Bức tượng cao 30m của Quan Vũ tại khu vực Đông Java, Indonesia đã bị che phủ bằng một tấm vải lớn sau khi những người Hồi giáo đe dọa sẽ phá hủy bức tượng trước những căng thẳng sắc tộc và tôn giáo trên khắp đất nước.
Chiến dịch biểu tình phản đối bức tượng Quan Vũ, một danh tướng thời Tam Quốc, cũng là một vị thần được nhiều người gốc Hoa tín ngưỡng và thờ cúng đang diễn ra một cách mạnh mẽ trong cộng đồng người Hồi giáo tại Indonesia.
Lúc đầu, cuộc phản đối diễn ra trực tuyến và sau đó nhanh chóng lan tới khu vực Miếu Khổng Tử ở Tuban, gần bờ biển Java nơi mà bức tượng được dựng lên hồi tháng trước.
Trên các mạng xã hội, những tín đồ Hồi giáo cho rằng bức tượng “ngoại lai” này chính là sự sỉ nhục đối với quốc gia mà 85% dân số là người Hồi giáo. Một số người biểu tình đã tụ tập bên ngoài trụ sở chính quyền thành phố Surabaya, mang áp phích “hãy phá bỏ nó” và “chúng ta không thờ tượng thần”.
Theo tờ Bảo tàng Kỷ lục Thế giới của Indonesia, bức tượng Tuban phải mất hơn một năm để xây dựng với chi phí khoảng 188.000 USD, là bức tượng Quan Vũ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Những bức tượng được cho là không thuộc về người Hồi giáo đã bị phá hủy khắp Indonesia trong những năm gần đây, và rất nhiều đền thờ của người Trung Quốc đã bị đốt cháy. Việc che phủ bức tượng bằng vải bạt trắng lớn là một biện pháp giải quyết tạm thời của chính quyền trong khi tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Indonesia là nước có số lượng người theo đạo Hồi lớn nhất trên thế giới, và người Hoa – chủ yếu là Kitô giáo, Phật giáo hay Nho giáo – chiếm gần 5% tổng dân số. Các chuyên gia cho hay, động thái chống Trung Quốc gần đây bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang gia tăng trong nền chính trị của đất nước này.
Aan Anshori, điều phối viên Mạng lưới chống phân biệt Hồi giáo Đông Java, phản đối việc che phủ bức tượng này: “Tư tưởng chống Trung Quốc đã trở nên khá mạnh mẽ. Thật đáng lo ngại khi những quan điểm này có thể được các chính trị gia sử dụng trong tương lai”.
Trong những năm gần đây, các phần tử Hồi giáo cực đoan đã thông qua luật Hồi giáo hay Shariah khắp Indonesia. Vào hồi tháng 5, ông Purnama, thị trưởng gốc Hoa theo đạo Cơ Đốc điều hành thủ đô Jakarta bị cáo buộc lăng mạ đạo Hồi trong bài phát biểu vận động bầu cử năm 2016 và bị kết án hai năm tù vì tội báng bổ.
Căng thẳng giữa người Trung Quốc và người theo đạo Hồi tại Indonesia ngày một gia tăng khi Bắc Kinh đang tạo ảnh hưởng lớn trong khu vực, chi phối về tài chính và quân sự, thu lợi từ những người Hồi giáo.
Andreas Harsono, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền của Indonesia, cho biết: “Sự thiếu khoan dung về tôn giáo đang gia tăng. Họ đã đưa ra những luận giải riêng về Kinh Qur’an và sử dụng nó để tấn công lại những ngôi đền của Trung Quốc”.
Didik Muadi, một người Hồi giáo tham dự cuộc biểu tình chống lại bức tượng Quan Vũ, nói rằng người Hồi giáo sẽ tự phá hủy bức tượng nếu chính phủ không can thiệp.
“Thực ra, chúng tôi có thể cho phép họ xây dựng bức tượng, nhưng nó không thể quá cao và nên xây dựng ở trong chùa chứ không phải ở ngoài”, Didik nói với Tempo.
Indonesia, đất nước có số lượng tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới, được biết đến với hiến pháp đề cao tự do và đa dạng tôn giáo. Dù vậy, các nhà quan sát đang lo ngại những hành động thiếu khoan dung thời gian gần đây sẽ đe dọa danh tiếng ôn hòa của đất nước này.
Tuệ Tâm