Giờ đây việc vá đồ đã trở nên đơn giản hơn khi các nhà khoa học Mỹ vừa nghiên cứu thành công một chất lỏng đặc biệt có thể giúp vải rách tự liền lại.
Giáo sư Melik C. Demirel – thành viên nhóm nghiên cứu tại Đại học bang Pennsylvania, Mỹ – cho biết, các nhà thiết kế thời trang thường sử dụng sợi tự nhiên làm từ lụa hoặc len để tạo ra sản phẩm quần áo. Đây là vật liệu rất đắt tiền và không thể tự vá. Điều đó đã thôi thúc họ phát triển công nghệ phủ để giải quyết bất cập này từ vài năm trước.
Nhóm nghiên cứu sử dụng vi khuẩn và nấm men để tạo ra một chất lỏng phân hủy sinh học có thể giúp vải nhanh chóng tự liên kết với chính nó.
Bạn chỉ cần nhỏ vài giọt chất lỏng vào chỗ rách, cho vào ít nước ấm và ép 2 phần vải rách lại trong vài phút. Vải sẽ tự gắn lại với nhau, Demirel, giáo sư về khoa học kỹ thuật và cơ khí tại Penn State nói.
Ngoài ra, chất lỏng này có thể kết hợp với vải theo vài cách khác nhau. Các công ty dệt may có thể tráng vải bằng chất lỏng đặc biệt này để biến nó thành vải tự liền, Demirel cho hay.
Trong năm 2016, nhóm của Demirel đã phát triển vật liệu tự phục hồi này và thử nghiệm nó trên các loại vải thường mặc như vải bông, len và polyester, và nhận thấy rằng nó không làm thay đổi chất lượng của vải, lại còn có thể chịu được áp lực của máy giặt.
Demirel cho biết, ông rất vui vì chất lỏng này có thể đưa vào thương mại. “Nó có thể giúp cải thiện quần áo bảo hộ của binh sĩ, nhân viên y tế, thậm chí là nông dân“, ông nói.
Nghiên cứu của Demirel được Văn phòng nghiên cứu Hải quân và Văn phòng Nghiên cứu Quân đội tài trợ một phần.
Nó cũng có thể thay đổi thói quen tiêu dùng và giúp giảm bớt số lượng quần áo bỏ đi. “Quần áo bỏ là một vấn đề lớn trên toàn cầu“, ông nói. “Có lẽ đây là một cách để cải thiện tuổi thọ của quần áo chúng ta mặc“.
Các nhà nghiên cứu còn cho biết, công nghệ này có thể được sử dụng trong y tế, giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, tăng tốc độ phục hồi. Họ cũng tin rằng nó có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghệ may mặc trong tương lai.
Hồng Liên, theo CNN