Nhiều người không khỏi nuối tiếc khi nhìn Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) được sơn lại thành màu trắng làm mất đi những bức tường gạch cũ kỹ mang dáng dấp cổ kính, rêu phong.
Những ngày này, người dân đến tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám tỏ ra bất ngờ khi thấy nơi đây đã được sơn lại thành màu trắng.
Một không gian hoàn toàn mới mẻ trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào những ngày gần đây. Vẫn còn những cây cổ thụ nhưng bên những bức tường trắng mới.
Hầu hết mọi người đều tiếc nuối cho những bức tường gạch cổ kính đã có từ rất lâu.
Được xây dựng từ năm 1070 dưới triều Vua Lý Thánh Tông, Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử và các bậc Tiên Hiền, Tiên Nho… Quốc Tử Giám được xây sau đó (1076) dưới thời Vua Lý Nhân Tông và là trường đại học đầu tiên đào tạo ra nhân tài cho đất nước.
Trải qua 1.000 năm lịch sử, Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn giữ được vẻ cổ kính với đặc điểm kiến trúc của nhiều triều đại và nhiều hiện vật.
Những bức tường gạch cổ kính bên những cây cổ thụ đã từng chứng kiến việc tế lễ, học hành, thi cử của Đại Việt đã trở thành biểu tượng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Việc sơn mới lại đã khiến những bức tường cổ kính đó “biến mất”. Thay vào đó là những cánh cửa, bức tường có dáng cũ nhưng được “khoác áo” hoàn toàn mới.
Ngày nay Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động mang đậm văn hoá Việt Nam, đồng thời là điểm đến du lịch, nghiên cứu của nhiều du khách nước ngoài. Việc thay đổi trên có thể ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động này.
Theo Infonet