Lão Tử nói rằng: “Giang hải năng vi bách cốc vương”(Biển cả có thể trở thành vua của trăm dòng suối)
Lão Tử nói: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, thử nãi khiêm hạ chi Đức dã; cố giang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả, dĩ kỳ thiện hạ chi, tắc năng vi bách cốc vương.”(Thiện như nước, nước có lợi cho vạn vật mà không tranh cùng vạn vật, đây cũng chính là đức khiêm nhường; cho nên biển lớn có thể làm vua của trăm dòng nước, lấy thiện đối đãi, thì có thể thành vua của trăm mạch) .
Ý tứ ở đây là hành thiện tối cao, có lẽ cũng giống như nước, tạo phúc cho vạn vật, nuôi dưỡng vạn vật, lại không tranh cao thấp cùng vạn vật, đây mới là đức khiêm nhường, là đạo đức cao đẹp nhất. Biển cả sở dĩ có thể trở thành nơi hội tụ của tất cả dòng sông lớn nhỏ, là vì nó rất giỏi ở nơi hạ du, có thể thu nạp, bao dung tất cả mọi dòng sông lớn nhỏ, để trở thành vua của trăm mạch.
Lão Tử đã ví “biển cả” giống bậc “thánh nhân”, cho rằng sở dĩ lòng dân trong thiên hạ đều hướng về thánh nhân, là do “đức khiêm nhường”, chứ không phải sự cao ngạo, đặt mình sau lợi ích của nhân dân, có thể bao dung tất cả, do đó người trong thiên hạ tôn trọng, ủng hộ thánh nhân. Lão tử còn nói: “Công thành nhi phất cư. Phu duy phất cư, thị dĩ bất khứ” (Công thành mà không ỷ thế. Ta không ỷ thế, nên [công] còn mãi), “Phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.” (Ta không tranh, nên thiên hạ không tranh với ta) Ý nói là thánh nhân xưa nay không hề ỷ công mà tự cao, chính vì vậy, kỳ công của thánh nhân mới vĩnh viễn không mất đi. Do không tranh, nên thiên hạ không có người có thể tranh với mình.