Tinh Hoa

Tỷ giá đồng euro so với USD rơi xuống gần mức “đáy” trong 12 năm qua

Trong phiên giao dịch hôm Thứ Năm (12/3) tại thị trường châu Á, đồng euro lại quay đầu giảm giá so với đồng bạc xanh, rơi xuống gần mức “đáy” của 12 năm qua, khi mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khởi động mua trái phiếu nhằm nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy lùi giảm phát trong khu vực.

Đồng euro quay đầu giảm giá so với đồng USD trong phiên giao dịch hôm Thứ Năm (12/3) tại thị trường Tokyo. (Ảnh minh họa)

Kết thúc phiên giao dịch chiều Thứ Năm (12/3) tại thị trường Tokyo, đồng euro trượt xuống mức 1,0515 USD/euro, thấp hơn so với mức 1,0548 USD trong phiên trước tại New York, gần bằng mức thấp kỷ lục 1,0510 USD/euro.

Ngoài ra, euro cũng giảm giá so với yen Nhật so với mức 128,10 yen/euro trong phiên trước đó, được giao dịch ở mức 127,72 yen/euro. Đồng bạc xanh trong phiên này “nhỉnh” hơn so với mức 121,44 yen/USD của phiên trước, đứng ở mức 121,45 yen/USD.

“Chương trình mua trái phiếu của ECB vừa được khởi động mới đây hiển nhiên sẽ “kéo tụt” giá trị đồng tiền chung”, ông Fabian Eliasson thuộc Tập đoàn Tài chính Mizuho cho biết.

Cũng trong phiên này, đồng bạc xanh tăng giá so với won của Hàn Quốc, từ mức 1.126,40 won/USD trong phiên trước lên 1.131,55 won/USD, theo sau thông tin Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) hôm Thứ Năm (12/3) quyết định giảm 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất xuống mức thấp kỷ lục là 1,75% nhằm vực dậy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước này.

Hàn Quốc là nước châu Á mới nhất tham gia làn sóng hạ lãi suất ở châu Á sau Trung Quốc, Ấn Độ và Australia, trong bối cảnh giá cả suy giảm và kinh tế tăng trưởng trì trệ.

Bên cạnh đó, giới đầu tư còn đang “nín thở” dõi theo diễn biến các cuộc đàm phán căng thẳng giữa Hy Lạp và bộ ba chủ nợ quốc tế, hay còn gọi là “troika” bao gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), về việc gia hạn các gói cứu trợ tài chính cũng như những cải cách tiếp theo của Athens.

Cùng phiên này, đồng bạc xanh trồi sụt bất nhất với các đồng tiền chủ chốt của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. USD tăng giá so với TWD của Đài Loan, baht của Thái Lan, trong khi giảm giá so với peso của Philippines, SGD của Singapore, rupiah của Indonesia và rupee của Ấn Độ.

Theo VN Plus