Tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra vào ngày 2/9 vừa qua, các cơ quan báo chí đã liên tục đặt câu hỏi về việc tại sao cơ quan chức năng vẫn chưa công bố danh tính 9 người bỏ trốn khi đi cùng chuyên cơ đoàn Quốc hội tới Hàn Quốc cuối năm 2018.
Trả lời câu hỏi trên, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an chỉ nói ngắn gọn: “Tổng thư ký Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã có thông tin ban đầu. Về phần mình, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao. Khi nào có kết quả cụ thể chúng tôi sẽ thông báo”.
Sau phần trả lời của Thiếu tướng Tô Ân Xô, báo chí tiếp tục đặt vấn đề vụ việc đã xảy ra từ tháng 12/2018, nhưng đến nay vẫn chưa được làm rõ, vậy vướng mắc nằm ở đâu? Tuy nhiên, Thiếu tướng Tô Ân Xô không trả lời thêm các vấn đề liên quan đến vụ việc.
Về phía Bộ KH-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết các cơ quan chức năng cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc đều đang điều tra nên chưa thể cung cấp danh tính 9 người này, kể cả 2 người đã về nước.
“Tôi biết cách trả lời này cũng không thỏa mãn các cơ quan báo chí, nhưng chúng tôi chưa đủ thẩm quyền để cung cấp. Khi nào có đầy đủ thông tin, được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì chúng tôi sẽ cung cấp danh tính người bỏ trốn”, ông Trung nói.
Liên quan đến trách nhiệm của Bộ KH-ĐT với vai trò là đơn vị được giao tổ chức đoàn doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết:
“Ở góc độ Bộ KH-ĐT, chúng tôi thấy có trách nhiệm trong việc này. Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, rà soát lại quy trình lựa chọn doanh nghiệp để siết chặt, đảm bảo quy trình tổ chức được chặt chẽ trong thời gian tới”, ông Trung nói thêm.
Thứ trưởng cũng bày tỏ “hết sức đáng tiếc” khi đây là sự việc lần đầu tiên xảy ra và tính chất nghiêm trọng. Theo ông Trung, mặc dù Bộ KH-ĐT đã phối hợp với các đơn vị liên quan, trong đó có cơ quan an ninh thẩm tra nhân thân của các doanh nghiệp tham gia đoàn, nhưng việc doanh nghiệp bỏ trốn thực sự là không thể lường trước được.
“Đây là sự việc không thể lường trước, vì động cơ mục đích của họ mình không nắm được. Chúng tôi cũng đang làm rõ, nếu phát hiện sai phạm của cán bộ trong việc lựa chọn doanh nghiệp thì sẽ xử lý đúng theo quy định”, ông Nguyễn Đức Trung chia sẻ.
Vào tuần trước, có tin đồn cho rằng một số người thuộc nhóm trốn lại Hàn Quốc là đến từ Hà Tĩnh. Phản hồi về lời đồn này, ông Trần Tú Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh khẳng định “Hà Tĩnh không có doanh nghiệp nào tham gia đi cùng đoàn đó”.
Ngoài ra ông nhận định, không loại trừ khả năng một số cá nhân “đội lốt” doanh nhân thông qua các mối quan hệ ở Trung ương hoặc các bộ, ngành để được tham gia cùng với đoàn mà không qua sự giới thiệu của địa phương.
Trước đó vào tháng 12/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang.
Kết thúc chuyến thăm, đoàn phát hiện có 9 người bỏ trốn lại Hàn Quốc. Sau khi về Việt Nam, hộ chiếu của những người này đã được Bộ KH-ĐT bàn giao cho cơ quan chức năng để làm rõ, truy tìm những cá nhân bỏ trốn.
Vụ việc chỉ được biết đến rộng rãi khi Đài truyền hình MBC (Hàn Quốc) ngày 23/9 đưa tin 9 trong số 160 người đi theo đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã bỏ trốn để ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Đến nay phía Hàn Quốc đã trục xuất 2 người về Việt Nam.
Chiều 25/9, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội cho hay những người trên thuộc thành phần đoàn doanh nghiệp tham gia sự kiện Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc, họ “chỉ đi nhờ”, không thuộc thành phần đoàn ngoại giao của Quốc hội.
Thùy Linh (t/h)