Từng tự ti vì bạn bè trêu chọc “thằng bán giấm”, nhưng ít ai ngờ gần 20 năm sau, những chai giấm gạo đó lại giúp Trần Tâm Phương được đầu tư tiền tỷ trên sân khấu của Shark Tank.
Từng bị trêu chọc là “thằng bán giấm” và “đói meo” ở trường vì mẹ đón muộn
Trần Tâm Phương sinh năm 1988, vốn là con nhà nòi khi bố mẹ đều là những người làm trong lĩnh vực khoa học.
Mẹ anh, bà Trần Thị Mai Loan, vốn làm tại Viện Hóa – trực thuộc Viện Khoa Học Việt Nam. Cách đây hơn 20 năm, bà nhìn thấy tiềm năng thương mại hóa của sản phẩm giấm gạo, đồng thời nhu cầu tài chính của gia đình tăng khi con trai được sinh ra nên bà đã quyết định mở xưởng sản xuất tại nhà. Câu chuyện giấm gạo Thủy Tâm bắt nguồn từ đó.
Lớn lên cùng giấm gạo, lúc nào Phương cũng thấy mẹ tất bật, luôn chân luôn tay. Có lần Phương tự hỏi: “Sao mẹ phải tập trung vào những sản phẩm như thế, bận bịu suốt ngày”.
Phương kể, có những lúc Phương bị bỏ đói ở trường vì mẹ đến đón muộn do bận giao hàng. Rồi lớn lên một chút, Phương giúp mẹ giao hàng ở các chợ. Nhiều lần, trong ký ức tuổi thơ của mình, Phương bị bạn bè trêu chọc và gọi là “thằng bán giấm”. Lúc đó, vì cái tính sĩ diện trẻ con nên thấy tức mẹ lắm.
Phương từng học tại trường chuyên Amsterdam và thi đậu vào lớp Cử nhân tài năng khoa Hóa của Đại học Quốc gia Hà Nội. Rồi sau đó, con đường học tập tiếp tục rộng mở với học bổng toàn phần 35.000 USD tại Đại Học British Columbia (Canada) ngành công nghệ hóa. Thời điểm đó, Tâm Phương chính là một trong số ít người Việt có thể nhận được học bổng toàn phần của ngôi trường danh giá này.
Năm 2011, Phương tốt nghiệp và trở về Việt Nam. Từ rất lâu trong suy nghĩ của mình, 8X này đã cảm nhận rằng những sản phẩm bố mẹ làm hoàn toàn có thể thương mại hóa được, nhưng đến khi đi học ở nước ngoài, anh càng thấy tiềm năng của sản phẩm.
Anh chàng 8x tâm sự: “Một lần tình cờ, tôi vào các quán Phở Việt ở Canada rồi Mỹ và vô cùng kinh ngạc. Đối với một người Hà Nội như tôi, Phở phải ăn kèm với giấm tỏi nhưng ở đấy không có bất kỳ nhà hàng nào dùng cả. Tôi nhớ đến những chai giấm gạo của mẹ, và bật lên ý nghĩ cần phải làm điều gì đó để mỗi quán phở trên thế giới đều có một chai giấm gạo Thủy Tâm”.
Từ anh chàng chẳng biết gì đến cuộc đấu trí tiền tỷ
Ấp ủ trong mình khát vọng gìn giữ nghề gia truyền để dù thất bại thì đến cuối đời vẫn không hối tiếc, Tâm Phương quyết định bắt tay vào tiếp quản kinh doanh của gia đình. Bên cạnh sự giúp đỡ kỹ thuật từ mẹ, anh cũng may mắn tìm được Co-Founder Nguyễn Thị Tuyết.
Cả hai cùng nhau tìm và xây dựng doanh nghiệp từ đó, cùng đi học các khóa về kinh doanh, branding, pháp lý, đi gặp khách hàng tiềm năng, tạo mối quan hệ. Thất bại, rồi lại làm lại, rồi lại thất bại, và lại làm lại… mỗi lần rút ra được các bài học khác nhau.
Khi chương trình Shark Tank xuất hiện ở Việt Nam cũng là thời điểm Tâm Phương mong muốn tiếp quản kinh doanh của gia đình. Vốn là fan cứng của chương trình này từ khi còn du học tại Canada, Tâm Phương nhanh chóng quyết định đưa sản phẩm của gia đình tới Shark Tank Việt Nam.
Tâm Phương chia sẻ: “Tại Canada, chương trình Shark Tank rất nổi tiếng. Mình rất thích cách Kelvin O’leary và Mark Cuban đưa ra những lời khuyên kinh doanh lẫn kỹ thuật thương thuyết của họ. Cách đấu trí trong các buổi thương thuyết ấy khiến mình cảm thấy được truyền cảm hứng rất nhiều, từng ước một ngày mình cũng là một phần trong các buổi đấu trí đó”.
Tuy nhiên, trái ngược với sự hăm hở của Tâm Phương, gia đình anh lại không có nhiều khái niệm về các chương trình khởi nghiệp nên khi giải thích về Shark Tank, anh chàng chỉ đưa ra so sánh tương tự “như chương trình The Voice, nhưng dành cho doanh nghiệp” để mọi người dễ mường tượng.
“Bố mẹ thì cũng chỉ bảo “Nó tham gia chương trình gì về khởi nghiệp ý, chẳng biết thế nào” khi nói chuyện với hàng xóm” – anh kể.
Mất một năm trời để chuẩn bị cho phần thương thuyết ngắn ngủi, với số tiền đầu tư là 4 tỷ đồng cho 36% từ Shark Phú và Shark Vương, Tâm Phương cho hay, anh sẽ bắt tay ngay vào công việc với sự hỗ trợ từ các Shark để tiếp tục phát triển ngành nghề truyền thống hơn 30 năm này của gia đình.
Tâm Phương bày tỏ: “Mình cảm thấy rất may mắn vì được sự đầu tư từ anh Phú và anh Vương vì hai anh có kinh nghiệm quản lý cũng như sức mạnh quản trị và mạng lưới phân phối cực kỳ lớn. Mình thật sự muốn làm lớn, làm lớn phải đầu tư lớn, và tâm thế của mình luôn quyết tâm biến điều ấy thành hiện thực”.
Hồng Liên (t/h)