Vào mỗi dịp tết đến, cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn, đặc biệt là tại Quận 5 lại có những phong tục mang phong cách rất riêng và độc đáo như dán câu đối liễn trước cổng nhà hoặc xem múa lân,…
Trong dân gian lưu truyền rằng, con lân tượng trưng cho sức mạnh oai hùng, là con vật có thể xua đuổi tà ma, mang lại cho con người sự may mắn tràn đầy, tài lộc và vẹn toàn hạnh phúc.
Có nhiều truyền thuyết khác nhau về sự thuần phục con lân của Đức Phật Di Lặc. Xong có một điều mà trong tín ngưỡng dân gian luôn luôn kế thừa, đó là sự xuất hiện của Đức Phật Di Lặc cùng con lân sẽ đem lại cho muôn nhà niềm hạnh phúc ấm lo, cát tường thịnh vượng, mọi tai ương, tà ác đều được hóa giải. Có lẽ đó cũng là lý do mà cho tới ngày nay chúng ta thường thấy hình ảnh ông Địa với nụ cười rạng rỡ phe phẩy cái quạt trong đoàn múa lân.
Ngày nay, trong cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn, đặc biệt là tại Quận 5 đều vẫn giữ được tập tục xem múa lân mỗi khi Tết đến. Thậm chí có nhà hàng năm đều mời lân đến nhà biểu diễn với ý nghĩ lân sẽ xua tan xui rủi và mang may mắn đến cho gia đình.
Sự tích Đức Phật Di Lặc thu phục con lân
Tương truyền vào thời Trung Hoa cổ đại, có một con thú có tên gọi là “Con Niên” cực kỳ hung dữ xuất hiện vào cuối đông – đầu xuân. Con niên kéo xuống xóm làng phá hoại mùa màng và thậm chí là ăn thịt người. Cứ vào mỗi mùa con niên xuống làng kiếm ăn, người dân sống trong cảnh vô cùng khó khăn và lúc nào cũng lo sợ bị con niên cướp mất sinh mạng.
Tuy con Niên hung dữ là thế nhưng lại rất sợ nhìn thấy màu đỏ và tiếng ồn. Chính vì nắm được yếu điểm này của con Niên, nên người cứ mỗi khi tết về sẽ dán đầy giấy đỏ trước cửa nhà và đánh trống đánh chiêng cũng như đốt pháo để con Niên không dám vào nhà quấy phá dân làng.
Sau này con niên được Đức Phật Di Lặc thuần phục bằng cách cho nó ăn một loại thảo dược gọi là Linh Chi Thảo. Con niên sau khi ăn xong ngủ 1 giấc tỉnh dậy bỗng nhiên trở nên hiền lành và trở thành thú cưỡi của Phật Di Lặc. Con vật bỗng nhiên không còn là nỗi khiếp sợ của dân làng mà trái lại còn rất gần gũi với con người, nhất là trẻ em. Để quên đi vấn nạn con niên mỗi khi xuân về, về sau người ta mới đổi gọi con niên thành con lân như ngày nay chúng ta vẫn thường gọi.
Múa lân du nhập vào Việt Nam như thế nào?
Múa lân là một môn nghệ thuật có từ lâu đời, nó gắn liền với phong tục, tập quán và các ngày lễ hội lớn của người Trung Hoa, nhất là vào mỗi khi tết đến.
Múa lân được chia ra làm 2 loại: Nam sư và Bắc sư. Nam sư tức là con lân chúng ta thường hay gọi – thịnh hành ở miền Nam, Trung Quốc nhất là tại Quảng Đông. Bắc sư còn gọi là múa sư tử thì được người miền Bắc Trung Quốc ưa chuộng có xuất xứ tại Bắc Kinh.
Múa lân được phân ra thành 2 trường phái chính: Phật Sơn và Hạt Sơn. Lân múa theo phái Phật Sơn thuộc hổ báo hình, được múa mô phỏng theo cử chỉ, điệu bộ của loài hổ, loài báo động tác mạnh mẽ, oai phong thích hợp cho múa dưới đất hơn. Còn lân múa theo phái Hạt Sơn thuộc Long hình, được mô phỏng theo hình dáng và hành động của loài mèo động tác nhanh nhẹn, nhẹ nhàng thích hợp cho múa trên cao hơn ví dụ như lân lên mai hoa thung chẳng hạn.
Trước mắt, Nam sư chia ra làm 7 màu chính. Có 5 loại lân sử dụng hình ảnh và màu sắc khác nhau tượng trưng cho 5 vị danh tướng thời Tam Quốc là Lưu Bị, Quan Vũ, trương Phi, Hoàng Trung và Triệu Vân.
