Tinh Hoa

Úc: Thả hàng tấn cà rốt và khoai lang để cứu đói động vật gặp nạn cháy rừng

Trong suốt tuần qua, nhằm giúp động vật hoang dã không bị chết đói do thảm họa cháy rừng gây nên, chính quyền bang New South Wales (NSW) đã sử dụng máy bay để thả hàng nghìn kg cà rốt và khoai lang xuống các vùng bị tàn phá.

Tổng cộng đã có hơn 2.200 kg rau củ tươi đã được thả xuống. (Ảnh: Twitter)

Công viên quốc gia và cơ quan động vật hoang dã NSW đã khởi động chiến dịch “Operation Rock Wallaby” nhằm bảo vệ quần thể chuột túi wallaby đá còn sót lại sau vụ cháy rừng.

Công viên quốc gia và cơ quan động vật hoang dã NSW đã dành cả tuần qua để thả thức ăn xuống cho đàn chuột túi. (Ảnh: NSW Office of Environment and Heritage)

Theo đó, đội ngũ này đã dành cả tuần qua để thả thức ăn xuống cho đàn chuột túi ở thung lũng Capertree và Wolgan, Công viên quốc gia Yengo, Thung lũng Kangaroo và xung quanh các công viên quốc gia Oxley Wild Rivers và Curracubundi.

Wallaby đá là mục tiêu chính cho chiến dịch thả thức ăn lần này. Chúng thuộc nhóm cần bảo vệ trước cả khi hoả hoạn xảy ra do môi trường sống của chúng bị phá huỷ.

Wallaby đá là mục tiêu chính cho chiến dịch thả thức ăn lần này. (Ảnh: NSW Office of Environment and Heritage)

Matt Kean – Bộ trưởng Môi trường NSW cho biết, dù đã chạy thoát khỏi đám cháy, thế nhưng nhiều loài động vật phải đối mặt với một vấn nạn khác – khan hiếm thức ăn.

Ông Keane cũng cho biết thêm rằng, chính quyền sẽ để mắt đến các loài động vật bản địa thông qua việc lắp đặt camera để theo dõi quá trình phục hồi của chúng sau vụ cháy rừng.

Nhiều loài động vật ở Úc đang phải đối mặt với vấn nạn khan hiếm thức ăn. (Ảnh: NSW Office of Environment and Heritage)

Quỹ Động vật hoang dã Thế giới ước tính, khoảng 1,25 tỷ động vật đã chết (trực tiếp hoặc gián tiếp) bởi các vụ cháy rừng trên khắp nước Úc, gồm hàng ngàn cá thể gấu túi (Koala) quý giá ở bờ biển phía bắc NSW, cùng các loài kangaroo, chuột túi wallaby, sóc bay Úc, chuột potoroo, vẹt mào hay chim thuộc họ ăn mật.

Ngoài ra, các vụ cháy rừng cũng cướp đi sinh mạng của ít nhất 28 người, gồm 25 dân thường và 3 lính cứu hỏa, thiêu rụi khoảng 10 triệu hecta đất rừng, hơn 5.900 nhà ở và công trình bị phá hủy.

Bang Victoria: 3 tấn thức ăn được vận chuyển tới cho động vật hoang dã

Cũng trong thời điểm trên, tổ chức bảo vệ Động vật Úc (Animals Australia) đã sử dụng máy bay để vận chuyển thực phẩm cho động vật hoang dã bị thương và bị bỏng ở bang Victoria. 

Tổ chức bảo vệ Animals Australia đã thuê máy bay để vận chuyển thực phẩm. (Ảnh: Animals Australia)

Lyn White – phát ngôn viên của tổ chức cho biết, họ đang làm việc hết sức có thể để đảm bảo động vật hoang dã sống sót sau đám cháy không chết vì thiếu thức ăn.

Được biết, ban đầu tổ chức đã gặp khó khăn trong việc thiếu ngân sách cùng lượng khói bụi dày đặc. May thay, nhiều tổ chức và các cá nhân đã quyên góp tiền cho tổ chức và khói cũng đã tan. Vì vậy, tổ chức bảo vệ Động vật Úc đã thuê những chiếc máy bay cỡ nhỏ chở đầy những túi ngũ cốc để phân phát cho động vật hoang dã trong khu vực.

Ban đầu tổ chức đã gặp khó khăn trong việc thiếu ngân sách cùng lượng khói bụi dày đặc. (Ảnh: Animals Australia)

Chiếc máy bay đầu tiên được thuê vào cuối tuần trước đã chở bác sĩ Elaine Ong và bác sĩ Chris Barton đến Mallacoota. Hai máy bay tiếp theo chở thực phẩm và vật tư thú y đã được gửi đi vào hôm thứ Tư (9/1). Tổng cộng, tổ chức đã gửi 3 tấn thức ăn cho kangaroo trong khu vực, một máy phát điện và các vật tư khác.

Nhân viên chăm sóc động vật hoang dã ở thị trấn Mallacoota băng bó cho chuột túi kangaroo trong suốt trận cháy rừng ở phía đông Gippsland. (Ảnh: Animals Australia)
Hơn 800 nghìn héc-ta đất đã bị cháy ở phía đông Gippsland, Victoria kể từ khi hỏa hoạn xảy ra và làm hàng nghìn khách du lịch cùng người dân bị mắc kẹt trước đêm giao thừa. (Ảnh: Animals Australia)
Hàng ngàn động vật bị thương và mắc kẹt mà không có thức ăn. (Ảnh: Animals Australia)

Giang Hội (t/h)