TT – Từ câu chuyện chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội, các chuyên gia cho rằng cách ứng xử với đô thị ở Việt Nam chưa được coi trọng, cần bỏ tư duy muốn có đô thị mới là phá bỏ hết cái cũ…
* KTS Hoàng Đạo Kính: Thế mạnh của Hà Nội là xây dựng đô thị văn hóa Tôi chưa bàn đến đúng sai, lành mạnh hay không lành mạnh trong vụ chặt hạ cây xanh vừa qua, nhưng rõ ràng những người điều hành thành phố đã quên mất rằng cây xanh không chỉ là môi trường, cảnh quan, không gian kiến trúc. Với Hà Nội cây xanh là văn hóa, là hồn vía, là bộ nhớ của thủ đô, do đó phải ứng xử với nó có văn hóa, ứng xử như ứng xử với văn hóa. Không thể đùng cái đang xanh rợp phố phường lại đào, chặt, cưa, xẻ đến trơ trụi trong phút chốc. Chắc hẳn trong cuộc cạnh tranh để hiện đại hóa đô thị, Hà Nội không là ngoại lệ, nhưng nên nhớ cuộc đua đó Hà Nội ít có cơ may để ganh đua về quy mô, tính hiện đại. Mà cần phải hiểu thế mạnh của thành phố này, đó là tiềm năng xây dựng một đô thị văn hóa, Hà Nội giàu giá trị văn hóa để xây dựng được một đô thị như vậy. Văn hóa là lịch sử, là con người, là kiến trúc, phố phường, là những giá trị phi vật thể, và đừng quên là có cả cây xanh, những cây cổ thụ. Hãy ứng xử với cả vốn liếng cây xanh đang có từ cách tiếp cận văn hóa. Cách mà Hà Nội đã làm, đang làm rõ ràng yếu tố văn hóa, ứng xử với văn hóa đã bị xem nhẹ. Ở đây cũng là câu chuyện bảo tồn, bảo tồn Hà Nội không chỉ giữ lấy vài ngôi nhà cổ, mà cần giữ được hình ảnh xưa cũ, thân thuộc của mọi sự sống xung quanh cộng đồng. Hà Nội là đô thị, là di sản đô thị chứ không phải một di tích, do đó cần một cách bảo tồn hài hòa, phát triển nó trong một dòng chảy liên tục. Thực tế, ngoài cây xanh, đã từ lâu nhiều văn hóa vật thể và di sản ở thủ đô bị coi nhẹ, bị chọc thủng, phá vỡ, thậm chí xóa sổ. * TS Phạm Sỹ Liêm (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam): Buông lỏng kéo dài
Thứ nhất, ở đây trong đề án có nói việc chặt hạ 6.700 cây trong đó có việc thay thế số cây không đúng chủng loại, cây cấm trồng. Mua cây về mất bao nhiêu tiền để trồng, rồi công sức, chi phí chăm sóc, giữ gìn. Giờ đùng cái lại chặt đi rồi tốn một đống tiền mua cây mới về trồng thay thế. Như vậy dễ dàng nhận thấy đã có một quá trình buông lỏng quản lý kéo dài, quá trình thiếu đôn đốc, sâu sát. Thất thoát, lãng phí, thiếu trách nhiệm là đó chứ đâu. Rồi nữa, liệu trong hàng trăm, hàng nghìn cây bị chặt hạ đó, có bao nhiêu cây bị chặt “oan”, là cây cổ thụ, khỏe mạnh, cây gỗ quý, đúng chủng loại nhưng cũng bị lập lờ để chặt bừa. Vậy với sự thất thoát, lãng phí, thiếu trách nhiệm đó liệu có ai chịu trách nhiệm không, có ai bị xử lý không? Rồi tới đây trong số cây trồng mới liệu ai đảm bảo cây sẽ sống khỏe mạnh, không còi cọc, không bị sâu mục, chết. Thậm chí biết đâu nếu quá trình quản lý tới đây kém lại có nhiều cây bị hỏng, phải tiếp tục thay thế, gây tốn kém vô cùng. Ở góc độ thứ hai, việc trồng cây để tươi tốt, không phải ngày một ngày hai là có được mà là cả một quá trình. Bây giờ viện cớ đô thị hóa cho tươm tất để xóa sạch làm sao được. Vậy chẳng lẽ những ngôi nhà trong phố cổ, biệt thự đã cũ kỹ người ta cũng lấy cớ đó xóa sạch đi sao? Theo tôi, trong số 6.700 cây đó, cần cân nhắc cây nào giữ được thì phải giữ bằng mọi giá, chứ không thể mượn cớ này, cớ kia để chặt hạ nó đi được. * Ông Nguyễn Trịnh Kiểm (chuyên viên cây xanh đô thị): Mất cả trăm năm mới có hàng cây cổ thụ Là người từng công tác lâu năm trong ngành cây xanh, chúng tôi từng chứng kiến có người ra ôm cây xanh ngồi khóc khi một cây cổ thụ bị đốn hạ. Quan điểm của tôi là cho dù phải thay thế, cải tạo cây xanh trong đô thị thì phải có kế hoạch thay thế dần, làm xen kẽ chứ không thể làm hàng loạt như việc đốn hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội. Khi đốn hạ hàng loạt có thể làm thay đổi khí hậu của một tuyến đường, khu vực. Khi thay thế chúng ta sẽ làm xen kẽ, bởi vì phải mất hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm mới tạo ra được một hàng cây, bóng mát, không gian gắn liền với những ký ức của nhiều người, nhiều thế hệ. * Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng): Công khai thông tin để người dân ủng hộ
Nhà nước cần có sách lược trong việc đối xử với không gian đô thị, những không gian mang tính công cộng, trở thành một phần trong cuộc sống của người dân như cây xanh, không gian bảo tồn, những công trình kiến trúc trở thành biểu tượng của một khu vực, một thành phố, một địa phương. Việc cải tạo, sửa chữa, làm mới, thay đổi hay bất kỳ một tác động nào đến không gian này cần thiết phải có những bước nghiên cứu kỹ về những tác động của nó đến đời sống, lấy ý kiến của người dân và thuyết phục để được dư luận đồng thuận. Khi muốn “đụng, chạm” đến những công trình mang tính ký ức của đô thị thì Nhà nước, nhà đầu tư còn phải đo lường mức độ phản ứng của xã hội để từ đó có những chiến lược, sách lược ứng xử hợp lý. Đầu tiên Nhà nước phải có những dự án nghiên cứu kỹ để chọn một phương án tốt nhất, ít ảnh hưởng đến cộng đồng nhất. Sau đó, nếu việc tác động với mục đích làm cho công trình, không gian công cộng tốt hơn thì vẫn cần phải công khai, minh bạch ý định này để người dân hiểu, đồng thuận, tạo điều kiện cho đơn vị chức năng thực hiện và ủng hộ chủ trương trên, bảo vệ công trình (việc tác động) này nếu có người muốn “phá đám”. Cần thiết công khai và thông báo cho người dân biết rõ những tác động tiêu cực trước mắt bên cạnh những lợi ích lâu dài của việc cải tạo, sửa chữa, thay thế. Bên cạnh đó, việc công khai thông tin còn nhằm để người dân hiểu, chuẩn bị tinh thần và “ngấm” từ từ, không bị sốc dẫn đến những phản ứng tự phát thái quá như câu chuyện thay thế cây xanh ở Hà Nội trong những ngày qua.
L.HOÀI – Q.KHẢI – D.N.HÀ ghi
|
Theo Tuổi Trẻ