Cho đến nay đã 6 ngày kể từ ngày 9 thuyền viên còn lại mất tích, chỉ 1 người duy nhất tìm được nhưng cũng đã tử vong. Cả ngôi làng vùng biển đang chìm trong cảnh tang thương đau đớn…
Liên quan đến vụ chìm tàu của ngư dân xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ. Cho đến nay hiện đã có 1 người chết, 9 người còn lại vẫn đang mất tích. Tại quê nhà của các ngư dân gặp nạn, mấy ngày nay không khí tang thương bao trùm.
“Thuyền bị lật úp, tôi bị rớt ra ngoài, rồi tàu đâm kéo tàu của tôi theo khoảng 50 mét. Bơi theo tàu thì chết, nên tôi bơi trở lại khoảng 100m và lọt qua được con tàu”, đó là lời kể về giây phút kinh hoàng của ông Đinh Trọng Dũng, người may mắn sống sót trong vụ chìm tàu khi đã trở về quê nhà.
Dù sống sót trở về nhưng ông Dũng mấy ngày qua như người mất hồn vì 9 bạn thuyền của mình vẫn chưa được tìm thấy. Đau buồn hơn, là cảnh tang thương trong những ngôi nhà có người mất, mỗi lúc như vậy ông lại nghĩ về những người bạn thuyền đang lạnh lẽo ngoài khơi xa.
Video: Đáy biển lạnh lẽo chôn vùi ước mơ của những thiếu niên bỏ học theo bố bám biểm mưu sinh. (Nguồn: Người Đưa Tin)
Những người vợ mất chồng, mẹ mất con
Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà nhỏ. Chị Nguyễn Thị Lý (vợ anh Hòa) khóc ngất, đớn đau khi cả chồng và con gặp nạn. Đã mấy ngày nay, chị Lý tiều tụy, vô vọng gọi tên chồng, con. Tiếng khóc xé lòng của chị khiến ai cũng không cầm được nước mắt. Chị Tô Thị Hoa, (người dân địa phương) cho biết, vợ chồng anh Hòa có 3 người con (1 trai, 2 gái), cháu Phong là con cả. Thương bố mẹ vất vả nên Phong bỏ học giữa chừng, cùng cha phụ giúp công việc trên tàu.
“Có người gọi điện về báo khi mọi người tìm đến phao cứu hộ thì anh Hòa vẫn cố gắng tìm con rồi kiệt sức trong sóng dữ. Lúc ở nhà, hai bố con anh Hòa sống rất tình cảm. Bố đi câu hay đi chơi chưa về là cậu con trai không chịu ăn cơm. Đau lòng quá. Sóng to, dưới biển có nhiều dòng hải lưu nên khi tàu bị chìm khó thoát ra ngoài. Khi tàu bị đâm chìm là lúc gần 13h chiều, mọi người đang ngủ. Người đi biển ban đêm thức trắng để câu mực, câu cá và đánh lưới, ban ngày ngủ lấy sức”, anh Nguyễn Thành Công (SN 1986, em rể anh Hòa) cho biết.
Đến 15h chiều ngày 1/7, dù không muốn nhưng cũng phải tạm biệt anh Hòa để đưa anh về lại đất mẹ. Chị Lý cứ khóc mãi chẳng ngừng, người thân phải túc trực dìu chị đi cạnh linh cữu, thỉnh thoảng chị lại ngã khụy xuống vì kiệt sức. Suốt 4 ngày qua, chị đã khóc cạn nước mắt vì thương chồng, thương con. Chưa bao giờ nơi đây phải đón một ngày tang thương đến như vậy.
Giữa không khí oi bức đến ngộp thở ấy, cộng với đoàn người rất đông đi theo chiếc xe tang chở thi thể anh Hòa, chầm chậm lăn bánh ra rú Đình, đoàn người nối đuôi nhau đi theo, có cả những người không quen biết mà chỉ kịp nghe qua câu chuyện, cũng tìm đến như một lời an ủi động viên người nhà anh Hòa. Người khóc thương tâm, tiếng kèn đám tang người ta cất lên nghe sao ai oán…
Cách đó không xa ngôi nhà chị Hồ Thị Lân (SN 1971), mẹ của nạn nhân Nguyễn Văn Tùng (SN 1996) cũng tràn ngập không khí đau thương không sao kể xiết. Nhiều lần chị khóc lịm đi vì kiệt sức, hàng trăm người đến động viên an ủi cũng không làm chị nguôi ngoai được phần nào. Đến giờ vẫn chưa tìm thấy con, muốn hy vọng cũng không thể, vì giữa biển khơi mênh mông như thế cơ hội sống sót quá mong manh.
Anh Nguyễn Văn Hồng (bố của Tùng) đang đánh cá tại vùng biển Quảng Bình cũng lập tức xin tàu trở lại bờ. Bắt xe khách về nhà chứng kiến, anh mới dám tin đây là sự thật.
Chị Hồ Thị Hương (em gái chị Lân) cho biết: “Nhà chị Lân khó khăn, căn nhà cấp 4 nhỏ xây từ nhiều năm trước đến nay vẫn chưa trả xong nợ. Gia đình không có điều kiện nên học hết cấp 2, Tùng bỏ học theo cha đi biển. Cháu nó hiền lành, đẹp trai lắm. Hai ngày nay, chúng tôi vẫn mong điều kỳ diệu đến, mong rằng cháu còn sống về với gia đình”.
