Tinh Hoa

Ukraine tuyên bố bắt đầu rút vũ khí hạng nặng

Quân đội Ukraine hôm Thứ Năm (26/2) tuyên bố đã bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến trường miền Đông, trong bước đi giúp vãn hồi thỏa thuận hòa bình Minsk được ký hôm 12/2, giữa lúc Nga và Mỹ tiếp tục “đấu khẩu” về hành xử của mỗi bên trong cuộc xung đột này.

Xe bọc thép của lực lượng quân đội Ukraine trên đường rút vũ khí từ vùng Debaltseve, gần Artemivsk hôm Thứ Năm (26/2). (Ảnh Reuters)

Trong thông cáo được bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine phát đi, nước này khẳng định các khẩu pháo 100mm đang được rút khỏi khu vực giao tranh.

“Ukraine hôm nay (Thứ Năm) bắt đầu rút các khẩu pháo 100mm khỏi tiền tuyến. Đây là bước đi đầu tiên trong quá trình rút vũ khí hạng nặng, và sẽ được thực hiện với sự giám sát toàn diện của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu OSCE”, thông cáo viết.

Một phóng viên ảnh của AFP cho biết, trong ngày Thứ Năm (26/2) anh nhìn thấy ít nhất 15 khẩu pháo được kéo khỏi khu vực ranh giới giao tranh tại thị trấn chiến lược Debaltseve.

Việc rút vũ khí sẽ phải hoàn tất trong vòng 2 tuần, để tạo ra một vùng đệm rộng hơn giữa hai phe tham chiến.

Phe ly khai khẳng định, họ hầu như đã hoàn tất việc rút các khẩu pháo và bệ phóng rocket cũng như các hệ thống tên lửa khỏi một số khu vực.

Alexander Zakharchenko là lãnh đạo nước cộng hòa nhân dân Donetsk tự phong cho biết, 90% vũ khí hạng nặng của họ đã rời khỏi khu vực giao tranh.

“Thực hiện theo thỏa thuận Minsk ký ngày 12/2, các lực lượng của nước cộng hòa nhân dân Donetsk đã rút các vũ khí hạng nặng lùi về khoảng cách như đã thống nhất. Chúng tôi đã rút 90% vũ khí, gồm các khẩu pháo, súng cối và các vũ khí khác”, hãng thông tấn Donetsk dẫn lời ông Zakharchenko.

Vị quan chức này cũng cảnh báo sẽ đưa vũ khí trở lại vùng giao tranh nếu đến 19 giờ ngày 27/2 quân đội Kiev không bắt đầu thực thi cam kết.

Giao tranh lắng dịu

Trong vài ngày trở lại đây, giao tranh đã giảm mạnh. Quân đội Ukraine cho biết đã 2 ngày liên tục không có thương vong đối với binh sỹ của họ, dù có 4 người bị thương.

Tư lệnh tối cao NATO là tướng Jens Stoltenberg đã tỏ ý vui mừng trước những tiến triển trên, nhưng vẫn tiếp tục gây sức ép lên Moscow với yêu cầu Nga phải rút các vũ khí và thiết bị mà Mỹ cho rằng Nga đã cung cấp cho phe ly khai.

“Trong những tháng qua, Nga đã chuyển hơn 1000 khí tài, gồm xe tăng, pháo và các hệ thống phòng không hiện đại”, Stotenberg phát biểu tại Rome, Ý. “Họ phải rút những khí tài này và ngừng hỗ trợ phe ly khai”.

Phát biểu trên cho thấy rõ bất đồng chưa hề hạ nhiệt giữa Nga và phương Tây.

Trước đó, trong ngày Thứ Tư (25/2), ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định trước Quốc hội Mỹ rằng Nga và phe ly khai đã không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.

Ông Kerry khẳng định, Tổng thống Nga là Vladimir Putin “đã trao quyền, khuyến khích và hỗ trợ một cách trực tiếp hoạt động chiếm đất đai để cố gắng gây bất ổn cho Ukraine. Đến nay, cả Nga và lực lượng họ hậu thuẫn đều không tiến gần việc thực thi các cam kết”, ông Kerry nói

Đáp lại, ngoại trưởng Nga là Sergei Lavrov cho rằng, những tuyên bố của Mỹ và EU chỉ cho thấy “sự không sẵn sàng của các nhân vật này, các nước liên quan, Mỹ và châu Âu, trong việc thực thi những gì đã được chấp thuận”.

Nga cũng gia tăng sức ép với cảnh báo sẽ ngừng cung cấp khí đột cho Ukraine, mà xa hơn chính là ngừng cung cấp một phần cho Châu Âu. Ông Putin hôm thứ Tư (25/2) khẳng định, nếu Ukraine thanh toán tiền khí đốt trong 3 ngày nữa thì tập đoàn Gazprom của Nga có thể “chấm dứt việc cung cấp”. Thứ Hai tới (2/3), hai bên sẽ đàm phán về vấn đề khí đốt này.

Theo Dân Trí