Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa đề nghị Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng cần tổng rà soát việc liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp có “yếu tố Trung Quốc” ở khu vực quân sự yếu địa, bao gồm việc đầu tư mua bán đất.
Gần đây, vấn đề người Trung Quốc, người có “yếu tố Trung Quốc” thông qua các hành vi ngầm để sở hữu đất tại các vị trí yếu địa về mặt quốc phòng được đông đảo cử tri, Đại biểu Quốc hội quan tâm. Đặc biệt mới đây, Bộ Quốc phòng đã có báo cáo trả lời thẳng thắn về vấn đề này.
Cần tổng rà soát đất yếu địa
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh nêu quan điểm về mặt kinh tế, Việt Nam cần mở cửa đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài và không loại trừ Trung Quốc. Tuy nhiên cũng không thể buông lỏng quản lý về mặt an ninh quốc phòng, đặc biệt khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào “vùng nhạy cảm quân sự” thì có thể mang theo mưu đồ khác. Ông nói:
“Những khu vực trọng yếu, liên quan đến phòng thủ đất nước thì phải đặt yếu tố an ninh quốc phòng lên trên hết”.
Ông Nghĩa nhấn mạnh các vị trí yếu địa như xung quanh sân bay, nơi quy hoạch khu vực phòng thủ quân sự, vùng biên giới biển, Nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ.
Được biết trước đó, trả lời chất vấn của Quốc hội về tình hình người nước ngoài núp bóng mua gom đất ở khu vực nhạy cảm, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường nói “chưa thấy gì”, cử tri phản ánh việc người Trung Quốc “lập phố”, “lập xóm”, Bộ trưởng Công an cũng bảo “chưa phát hiện”; chính quyền TP Đà Nẵng cũng khẳng định thực hiện đúng Luật Đất đai, không giao đất, cho thuê đất và cho phép nhận quyền sử dụng đất đối với các cá nhân là người nước ngoài. Theo đó, tướng Nghĩa phân tích:
“Chúng ta cấm người nước ngoài mua đất tại Việt Nam, chỉ được mua nhà, nhưng nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần doanh nghiệp trong nước không thể hiện bằng đất mà thể hiện bằng giá trị vốn, nên họ chỉ tuân thủ các quy định về mua bán phần vốn doanh nghiệp”.
Ông Nghĩa nói thêm: “Tôi có nghe một số người Trung Quốc thành lập công ty, góp cổ phần hoặc nhờ người Việt đứng tên để đầu tư đất ở các vị trí trọng yếu ven biển”.
Từ đó, theo quan điểm của Tướng nghĩa, “rất cần một cuộc tổng rà soát của Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới, bao gồm việc đầu tư mua bán đất”.
Cùng ý kiến trên, một Ủy viên khác của Ủy ban Pháp luật là ông Bùi Văn Xuyền cho rằng, việc người nước ngoài “núp bóng” doanh nghiệp, cá nhân trong nước để mua bán, sở hữu đất đai “đã rộ lên vài năm gần đây, chứ không phải mới”.
Vị Uỷ viên Thường trực Uỷ ban ban Pháp luật cho rằng, lo ngại người nước ngoài “núp bóng” người Việt để sở hữu đất đai ở khu vực trọng yếu là “có cơ sở”. Các cơ quan chức năng cần rà soát cả giao dịch ngầm và giao dịch công khai, cảnh báo những vấn đề có thể xảy ra cho người nước ngoài và công dân Việt Nam trong việc đầu tư, giao dịch.
Thu hồi đất nếu cần thiết
Vấn đề siết chặt quản lý đất yếu địa như trên cũng được giới luật sư quan tâm. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, đề xuất của đại biểu Quốc hội là cần thiết.
Theo ông, việc rà soát sẽ giúp các đơn vị bộ ngành địa phương có được cơ sở để áp dụng các quy định thu hồi đất. Cụ thể, nếu phát hiện bất cứ trường hợp công dân nước ngoài nào đứng tên sở hữu đất tại Việt Nam thì hủy bỏ, thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận sở hữu.
Với trường hợp người nước ngoài sở hữu đất bằng đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, ông Cường cho rằng, “nếu thực sự đó là khu đất vị trí trọng yếu, nhà chức trách có thể thu hồi với lý do cấp sai quy định hoặc vì lý do an ninh quốc phòng”.
Việc thu hồi đất như trên là hoàn toàn có cơ sở pháp lý. Ông Cường giải thích:
“Luật Đất đai dành điều 61 để quy định việc thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng. Trong trường hợp cần thiết và căn cứ rõ ràng, Nhà nước có thể áp dụng điều luật này”.
Theo ông, với những hợp đồng đầu tư có căn cứ cho thấy là giả tạo để che giấu mục đích, giao dịch khác, cơ quan chức năng hoặc bên tham gia hợp đồng có thể hủy bỏ hoặc tuyên bố vô hiệu. Tuy nhiên, Quốc hội cần sửa đổi bổ sung các luật Đất đai, Đầu tư… để bịt “kẽ hở” liên quan đến hoạt động ở khu vực trọng yếu của doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Từ Thức(t/h)