Tạm dừng hoạt động tìm kiếm vì áp thấp
Thông tin áp thấp nhiệt đới, có thể mạnh lên thành bão, càng làm cho bà con thêm lo lắng vì 9 người thân của họ vẫn chưa được tìm thấy. Ai cũng lo sợ rằng càng kéo dài bao lâu khả năng tìm được người sẽ càng khó khăn hơn.
Đến sáng 2/7, ông Nguyễn Anh Vũ – Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, đội thợ lặn đã lặn xuống biển bắt đầu tiến hành tìm kiếm tung tích 9 nạn nhân mất tích.
“Hiện thời tiết tại hiện trường 9 ngư dân mất tích đã có gió giật cấp 5 tăng lên một cấp so với hôm qua. Sáng nay, đội thợ lặn cũng đã lặn xuống biển kết hợp với việc thu kéo lưới, tìm kiếm trên mặt biển. Phạm vi tìm kiếm 345 hải lý vuông, lực lượng tìm kiếm hơn 100 người, 4 tàu chuyên dụng và 6 tàu ngư dân quần liên tục trên biển. Gió giật trên cấp 5 thì đội thợ lặn buộc phải dừng để đảm bảo an toàn”, ông Vũ cho biết.
Riêng 7 tàu cá của ngư dân Nghệ An hỗ trợ tìm kiếm trước đó đã phải rút về đất liền tránh áp thấp nhiệt đới.
“Qua lời kể của các ngư dân sống sót thì lúc xảy ra vụ việc, trong số 9 người mất tích thì có 6 người đang ở trong khoang tàu. Do tai nạn xảy ra bất ngờ nên đa số ngư dân không kịp mặc áo phao.
Khu vực xảy ra chìm tàu có độ sâu 60m, gây khó khăn cho lực lượng tìm kiếm và đội thợ lặn. Chúng tôi đang nỗ lực cao nhất, tập trung các lực lượng đồng thời tiếp nhận các nguồn tin từ các tàu cá ngư dân để sớm tìm thấy 9 ngư dân mất tích”, ông Nguyễn Anh Vũ – giám đốc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết.
Ở quê nhà, những người mẹ, người vợ, những đứa con thơ vẫn chờ đợi từng giờ thông tin về số phận của 9 ngư dân từ lực lượng tìm kiếm, cứu nạn.
Cập bến trong nước mắt
Sau 4 ngày lênh đênh trên biển miệt mài tìm kiếm, do thời tiết đã chuyển biến xấu nên 7 thuyền viên còn lại đành chấp nhận trở về trong nước mắt. Cả 7 người đều tỏ ra mệt mỏi xen lẫn đau buồn. Ánh mắt họ thẫn thờ đăm chiêu như đang suy nghĩ rất nhiều điều, có thể đó là những kỷ niệm ngày tháng anh em còn đầy đủ cùng nhau đánh bắt, những điều họ chẳng thể nói ra ngay lúc này…
Đến khoảng 22h đêm 2/7, cuối cùng tàu cứu nạn SAR 411 đã cập cảng Cửa Lò, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) để đưa 7 thuyền viên trở về quê nhà. Hàng chục người từ huyện Quỳnh Lưu đã đến từ lúc nào chờ sẵn để đón người thân của mình.
Gặp được nhau ai cũng vui mừng đến rơi nước mắt, chị Nguyễn Thị Thuận – người cô của thuyền viên Đinh Trọng Hậu (28 tuổi) – cho hay những ngày qua chị và gia đình các thuyền viên khác đều như ngồi trên đống lửa khi hay tin tàu cá bị chìm. Mỗi giờ trôi qua, gia đình đều ngóng chờ thông tin tìm kiếm các ngư dân và vỡ òa cảm xúc khi biết tin Hậu và 8 ngư dân khác may mắn sống sót.
“Vợ chồng Hậu sinh được 3 đứa con, trong đó đứa út mới 6 tháng tuổi, nếu nó mà bỏ mạng ngoài biển thì không biết vợ con nó bấu víu vào ai”, chị Thuận tâm sự.
Ông Bùi Quang Khánh – chủ tịch Hội nghề cá xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu – cho hay: “Người dân xã Tiến Thủy bao đời nay vươn khơi bám biển nhưng đây là tai nạn chìm thuyền đau xót nhất…”.
Những ngày qua, dân làng biển Tiến Thủy đều mong chờ một phép nhiệm mầu sẽ đến với 9 ngư dân mất tích nhưng nỗi mong chờ đó như đang tắt dần khi thời gian cứu hộ dự kiến còn kéo dài.
“Thời tiết vùng biển tàu cá bị chìm đã mạnh lên thành bão, chúng tôi nghe như đứt từng khúc ruột và mong muốn các cơ quan chức năng, chủ tàu hàng sớm có giải pháp lặn tìm kiếm người, trục vớt tàu”, ông Khánh nói.
Chúc Di (t/h)