Dư luận trong nước xôn xao chuyện “Chùa mất tiền, 2 tiểu tăng bị buộc nhúng tay vào chảo nước để chứng minh trong sạch’. Phần lớn đều cho đây là cách làm tàn ác và hủ tục, khiến trụ trì chùa Tăng Du, Sóc Trăng là đại đức Tăng Hoành Na đã phải đứng ra xin lỗi nhằm xoa dịu lời đồn thổi. Bài viết này chỉ đưa ra một góc nhìn văn hóa liên quan đến sự việc trên.
Trong văn hóa truyền thống người Khmer, Miên nói chung, hầu hết người dân đều có tín ngưỡng Phật giáo, và tin vào Thần Phật. Người Khmer thường được miêu tả bằng hai từ đi đôi với nhau là ‘Chân’ và ‘Vàng’.
Người Khmer xưa thừa hưởng văn hóa độc đáo mà gần như đã bị triệt tiêu hoàn toàn trong thời đại ngày nay. Người dân xứ này sở hữu rất nhiều vàng, một gia đình bình thường cũng có thể cất trữ được vài chum, hoặc hủ vàng. Do đó, trước năm 1975, người ta thường có câu đùa rằng, muốn giàu có và đổi đời thì chịu khó lấy vợ Miên.
Giàu có và sở hữu rất nhiều vàng nên tộc người Khmer vẫn luôn là mục tiêu đánh chiếm và cướp bóc của cả người Á lẫn người Tây.
Tuy nhiên, bên cạnh vàng còn có một giá trị tinh thần khác còn quan trọng hơn không kém, đó là sự ‘thành tín’ chân thật. Người Khmer rất coi trọng lời hứa và sự chân thật, những ai hứa mà không giữ lời, hoặc gian dối, đều không thể sống trong cộng đồng của tộc người này.
Việc trộm cắp lén lút trở nên là một hành động ‘không thể chấp nhận’ được trong cộng đồng Khmer. Ai phạm tội này bị coi là một trọng tội bị cộng đồng nghiêm khắc trừng phạt.
Nếu trong cộng đồng có mất cắp xảy ra, mà chưa thể tìm ra ai là thủ phạm, cả làng, dưới sự chủ trì của một ‘pháp sư’, sẽ thực hành qua nghi thức ‘nhúng tay vào vạt nước sôi’ để chứng minh trong sạch. Pháp sư sẽ làm một phép đặc biệt khiến tay người trong sạch khi đưa vào nước sôi rồi rút ra sẽ không bị nóng bỏng, mà trái lại còn cảm thấy mát mẻ. Trong khi kẻ trộm thực sự sẽ bị bỏng dộp cả lên.
Nghi thức này không được thực hành thường xuyên mà chỉ được đem ra áp dụng khi có kẻ trộm trong cộng đồng chưa bị phát giác. Hơn thế nữa, người chủ trì nghi thức cũng phải được truyền thừa một số bí quyết ‘phép thuật’ đặc biệt mới có thể áp dụng thành công. Thần linh sẽ bảo hộ đôi tay người ngay khỏi bị bỏng, và giúp chỉ ra kẻ có tà tâm phạm phải trộm cắp. Nghe qua có vẻ siêu thường, nhưng nếu bạn đến và hỏi những người lớn tuổi ở tộc người Khmer thì không ai không biết.
Việc nhà chùa áp dụng phương pháp trên để tìm ra người ăn cắp cũng không có gì lạ nếu vị sư tăng này sở hữu “phép thuật đặc biệt”.
Có lẽ sai lầm của vị sư thầy thực hiện hành vi trên chính là ông chưa hiểu đúng về nghi thức này và ra tay khá tàn nhẫn.
Tuy nhiên, điều bài viết muốn nói ở đây là một nét văn hóa đáng trân trọng của người Khmer, một cộng đồng không chấp nhận cái gian ác và tín ngưỡng vào Thần Phật.
Bruce Phan, tổng hợp