Miền Tây Việt Nam đang trải qua đợt hạn mặn nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, nguyên nhân là do nước chảy về từ sông Mê Kông không đáp ứng đủ. Thủ phạm xuất phát từ những con đập thượng nguồn. Liệu người dân có thể trông mong phương thức ban phát nguồn nước từ một vài quốc gia láng giềng mỗi khi hạn hán xảy đến.
Dòng sông Mekong hùng vĩ với chiều dài 4,350 km, bắt nguồn từ Tây Tạng và ngang qua Hồ Nam – Trung Quốc, Burma, Lào, Thái Lan, Campuchia và kết thúc tại Việt Nam trước khi đổ ra biển Đông.
Người Việt Nam tuy chỉ mới nhận được lợi ích của dòng sông này trong khoảng 300 năm nay từ thời nhà Nguyễn. Nhưng giá trị lợi ích mà dòng sông mang lại quả thực to lớn, Mekong là nguồn sống chính cho một vùng dân cư rộng lớn khắp đồng bằng sông Cửu Long.
Mãi từ những năm khai hoang mở cõi cho đến những thập niên gần đây thì sản lượng tôm cá và phì nhiêu màu mỡ mà dòng sông mang lại đủ nuôi sống hàng chục triệu dân. Tuy nhiên chỉ trong vài năm ngắn ngủi thì tình hình đã trở nên khác hẳn. Lượng nước về không con nhiều như xưa, trữ lượng cá giảm sút, hiện nay khu vực miền Tây đang phải đối mặt với tình trạng hạn mặn nghiêm trọng. Lý do là vì con người đã thay phiên nhau xây dựng những cái đập thủy điện xuyên suốt chiều dài của dòng sông vĩ đại. Quốc gia nào có dòng sông đi qua cũng muốn thu thêm một phần giá trị gia tăng từ nó, ngòai những lợi ích truyền thống mà Mekong mang lại trong hàng bao nhiêu thế hệ thì vẫn còn một giá trị khác mà họ không quên bỏ sót – đó là thủy điện.
Tuy nhiên trong những đập thủy điện đó thì ảnh hưởng lớn nhất vẫn là Trung Quốc, với 2 con đập lớn nhất là Mạn Loan (cao 261.5 m, công suất 4200 MW) và Nọa Trát Đồ (cao 261.5m, công suất 5850 MW). Nhưng dường như lợi ích từ con đập này không chỉ đơn giản là thủy điện, nó còn giống như một án treo lên những quốc gia có dòng sông Mekong đi qua, vì nó tiềm ẩn một mối nguy hiểm về an toàn khi có sự cố vỡ đập hoặc chiến tranh giữa các quốc gia.
Vậy thì tương lai dòng sông Mê Kông liệu sẽ thế nào, có thể xem qua một chút phân tích bên dưới để có cái nhìn xa hơn về tương lai con sông này.
Đối xử tàn tệ với tự nhiên, tầm nhìn nông cạnTrong quá khứ, Trung Quốc bất chấp mọi giá để xây đập thủy điện.
Vào năm 1959, chính quyền Trung Quốc cho xây dựng một con đập cạnh sông Hưng An và nhấn chìm toàn bộ khu vực này, vốn là một thành phố cổ được xây dựng từ thời Đông Hán. Người dân nơi đây phải ngậm ngùi bỏ nhà cửa ra đi để nhường chỗ cho tham vọng của chính quyền trong thời kỳ Đại nhảy vọt. Kết quả toàn bộ khu vực này với diện tích 86 km2 ngập chìm trong biển nước, bị cưỡng bức thành một di sản văn hóa dưới nước do bàn tay của con người, trở thành một thành phố Atlantic của Trung Quốc với cái tên “Thiên Đảo”.
Đó là nói sơ sơ về cách họ làm thủy điện. Còn về nông nghiệp thì sao? Chính phủ đã làm rất nhiều công trình cải tạo tự nhiên, nổi bật là ở Nội Mông với những dự án gọi là “tích thảo tạo điền”. Nội Mông nguyên là các đồng cỏ, có từ hàng ngàn năm trước đến nay, do hàng ngàn các chủng các loại sinh vật khác nhau hợp thành, trải qua thời gian kiến tạo một hệ cân bằng sinh thái rộng lớn.Sau khi ĐCSTQ tiếp quản nơi đây, những người lãnh đạo vì muốn “tạo điền” nên đã phóng lửa để đốt cháy rụi hết cả.
