Anastasia Lin, ứng viên Hoa hậu Thế giới 2016, người lên tiếng cho các nạn nhân của tình trạng bức hại nhân quyền ở Trung Quốc khiến Bắc Kinh nổi giận dường như đã lấy lại được tiếng nói của mình.
Tối 13/12 vừa qua, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới đã cho cô Lin, ứng viên người Canada gốc Hoa cơ hội tiếp xúc với các phương tiện truyền thông sau 3 tuần cản trở tại Washington, gây sự chú ý không tốt cho một cuộc thi sắc đẹp đang ngày càng phụ thuộc vào sự tài trợ của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo bạn bè và người thân Anastasia Lin, cô bị đe dọa sẽ mất quyền tham gia cuộc thi nếu công khai lên tiếng về nạn mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm của chính quyền Trung Quốc. Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc này, nói rằng việc hiến tạng ở nước này là tự nguyện.
Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới đã cho phép cô tham dự vòng chung kết sẽ được truyền hình trực tiếp vào đêm Chủ Nhật (18/12) dự kiến thu hút khoảng 1 tỷ khán giả toàn cầu. “Như đã hứa, họ đã cho tôi đến ‘diễn đàn’ này và giờ đây tôi có thể lên tiếng một cách tự do”, cô chia sẻ.
Cô cũng cho biết Giám đốc điều hành cuộc thi, bà Julia Morley, đã đồng ý cho cô tham dự buổi ra mắt bộ phim Lưỡi dao rỉ máu (The Bleeding Edge). Bộ phim do cô đóng vai chính nói về tội ác thu hoạch nội tạng học viên Pháp Luân Công – Môn tu luyện tinh thần bị bức hại ở Trung Quốc, và sự tàn bạo của chính quyền nước này đối với những người ủng hộ nhân quyền.
Năm 2015, chính quyền Trung Quốc đã ngăn chặn cô Lin tham dự vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới tại Tam Á, thành phố phía Nam Trung Quốc.
Bà Julia cho biết Ban tổ chức cuộc thi đã không nỗ lực can thiệp cho cô, nhưng họ đã để cô đại diện cho Hoa hậu Canada tham dự vòng chung kết cuộc thi tiếp theo năm 2016.
Cô Lin đang tập trung vào dự án của mình, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân thế giới về cuộc đàn áp môn tu luyện Pháp Luân Công vẫn đang diễn ra tại Trung Quốc.
Lin và các nhà bất đồng chính kiến với chính phủ Trung Quốc khác nói rằng các học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết trong tù không sẵn sàng hiến tạng cho ngành công nghiệp ghép tạng của đất nước này. “Trung Quốc không có một hệ thống ghép tạng tự nguyện khả thi, vì vậy một số lượng người đã phải chết”, Anastasia Lin nói.
Trong chuyến thăm Đài Loan năm 2016, khi gặp một nhóm du khách Trung Quốc, cô đã rất ngạc nhiên vì một số người nhận ra cô và sau đó đề nghị được chụp ảnh với cô.
“Mặc dù trải qua 60 năm kiểm duyệt thông tin, nhưng người dân không hoàn toàn tin vào mọi thứ họ nghe trên tin tức”, cô đang đề cập đến những tin tức phỉ báng cô từ Trung Quốc trong năm qua. “Tôi có thể sẽ đứng ở hạng cuối trong năm nay, nhưng chỉ cần họ có thể nhìn thấy tôi, hy vọng mọi người sẽ được truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực”, Anastasia Lin nói.
Theo New York Times