(PLO)- Xế chiều, ánh nắng nhạt dần buông xuống cầu Nhị Thiên Đường 1 (Q.8, TP.HCM). Nhìn từ xa, cây cầu đã 90 tuổi này cong như một nét mi, thanh thoát vẻ đẹp cổ điển. Hai bên cầu, hàng trụ màu xanh rêu được xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây, đứng lặng yên giữa dòng xe cộ hối hả…
Nhìn từ xa, cầu Nhi Thiên Đường như một nét mi cong thanh thoát, hài hòa Cầu Nhị Thiên Đường 1 (Q.8) có chiều dài khoảng 200 mét, được xây dựng từ năm 1925. Công trình này cùng thời với cầu Chà Và, cầu Chữ Y… tạo thành một trong những nét tiêu biểu của Sài Gòn xưa. Cầu bắc ngang qua một nhánh của kênh đôi Tàu Hũ, chảy nối từ sông Sài Gòn (phía bắc) về huyện Bình Chánh (phía nam). Đây là cửa ngõ kết nối vùng Chợ Lớn với các tỉnh miền tây thông qua quốc lộ 50. Hiện nay, cầu có thêm một nhánh song song đó là Nhị Thiên Đường 2 (xây dựng năm 2005).
Cầu Nhị Thiên Đường 1 mang một nét đẹp cổ điển. Với lối kiến trúc phương Tây, người ta có thể liên tưởng Nhị Thiên Đường với những cây cầu nổi tiếng trên thế giới. Trụ cầu màu xanh rêu mang đậm dấu tích thời gian. Được biết, trụ cầu này cụng được làm bằng bê tông Nét đặc biệt của Nhị Thiên Đường 1 là công trình này được Pháp xây dựng hoàn toàn bằng bê tông cốt thép. Trong khi, thuở ấy đang là thời kì hoàng kim của các cây cầu sắt. Theo một cao niên tại khu vực này, Nhị Thiên Đường là tên gọi của một hãng dầu nóng nổi tiếng ở vùng Chợ Lớn giữa thế kỉ 20. Thuở đó, ông chủ hãng dầu này có một kho gạo lớn đặt gần chân cầu. Vì thế, người ta đặt luôn cho cây cầu là Nhị Thiên Đường để dễ ghi nhớ. Với tuổi đời gần 100 năm, cầu Nhị Thiên Đường khoác lên mình vẻ ngoài cổ xưa, mang đậm dấu ấn kiến trúc phương Tây. Nét trầm mặc của cây cầu toát lên từ hàng cột xanh rêu trên thân cho đến các mái vòm cong cong dưới chân cầu.
Nhìn từ cầu Nhị Thiên Đường 1, con kênh Tàu Hũ bỗng thơ mộng vào buổi hoàng hôn. Cột đèn vẫn được giữ vẹn theo thời gian. Màu trắng ngần của họa tiết bằng sứ làm cột đèn trở nên rất đặc sắc. Quan sát, tất cả các cột đều được làm bằng bê tông, có màu xanh thẫm, tương tự sắc xanh của ô cửa sổ trong các biệt thự Pháp xưa cũ. Một trong số các cột này có chiều cao lớn hơn và hai bên có hai “tai” dài ra. Được biết, hai tai này là để treo đèn hộp, dạng vuông. Lúc đầu, người ta treo đèn dầu, sau mới chuyển thành đèn điện. Nét cổ kính ấn tượng của Nhị Thiên Đường 1 còn được thể hiện ở dưới chân cầu. Một dãy dài các mái vòm khiến người ta liên tưởng tới những cây cầu nổi tiếng của thành Rome hay Paris hoa lệ. Hình ảnh của cây cầu Nhị Thiên Đường 1 đã gần trăm tuổi Với những người dân khu vực này, cầu Nhị Thiên Đường 1 đã trở thành một biểu tượng của Sài Gòn xưa, in sâu vào trí nhớ. Hồng Trâm Theo Pháp Luật TP.HCM |