Vốn dĩ nơi đó là hệ thực vật hàng ngàn năm không ngừng phân hủy liên tục, những thứ đó hòa lẫn vào trong đất, thổ nhưỡng là vô cùng màu mỡ. Chỉ cần sau khi người nông dân gieo hạt xuống, không cần chăm bón, sau một năm đảm bảo là được một vụ mùa bội thu, điều đó cho thấy nó đã là một mảnh đất màu mỡ như thế.
Một ngọn lửa làm nên đổi mới, kết quả của sáng kiến này là gây ra thiệt hại sinh thái xói mòn đất nghiêm trọng, bởi vì cây trồng nông nghiệp không có khả năng cố định đất và nước. Một khi trời mưa xối xả, hoặc gió lớn thổi về, tầng thổ nhưỡng ở bề mặt đất rất lơi lỏng, một sớm một chiều sẽ được rửa sạch. Qua thời gian lâu thì nơi đó bị phong hóa biến thành sa mạc.
Như vậy đối với phong trào “tạo điền” ở Nội Mông, sản lượng lương thực thu được rất lớn nhưng đây chỉ là lợi ích ngắn ngủi, bởi nơi này sau ba năm sẽ trở thành một sa mạc; gây thiệt hại sinh thái nghiêm trọng. Kế đó là những cơn bão bụi, và hiện bão cát sa mạc đã thổi đến cách Bắc Kinh chỉ trong năm mươi cây số. Có thể nói sự hủy hoại sinh thái ở Nội Mông nguyên nhân chính là do chính sách “cải tạo” của chính quyền.
Cách làm thủy lợi trái ngược với tự nhiênVăn hóa truyền thống của Trung Quốc vốn dĩ đề cao thuận theo tự nhiên. “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”, ý là nói con người và thiên nhiên là một mối quan hệ hài hòa.
Đảng cộng sản chủ trương sau khi chủ nghĩa Mác xuất hiện, thì chỉ đạo cho khoa học, chỉ đạo cho xã hội chính là “cải tạo tự nhiên”, vì thế khi giải quyết vấn đề, họ về cơ bản là dùng biện pháp đấu tranh để mà đấu với trời, đấu với đất.
Bốn ngàn năm trước khi Đại Vũ trị thủy, nếu nước lụt kéo đến thì nên đào kênh dẫn ra chứ không thể dùng biện pháp ngăn chặn nó được. Nhưng chính quyền TQ thì dùng cách ngược lại. Năm 1998, khi lũ tràn từ sông Dương Tử, họ phải cho người mang vác bao tải, tường người, thậm chí là phải nổ chìm xe tải và tàu hơi nước để ngăn miệng lũ, đó hoàn toàn là biện pháp chống chế. Đây không chỉ đơn giản là về vấn đề lũ lụt, hay vấn đề Nội Mông, thực ra đây là vấn đề về cách giải quyết vấn đề. Ví dụ như vấn đề trị thủy, có thể hoàn toàn không cần phải dùng biện pháp ngăn chặn.
Hiện nay, chúng ta có thể nhìn vào dự án xây đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử của Trung Quốc, dự án này đã khiến cho một khu vực rộng lớn thường xuyên có lũ lụt. Bản thân sông Dương Tử ban đầu không phải là một con sông nhiều rủi ro hay dễ gây thảm họa, nói khác đi nó là rất khó phát sinh lũ lụt. Có hai nguyên nhân vô cùng trọng yếu:
Thượng nguồn của sông Dương Tử là Tứ Xuyên, bao gồm cả khu vực cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng, đó là một khu rừng nguyên sinh rất lớn, có khả năng bảo tồn nước cực cao, trữ lượng lên đến 400 tỷ mét khối. Nhờ đó, ở thượng nguồn sông Dương Tử, không kể mưa có lớn thế nào, thì khu rừng đó cũng có thể tải hết.
