Nhiều dấu hiệu cho thấy, tập đoàn lớn nhất Việt Nam – Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang bị ‘hụt hơi’ trên nhiều mảng.
Tập đoàn khổng lồ ‘từ nôi đến mộ’ Vingroup sau lần buông tay mảng nông nghiệp và bán lẻ bằng việc chuyển nhượng VinMart, VinEco cho Masan hồi cuối năm 2019 vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Dường như đòn nặng covid19 đã gây nhiều áp lực lên ông Phạm Nhật Vượng trong thời gian qua, khiến Vingroup tiếp tục rút lui khỏi một số dự án lớn.
Mới đây, hãng Reuters đưa tin Vingroup đang tìm cách chuyển nhượng Vinmec và Vinschool, khiến nhiều người tin rằng Vingroup tiếp tục buông tay với Y tế và Giáo Dục như đã làm với mảng Nông Nghiệp và Bán Lẻ. Mặc dù Vingroup đã bác thông tin này, và giải thích lại rằng chỉ cân nhắc “tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác uy tín trong và ngoài nước để phát triển” vào Vinmec, nhưng điều này cũng cho thấy dấu hiệu ‘hụt hơi’ khá rõ của tập đoàn.
Hiện nay, Vingroup còn 6 mảng kinh doanh là bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí, công nghiệp, công nghệ, y tế, giáo dục.
Tại mảng bất động sản – mảng kinh doanh khả quan nhất của Vingroup mới đây đã thu nhận hai động thái rút lui lớn. Thứ nhất là rút khỏi dự án tổ hợp sân golf; khu du lịch, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao, biệt thự cao cấp tại khu hồ Khe Chè, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Thứ hai là rút khỏi dự án khu đô thị gần 3.500ha ở Long An.
Ngoài ra, từ cuối tháng 7, các ngân hàng Việt Nam cũng ồ ạt rao bán bất động sản xiết nợ. Một động thái cho thấy tình hình kinh doanh bất động sản trên cả nước đang rơi vào thoái trào.
Tại mảng du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí, Vinpearl chịu cú sốc mạnh từ đại dịch. Trong bản báo cáo tóm tắt một số chỉ tiêu tài chính cơ bản của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Công ty Cổ phần Vinpearl cho biết mức lỗ sau thuế bán niên lên tới 5.097 tỷ đồng.
Tại mảng công nghiệp, VinFast tiếp tục chịu lỗ ‘theo kế hoạch’. Tại mảng này, ông Vượng tất nhiên là đã chuẩn bị tâm lý cho việc đầu tư lớn và kiên trì, chấp nhận bù lỗ trong 3-5 năm. Tuy nhiên, gánh nặng này đang làm trầm trọng thêm áp lực lên toàn tập đoàn. Trong sáu tháng đầu năm, công ty con của Vingroup này đã lỗ 6.600 tỷ đồng.
Tại mảng công nghệ, VinSmart vừa có một động thái lớn là huy động trái phiếu doanh nghiệp lên tới 3000 tỷ. Đáng ngạc nhiên là tại đợt huy động đầu tiên với giá trị tổng cộng 950 tỷ, thì thời gian thực hiện và hoàn tất chỉ trong 1 ngày duy nhất (20/8). Tuy nhiên, việc lãi suất và danh tính trái chủ không được tiết lộ đang gây ra nhiều đồn đoán.
Trong khi cổ phiếu VHM của Vinhomes và VIC của Vingroup đang có tác động mạnh nhất lên chỉ số chính VN-Index, mà Vingroup đang có nhiều kết quả kinh doanh không khả quan như trên, thì việc Hoa Kỳ gắn nhãn Việt Nam thao túng tiền tệ và Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm với 18 ngân hàng Việt Nam đang cho thấy một bức tranh không mấy khả quan về nền kinh tế vĩ mô năm nay.
Từ Thức