Vì làm mất 10 triệu tiền đóng học phí mà nữ sinh đã quyết định đi vay nợ tín dụng đen, số tiền ban đầu chỉ vài triệu với hạn mức trả vài trăm nghìn mỗi tháng. Thế nhưng sau 1 năm, số tiền nợ lãi mẹ đẻ lãi con đã lên tới 300 triệu đồng.
Theo báo VnExpress, ngày 16/11, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa cho biết, trong trường vừa có một vụ một nữ sinh viên năm hai chuyên ngành Ngôn ngữ Anh vay tiền các ứng dụng trực tuyến số tiền 10 triệu đồng để đóng học phí. Từ đó dẫn tới khoản nợ cộng dồn lên tới 300 triệu đồng.
Nữ sinh cho biết, hồi tháng 11/2020, gia đình em có gửi cho em số tiền 10 triệu đồng để đóng học phí, tuy nhiên do bất cẩn mà em đã làm mất. Vì lo sợ mà em đã đi vay tiền qua ứng dụng cho vay trực tuyến với lãi suất cao, dự định sẽ đi làm thêm và chi tiêu tiết kiệm để trả nợ.
Thế nhưng đến ngày đáo hạn, nữ sinh vẫn không đủ tiền trả nợ, phía cho vay giới thiệu qua các ứng dụng vay tiền khác. Sau gần một năm, số tiền cả gốc lẫn lãi tăng lên chóng mặt, em thường xuyên bị nhắn tin, gọi điện đe dọa. Không chịu nổi áp lực này, em đã thú thực với gia đình.
Theo danh sách các khoản vay mà gia đình cung cấp, nữ sinh đã vay tiền ở hàng chục ứng dụng khác nhau. Khi khoản này đến hạn trả tiền, không vay thêm được nữa thì em lại được giới thiệu vay ở ứng dụng khác trong cùng một đường dây.
Bà Thoa cho biết, đây không phải lần đầu sinh viên của trường vướng vào các khoản nợ tín dụng đen. Các ứng dụng cho vay lãi suất cao thường nhắm vào nhóm đối tượng sinh viên năm nhất hoặc năm hai. Nhà trường đã liên tục đưa ra cảnh báo với sinh viên, tuyệt đối không tham gia vay tín dụng với lãi suất cao cũng như cung cấp thông tin cá nhân cho người ngoài hoặc trên các ứng dụng, diễn đàn không rõ ràng. Trường hợp sinh viên gặp khó khăn đột xuất về tài chính thì có thể liên hệ nhà trường để tìm cách hỗ trợ, giải quyết.
Chia sẻ với báo VietNamNet, anh trai của nữ sinh cho biết, lúc nữ sinh thông báo cho gia đình thì em đang trong trạng thái rất hoảng loạn vì bị đòi nợ. Khi gia đình hỏi em vay ở đâu, vay bao nhiêu thì bản thân em cũng không trả lời được.
Sau khi trấn an, em mới bình tĩnh kể ngọn ngành câu chuyện, không biết chính xác số tiền nữ sinh vay là bao nhiêu nhưng cộng cả gốc lẫn lãi là gần 300 triệu đồng.
Ban đầu nữ sinh chỉ vay vài triệu với mức trả hàng tháng là mấy trăm nghìn đồng. Nghĩ mấy trăm nghìn một tháng là ít nhưng sau đó không trả được thì em cũng không dám nói ra. Em bị đe dọa rồi vướng vào việc tiếp tục vay nữa, dẫn tới khoản nợ lớn.
Việc vay tiền qua các ứng dụng có điều kiện rất dễ dàng, chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân và cho truy cập vào danh bạ điện thoại. Vì vậy, nếu không trả hết tiền thì phía cho vay sẽ liên tục gọi điện, hăm dọa cả người thân và bạn bè của người vay nợ.
Nắm được vấn đề, anh trai của em cũng đã gọi lại cho các bên cho vay nhưng chủ nợ lại không bắt máy. “Rốt cục, bản thân tôi cũng không biết trả cho ai và trả thì có hết không” người anh mệt mỏi tâm sự. Hiện gia đình cũng không biết cơ sở pháp lý thế nào để trả vì không có giấy tờ vay nợ nên rất lo lắng.
“Tâm lý em tôi bây giờ rất tệ, gần như không nghĩ được gì và rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Chúng tôi quyết định thu điện thoại để em ổn định”, người anh của nữ sinh nói.
Yên Yên (t/h)