Năm nay, lễ hội Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh diễn ra trong không khí tưng bừng màu sắc. Các hoạt động nghệ thuật dân gian truyền thống đã thu hút được đông đảo khách thập phương.
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu một chút về lễ hội Kinh Dương Vương diễn ra hằng năm tại Thôn Á Lữ – Xã Đại Đồng Thành – Thuận Thành – Bắc Ninh.
Vua Kinh Dương Vương là ai?
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Kinh Dương Vương có nguồn gốc từ phương Bắc: Nguyên Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh, đóng lại đó rồi cưới Vụ tiên nữ, sau đó sinh được một người con trai tư chất thông minh đặt tên Lộc Tục.
Về sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương vương. Kinh Dương Vương sáng lập nhà nước Xích Quỷ, nhà nước có chủ quyền đầu tiên của nước Việt. Con trai của Kinh Dương Vương chính là Lạc Long Quân.
Tưởng nhớ Cha, Mẹ mỗi khi Tết đến Xuân về…
Trong tâm thức người Việt, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ luôn là cha, là mẹ của mọi người dân nước Việt, là những vị Thủy tổ mở nước.
Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, con dân đất Việt trong cả nước lại hành hương về khu di tích lăng và đền Kinh Dương Vương để bái yết, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của những bậc thủy tổ có công khai sơn sáng thủy lập nên nhà nước có chủ quyền đầu tiên của nước Việt.
Lễ hội Đền thờ Kinh Dương Vương năm nay diễn ra từ ngày 12/02 đến ngày 14/02 (tức ngày 16 tháng Giêng đến ngày 18 tháng Giêng năm Đinh Dậu) tại Thôn Á Lữ – Xã Đại Đồng Thành – Thuận Thành – Bắc Ninh. Tính đến nay, khai sinh nhà nước Xích quỷ đã được 4.896 năm và đã 4.809 năm kể từ ngày mất của Kinh Dương Vương.
Vào dịp tế lễ Vua, quan các triều đại đều trực tiếp về đây để thắp hương bái tổ. Hiện trong Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý như ngai thờ Kinh Dương Vương, 15 sắc phong, thần phả, văn tế, hoành phi, câu đối ca ngợi về người được thờ như: “Nam bang thuỷ tổ” (Thuỷ tổ nước Nam), “Nam tổ miếu” (Miếu thờ ông Tổ nước Nam”, “Bách Việt Tổ” (Vua Tổ nước Nam)…
Đây là một lễ hội lâu đời được tổ chức theo đúng những nghi lễ truyền thống với hai phần Lễ và Hội:
Trong phần lễ, ban tổ chức lễ hội đã thực hiện các nghi lễ dâng hương, lễ rước và lễ tế. Lễ dâng hương nhằm tưởng niệm vị vua đầu tiên của dân tộc Việt. Lễ rước nước thể hiện sự thành kính của các thế hệ người Việt hậu nhân gửi đến Kinh Dương Vương.
Lễ tế cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an đã thể hiện được sự giao hòa giữa con người với trời đất, sự mong muốn của con người trước thiên nhiên, hơn hết là sự thành kính của con người trước thiên nhiên và vạn vật.
Những hình ảnh đặc sắc của lễ hội tôn vinh vị vua thủy tổ đất Việt:
Trong phần “Hội”, các trò chơi dân gian được tái hiện một cách sinh động như: Đánh đu, Đánh cầu, Văn nghệ dân gian (Hát Chèo, Tuồng, Quan họ,…), Trống Quân,… Tất cả như tái hiện lại một Làng Việt cổ xưa trong lễ hội.
Đặc biệt, năm nay có sự góp mặt của Đoàn Nghệ thuật Hồng Ân – là khách mời tham gia vào Lễ rước và phần Hội trong lễ hội. Có thể thấy tiếng trống lân của Đoàn Hồng Ân đã vang lên, những chú lân dẫn đầu đoàn rước là một điều đầy ý nghĩa. Điều đó cho thấy người dân nơi đây thực sự tin rằng: Lân sẽ chiến đấu với cái ác bảo vệ dân làng, và trống lân thực sự có thể xua tan tà ác.
Các thành viên trong Đoàn Nghệ thuật Hồng Ân đều là những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công), một môn tu luyện cổ xưa của Phật gia chú trọng dạy con người rèn sửa đạo đức tâm tính theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Những tiết mục biểu diễn của đoàn đều mang âm hưởng truyền thống dân gian cổ xưa, ví như múa Lân, múa tiên nữ, trống lưng…
Ngoài các khách mời, phần không thể thiếu trong lễ hội chính là người dân nơi đây cùng khách thâp phương dự hội. Có thể thấy, người dân dự hội đông kín tất cả các con đường dẫn đến Lăng Kinh Dương Vương.
Theo nhịp trống lân đi sau đoàn rước dài là đội múa Trống Lưng cùng những cô tiên xinh đẹp mang đến màu sắc của vẻ đẹp cung đình xưa cũ cho lễ hội nơi đây.
Văn hóa lễ hội Đền thờ Kinh Dương Vương là một loại tín ngưỡng trong thờ cúng tổ tiên xưa. Vì vậy, đối với người dân nơi đây, việc tổ chức lễ hội này không chỉ là thể hiện sự tôn kính với một vị vua thủy tổ của một dân tộc mà còn là sự tưởng nhớ của những người con về một người cha. Theo truyền thuyết, khi người dân gặp nạn họ sẽ luôn cầu cứu đến người cha của mình là Kinh Dương Vương tôn kính.
Hy vọng rằng những người con đất Việt có thể thực hiện được như lời hứa nguyện trong văn tế Thủy tổ Kinh Dương Vương tại lễ hội: “Chúng con – con dân nước Việt, con cháu Lạc Hồng nguyện khắc ghi công đức, trọn đạo nghĩa với đời, với Tổ; tận trung hiếu, vì nước, vì dân; tích đức, tu nhân, rèn tài, luyện chí; giữ vững kỷ cương, giương cao đạo lý; dựng nước Việt giàu đẹp văn minh cùng nhân loại hòa bình hữu nghị; nay nước Việt ta muôn thuở trường tồn với thế rồng bay sánh ngang tầm thời đại”.
Theo Đại Kỷ Nguyên