Trong bài phát biểu tại phiên họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ),Tập Cận Bình đã ra tuyên bố mới được các chuyên gia đánh giá là có thể mở ra “đấu trường mới” cho cuộc cạnh tranh sức mạnh Mỹ-Trung.
Tân Hoa Xã đưa tin, trong bài diễn văn trước Đại hội đồng LHQ hôm 28/9 (giờ địa phương), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định sẽ tăng cường sự hiện diện tại châu Phi.
“Tôi tuyên bố, Trung Quốc quyết định trong vòng 5 năm tới sẽ viện trợ quân sự không hoàn lại là 100 triệu USD cho Liên minh châu Phi, nhằm hỗ trợ xây dựng bộ đội thường trực và bộ đội phản ứng nhanh”, ông Tập nói trước LHQ.
Đáng chú ý, Bắc Kinh cũng quyết định lập một đội cảnh sát gìn giữ hòa bình thường trực và xây dựng một lực lượng gìn giữ hòa bình thường trực gồm 8.000 quân để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc đã lập ra một quỹ phát triển hòa bình LHQ & Trung Quốc với nguồn vốn 1 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Trung Quốc “hất” Mỹ, “độc chiếm” ở châu Phi?
Trang Đa Chiều (Mỹ) cho biết, đây là lần đầu tiên Trung Quốc cung cấp viện trợ quân sự cho châu Phi. Điều này được cho là “bước đột phá lịch sử” mà Bắc Kinh chờ đợi sau gần 60 viện trợ kinh tế cho các quốc gia ở lục địa này.
Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đã bắt đầu từ thập niên 1950 của thế kỷ trước.
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khi đó mới thành lập không lâu đã bắt đầu viện trợ kinh tế, kỹ thuật và tìm cách đưa châu Phi thoát ly ảnh hưởng của phương Tây, với mục tiêu giành sự ủng hộ của châu Phi trong các vấn đề quốc tế.
Tuyến đường sắt Tazara dài 1860km nối liền cảng Dar es Salaam (Tanzania) với thành phố Kapiri Mposhi của Zambia là kết quả của hoạt động viện trợ này.
Giữa thập niên 1990, phương thức giao lưu giữa Trung-Phi bắt đầu có sự biến đổi từ viện trợ đơn thuần trở thành mậu dịch và đầu tư.
Theo Đa Chiều, hình thức thường được Bắc Kinh sử dụng trong hoạt động viện trợ châu Phi là hỗ trợ các quốc gia ở đây làm đường cao tốc, đê điều và các cơ sở hạ tầng khác để đổi lại các nguyên liệu thô như dầu khí, khoáng sản…
Đến nay, mỗi thủ đô của các nước châu Phi cùng các thành phố lớn đều có các tòa nhà của chính phủ được Trung Quốc xây dựng. Thậm chí, trụ sở của Liên minh châu Phi đặt tại thủ đô của Ethiopia cũng được hoàn thành nhờ vào Bắc Kinh.
Năm 2000, Diễn đàn hợp tác Trung-Phi được thiết lập để tạo khuôn khổ phát triển quan hệ song phương. Hội nghị lần 6 của Diễn đàn này sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới tại Nam Phi.
Đa Chiều cho biết, đến năm 2009, Trung Quốc đã thay thế Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi.
Giai đoạn 2000-2012, kim ngạch thương mại Trung-Phi tăng từ 10 tỷ USD lên hơn 200 tỷ USD. Ngân hàng thế giới (WB) thống kê, quy mô mậu dịch Trung-Phi đạt 222 tỷ USD trong năm 2014.
Đồng thời, châu Phi cũng trở thành thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ 2 của Trung Quốc với gần 1 triệu lao động đang làm việc ở châu lục này. Số lượng công ty Trung Quốc hoạt động ở châu Phi là hơn 2000.
Châu Phi: “Đấu trường” mới của Mỹ-Trung?
Đa Chiều phân tích, các số liệu thống kê cho thấy ảnh hưởng của Washington đối với châu Phi đã bị suy giảm, trong khi sự hiện diện của Bắc Kinh tại đây ngày càng gia tăng và trở nên mạnh mẽ hơn.
Điều này khiến Mỹ lo ngại sẽ rơi vào tình trạng tụt hậu so với Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng đánh giá “ở châu Phi khắp nơi đều (có sự hiện diện) của Trung Quốc” và khẳng định “Mỹ cần phải cạnh tranh với Trung Quốc tại đây”.
Trung Quốc dùng kinh tế tạo đà cho sự hiện diện quân sự ở châu Phi
Hồi tháng 8/2015, Cộng hòa Djibouti đã yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi căn cứ quân sự Obock và trao quyền quản lý căn cứ này cho quân đội Trung Quốc.
Theo tờ CounterPunch (Mỹ), quyết định trên được đưa ra từ hồi tháng 5, chỉ 1 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thực hiện chuyến thăm quốc gia này.
Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào Djibouti với dự án đường sắt 3 tỷ USD nối liền nước này với thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Trung Quốc cũng “hào phóng” chi 400 triệu USD để cải thiện khu cảng đang xuống cấp của Djibouti.
Trước tình hình đó, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã từng bước thực hiện chiến lược mới: “Xoay trục châu Phi”.
Các chuyến thăm chính thức Kenya và Ethiopia của ông Obama được tổ chức rầm rộ hồi tháng 7 là những động thái rõ rệt nhất của bước đi mới này. Tổng thống Mỹ cũng có bài diễn thuyết tại trụ sở Liên minh châu Phi.
Chính phủ và truyền thông Mỹ đều nhận định, các động thái ngoại giao trên là những hành động cần thiết để đối phó với Trung Quốc. Bản thân Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh: “Mỹ cần phải gia tăng sự hiện diện (ở châu Phi-PV).”
Hôm 6/8/2014, phía Mỹ đã tuyên bố kế hoạch đầu tư 110 triệu USD trong vòng 3-5 năm để giúp châu Phi xây dựng lực lượng vũ trang có khả năng điều động nhanh chóng nhằm ngăn chặn nguy cơ từ các phần tử khủng bố và các mối đe dọa khác.
Obama đồng thời còn công bố một dự án khác, đó là Washington sẽ đầu tư 65 triệu USD để hỗ trợ các cơ quan an ninh của Ghana, Kenya, Mali, Niger, Nigeria và Tunisia.
Đa Chiều đánh giá, Mỹ đã nhận thức rõ hơn và tỏ ra quan ngại trước sự hiện diện của Bắc Kinh tại châu Phi. Sau chiến lược “xoay trục châu Á-Thái Bình Dương” của Washington, lục địa đen có thể trở thành “đấu trường” tiếp theo của Mỹ-Trung.
Tuyên bố viện trợ quân sự và gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến châu Phi mà ông Tập Cận Bình đưa ra hôm 28 có thể xem là bước tiến lớn tiếp theo của Trung Quốc trong việc tạo dựng sức mạnh ở châu Phi – điều mà Mỹ không mong muốn.
Mặc dù nhiều học giả tin rằng Mỹ-Trung đã đạt được thảo thuận chung về chống khủng bố và duy trì ổn định ở châu Phi, nhưng khả năng mâu thuẫn leo thang giữa 2 quốc gia này đã ngày càng hiện hữu rõ rệt hơn.
Theo soha.vn