành phố du lịch đạt chuẩn. Rất nhiều nhóm du khách Âu, Á tản bộ, nhìn ngắm, chụp ảnh. Rất nhiều người dân Đà Nẵng đang tận hưởng niềm vui cây nhà lá vườn: bên cạnh nhiều nhóm đi bộ đang tha hồ hít thở miễn phí không khí trong lành còn có những người già đang tập trung đấu trí bên bàn cờ, những thanh niên mới lớn đang tích cực hip hop, những cặp tình nhân đang chụm đầu to nhỏ, và những cô gái đang selfie bằng smartphone dưới các giàn hoa…
Ở đầu cầu Rồng hằng đêm vẫn rất đông người tụ tập để xem cảnh rồng phun nước, phun lửa: đó là những cô cậu bé được cha mẹ thưởng no nê một-bữa-cầu-Rồng, những cặp trai gái túi tiền lép kẹp bèn rủ nhau đi ngắm cầu Rồng để, dù chỉ với chai nước ngọt mươi ngàn vẫn có được một kỷ niệm đằm thắm nhớ đời. Ấy là chưa kể rất đông du khách, nhất là khách Việt Nam từ các tỉnh kéo về, luôn tròn mắt say sưa thưởng thức quang cảnh với muôn ngàn thích thú.
Riêng tôi, nếu được hỏi thích gì, tôi sẽ trả lời thích nhất cầu Trần Thị Lý trong những cây cầu bắc qua sông Hàn. Đó như một dây đàn nhẹ nhàng buông lơ lửng giữa không gian khoáng đạt của dòng sông, với những nốt nhạc tinh tế réo rắt một cách mơ hồ, chỉ lọt vào tai một số người được chọn.
Nhưng tất cả những cái đó thực ra vẫn thuộc về một Đà-Nẵng-mới, một Đà Nẵng ở lứa tuổi teenager. Còn Đà Nẵng của tôi, cũ kỹ, già cả hơn rất nhiều với vô vàn điều đáng nhớ đáng nhắc, có thể kết nối thành câu chuyện rất dài không đầu không cuối, ngập tràn cảm xúc và tình yêu. Đà Nẵng đó đang ở đâu, trong “brochure” giới thiệu thành phố này với thế giới?
Tôi bỗng nhớ ngôi nhà nhiều màu xanh, với cái ban công được coi là nơi chàng Romeo đã nhiều lần leo lên để tình tự với nàng Juliet của Shakespeare. Cái ban công ấy giống như tất cả mọi ban công trên đời, chẳng có gì đặc biệt, vậy mà ai đã đến Ý cũng háo hức ghé lại Verona để tận mắt nhìn ngắm và chụp hình lưu niệm. Tôi cũng nhớ ngôi nhà nhỏ đã bí mật chở che cô thiếu nữ Ann Frank đang trốn họa diệt chủng của phát xít Đức, để cô ngồi viết tập nhật ký nổi tiếng của mình. Nó cũng tạo ra những dòng dài rất đông du khách xếp hàng chờ vào thăm một khi họ đã tới thành phố Amsterdam của xứ Hà Lan hoa tulip.
Đà Nẵng không có Juliet, cũng không có Ann Frank, nhưng Đà Nẵng có đèo Hải Vân lừng lẫy. Cùng với Hải Vân là câu chuyện về công chúa Huyền Trân đã được ghi trong sử sách. Đứng trên đỉnh ngọn đèo dài 20 cây số và cao hơn mực nước biển 500 mét này, ngắm cảnh tượng hùng vĩ tráng lệ dưới chân mình với trùng điệp Trường Sơn vây quanh hay bao la trời biển ngoài xa, mới thấy cái tên Đệ Nhất Hùng Quan mà vua Lê Thánh Tông phong tặng Hải Vân Quan khi vua dừng chân nơi đây vào năm Canh Thìn 1470 không có gì quá đáng. Có một cửa ải đã được xây dựng ngay từ thời Trần, được trùng tu vào thời Nguyễn và cho đến nay vẫn còn đó, với dòng chữ Hải Vân Quan ở hướng trông xuống Thừa Thiên và dòng chữ Thiên hạ đệ nhất hùng quan ở hướng trông xuống Quảng Nam. Điều rất đáng tiếc là cửa ải này đã xuống cấp nghiêm trọng vì lâu ngày không được tu bổ.
Tôi tưởng tượng mình là một du khách, sau khi được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời này, lại được nghe câu chuyện về nàng công chúa Đại Việt thế kỷ XIV đã rời bỏ cung điện và xứ sở, sang một đất nước xa lạ làm vợ vị vua lân bang (Chế Mân của Chiêm Thành), lấy nhan sắc của mình để đánh đổi phần đất làm sính lễ… Có lẽ tôi sẽ nhớ mãi về Hải Vân Quan với một suy nghĩ khác…
Mỗi điểm du lịch nổi tiếng đều gắn với một câu chuyện, một truyền thuyết, một cái tên, một giá trị lịch sử…nào đó. Những câu chuyện có vẻ “kinh điển”, “bài bản” của du lịch thế giới không hẳn 100% là có thật, miễn sao đủ hấp dẫn. Vậy mà chúng ta, có phải chúng ta đang lãng phí nhiều thứ, trong đó có cả lịch sử vừa kỳ lạ mà cũng vừa lãng mạn của chính mình?
Ngô Thị Kim Cúc* *Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo, nhà văn đang sống tại TP.HCM. |
Theo Thanh Niên