- Lân biểu trưng Lưu Bị: nền vàng, lông mày trắng, râu dài và đen, trên đỉnh đầu có treo “hồng anh” (thông thường sẽ là bông vải đỏ), sau ót vẽ 3 đồng tiền tượng trưng ý nghĩa “hòa khí hữu thiện”, đuôi 7 màu
- Lân biểu trưng Quan Vũ: nền đỏ, lông mày đen, râu dài và đen, mũi xanh lá, sừng tím, sau ót vẽ 2 đồng tiền mang ý nghĩa “trung và nghĩa”, đuôi đỏ pha xanh lá.
- Lân biểu trưng Trương Phi: nền đen, lông màu đen, râu ngắn và đen, mũi xanh lục, sừng sắt, mắt đỏ, lỗ tai cụp vào, sau ót vẽ 1 đồng tiền, đuôi trắng đen, vằn tam giác.
- Lân biểu trưng Hoàng Trung: Nền vàng hoa mai, râu bạc.
- Lân biểu trưng Triệu Vân: nền vàng, lông mày trắng, mũi xanh lá.
Ngoài ra, cũng có nơi dùng 5 màu đỏ, đen, trắng, vàng, xanh dương tượng trưng cho “Ngũ hổ tướng” của nhà Tây Hán vào thời Tam Quốc lần lượt sẽ là Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu.
Thông thường, 2 con lân đại biểu cho Quan Vũ và Trương Phi sẽ được sử dụng trong những trường hợp 2 lân giao đấu với nhau – sẽ được nói chi tiết ở phần bên dưới. Ngoài 5 con lân kể trên ra, còn phải nhắc đến Kim sư và Ngân sư. Lân vàng tượng trưng cho lân đực và lân bạc tượng trưng cho lân cái – 2 loại này thích hợp biểu diễn trong các nơi liên quan đến thương mại nhiều hơn.
Do ảnh hưởng của Thế Chiến I, các lão tiền bối người Hoa tẩu tán khắp nơi nhưng đa phần chạy sang Hong Kong và các nước trong vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn tập trung tại Malaysia, Singapore và Việt Nam. Sau khi ổn định được nơi trú thân trên đất Việt Nam, cộng đồng người Hoa xưa bắt đầu thành lập các hội quán, trường học, đoàn thể và võ đường. Họ thành lập các đoàn thể để giúp đỡ đồng hương, giới thiệu việc làm cũng như dạy võ cho các đồng hương có sức khỏe cũng như để phòng thân khi gặp biến cố.
Có năm hội quán lớn được thành lập và duy trì cho đến ngày nay bao gồm Hội Quán Tuệ Thành của người Quảng Đông, Hội Quán Nghĩa An của người Triều Châu, Hội Quán Nhị Phủ của người Phúc Kiến, Hội Quán Sùng Chính của người Khách Gia (Hẹ) và Hội Quán Quỳnh Phủ của người Hải Nam.
Vào những năm thập niên 20 của thế kỷ trước, các vị lão sư phụ bắt đầu thành lập đoàn lân, mở võ quán. Vào lúc sơ khai, mỗi đoàn lân chỉ có duy nhất một con lân đại diện cho võ quán của mình. Người múa đầu lân đòi hỏi phải có một trình độ võ thuật nhất định mới được phép đại diện võ phái múa lân, thông thường sẽ từ cấp huấn luyện viên trở lên mới được phép múa.
Lúc bấy giờ, các đoàn lân chỉ có duy nhất một loại múa lân, chứ không phải lân sư rồng như bây giờ. Mỗi võ đường do những bang hội người Hoa khác nhau thành lập sẽ múa theo những con vật đặc trưng của bang hội ấy. Đơn cử như các đoàn lân do người Quảng Đông mở ra sẽ chỉ múa lân (Nam sư) ví dụ như Liên Nghĩa, Nhơn Nghĩa, Thắng Nghĩa,…. Đông Phương của người Triều Châu sẽ múa sư tử (Bắc sư).
Rồng là đặc trưng của người Phúc Kiến với đoàn Kim Long Phúc Kiến, tuy nhiên người Phúc Kiến tại Bình Dương thì múa Hẩu chứ không múa rồng. Kỳ lân sẽ là biểu trưng cho các đoàn lân người Khách Gia (Hẹ) như đoàn Quần Tân Đường – Đã ngưng hoạt động.
Hồng Liên (st)