Sau khi ĐCSTQ nắm quyền, do chính sách cải tạo tự nhiên mà tàn phá đất rừng vô tội vạ, làm cho nguồn nước bảo tồn giảm xuống chỉ còn 100 tỷ mét khối. Thế nhưng dự án đập Tam hiệp trên sông Dương Tử bảo tồn được bao nhiêu khối nước đây? Chỉ vỏn vẹn 30 tỷ mét khối, có nghĩa phải xây 10 cái đập Tam Hiệp mới có thể giữ được lượng nước đã chảy mất.
Điểm thứ hai là: Hạ nguồn sông Dương Tử là khu vực đồng bằng, phía bắc là đồng bằng Giang Hán, phía nam là hồ Động Đình. Hạ nguồn con sông này thông với nhiều hồ, với hệ thống nước hồ Động Đình và hồ Bà Dương cũng vậy, như vậy mực nước sông Dương Tử một khi tăng lên, phân dòng lũ có thể đổ vào hồ Động Đình.
Chỉ cần hồ Động Đình hút vào một vài phân nước, thì mực nước sông Dương Tử có thể sẽ hạ xuống 1 mét. Đồng nghĩa nếu như dùng hồ Động Đình để trữ dòng nước lũ, hoàn toàn có thể ngăn được thảm họa lũ lụt rất lớn. Ngày xưa vốn dùng cách này, đều là chuyển dịch dòng lũ mà đối phó ôn hòa với nó.
Sau khi ĐCS thành lập, họ phát động phong trào “bao hồ tạo điền”, tức dùng đất lấp hồ cho chết, sau đó làm đất nông nghiệp thậm chí còn xây thành phố, như vậy hoàn toàn làm mất khả năng trữ lũ của hồ Động Đình. Thế khi lũ đến thì làm sao đây, họ không có biện pháp nào cả, chỉ có thể là dùng sức người, sức cơ giới mà ngăn cản, họ tự dẫn mình vào ngõ cụt theo cách đó.
Dự án dựng đập ngăn sông Mê Kông, hại người hại mình
Đối với môi trường sinh thái trong nước, chính quyền Trung Quốc đã tạo ra nhiều biện pháp không thể cứu chữa, hiện nay họ lại tiếp tục cố chấp đi theo con đường cũ. Những dự án đập đầu nguồn sông Mê Kông tương lai sẽ gây ra nhiều rủi ro có thể dự đoán được. Sông Mê Kông với chiều dài vĩ đại sẽ mang lại giá trị nông nghiệp và thủy lợi cho nhiều vùng lãnh thổ. Hiện nay bất cứ một dự án ngăn chặn dòng chảy đều khiến rất nhiều người dân bị ảnh hưởng. Trung Quốc là quốc gia vốn có tiền xử hành xử thiếu trách nhiệm với tự nhiên, nhưng lại có tham vọng khai thác dòng chảy lớn như vậy, về cơ bản là họ đang gây hậu quả cho chính mình và các quốc gia khác.
Ai cũng đều biết, mọi con sông lớn đều chảy ra biển. Vùng đồng bằng sông Cửu Long chính là khu vực cuối cùng trước khi sông Mê Kông đổ ra biển, hàng năm đến mùa nước nổi mực nước nơi đây đều lên xuống tới hàng mét nước. Có thể thấy lượng nước mà sông Cửu Long đổ ra biển là rất lớn. Nhưng rốt cuộc tại sao lại có thể nói việc xây đập của TQ chính là hại người mà tự hại mình?
Cả một đồng bằng rộng lớn, với một diện tích trải rộng là thảm thực vật, khi mùa nước lên có thể lưu giữ một diện tích mênh mông nước như vậy. Có thể thấy đây là cơ chế thấm nước trên diện tích rộng, khiến cho vùng thượng nguồn không bị quá tải nước, cũng giống như công dụng của hồ Động Đình đối với con sông Dương Tử hùng vĩ. Do đặc thù của vùng đồng bằng Tây Nam Bộ nên sông Mê Kông không bị biến thành dòng nước chảy siết hung hãn khi mực nước tăng cao (điều này thực ra cũng tương tự với lãnh thổ Campuchia) .
Sông Mê Kông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng hùng vĩ với độ cao khoảng trên 5200m. Nhưng có một đặc điểm cần lưu ý là khi rời Trung Quốc, con sông Mê Kông với tên gọi Lan Thương chỉ ở độ cao vào khoảng 500 m so với mực nước biển. Điều đó có nghĩa là thượng nguồn cho đến qua lãnh thổ TQ thì độ dốc dòng chảy rất lớn, nước từ nóc nhà của thế giới mà chảy qua chiều dài lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng khi đi quá TQ thì dòng chảy chỉ ở một độ dốc không quá lớn, khiến cho một đoạn dài lưu vực sông Mê Kông không còn là dòng chảy hùng vĩ đơn nhất mà có điều kiện tạo thành một mạng lưới chằng chịt các nhánh và có thể trữ một lượng lớn nước khi mực nước dâng cao. Điều này có lẽ là mẹ Tự Nhiên khéo an bài. Khu vực Cửu Long được thừa hưởng một lượng lớn phù sa mang lại, nhưng đồng thời cũng kìm hãm sức nước, khiến cho sông Mê Kông không trở thành con quái vật hung hãn cuốn phăng mọi thứ trong dòng chảy của nó mà đổ phăng ra biển.
Nhưng một khi xây đập hãm lại dòng chảy, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị khô cạn, về lâu về dài phù sa nơi đây sẽ hóa sét chai cứng và mất đi khả năng dàn trải nước. Trong tương lai khi đối mặt với vấn đề quá tải nước đổ về từ cao nguyên Tây Tạng , việc xả lũ của những con đập đầu nguồn sẽ gây nguy hiểm cho người dân các nước vùng hạ lưu do dòng chảy mạnh hơn và sẽ dâng cao hơn truyền thống. Đồng thời người dân ở khu vực đầu nguồn cũng chịu cảnh bị ngập lụt, hay có thể vỡ đập. Ngoài ra việc xây đập cũng khiến cho một lượng lớn cư dân phải di dời mất nơi ở, chỉ riêng tính cho 2 con đập lớn nhất tại Trung Quốc thì đã khiến cho tổng số khoảng 75 ngàn người mất chỗ ở.
Và điều đáng lo không kém là trong hoàn cảnh có xung đột, dòng sông hiền hòa cũng sẽ bị lợi dụng như thứ vũ khí tự nhiên. Như cách mà quân đội Anh đã dùng với phát xít Đức, hay cách Trung Quốc đã làm là phá đê sông Hoàng Hà để ngăn cản bước tiến của quân Nhật trong quá khứ.
Khó mà đoán được hậu quả nào có thể xảy đến khi ý thức hệ của người ta toàn là đấu tranh và sẵn sàng đấu tranh.
Các dự án thủy điện đã lỗi thời. Hiện nay trên thế giới không còn mặn mà gì lắm với thủy điện. Đơn giản vì hiệu suất kinh tế của nó không cao. Các nước phát triển đã bắt đầu nhắm đến các dự án về năng lượng mặt trời và điện gió.
Khó lòng mà nghĩ tới một phương thức hiệu quả để đối phó với cách thức cố chấp mà Trung Quốc đang cố gắng thực thi. Nhưng nếu có thể nhìn vào những sai lầm trong quá khứ của họ, chúng ta có thể rút ra bài học thích đáng. Điều mấu chốt ở đây chính là phải “thuận theo tự nhiên”, một số người cho rằng nên xây hồ trữ nước, vậy tại sao không làm phong phú thảm thực vật nơi đây để giữ nước. Bởi vì vấn đề ở đây không chỉ đơn giản là cung cấp nước cho tưới tiêu, mà là giữ cho một môi trường ngập nước đối với khu vực rộng lớn để đảm bảo sinh tồn cho các loài thủy cư trong suốt một mùa nhất định.
Ngoài ra việc ngăn chặn dòng chảy cũng gây nguy hại cho dòng sông Mê Kông, nếu vẫn là cách xây đập giữ nước, chỉ khiến cho tình hình thêm tồi tệ. Điều này cần các quốc gia vùng hạ lưu thực sự có quyết tâm trong việc hợp tác đối phó. Và điều đó không thể chỉ trong một vài lời phản đối suông là vấn đề được giải quyết.
* Bài viết sử dụng nội dung phân tích của GS Chương Thiên Lượng – một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Tinh Hoa