Tinh Hoa

Tư tưởng Tập Cận Bình có thể được đưa vào hiến pháp Trung Quốc

Hội nghị toàn thể thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã đề xuất đưa học thuyết chính trị mang tên nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ vào hiến pháp nhà nước sửa đổi, Tân Hoa Xã đưa tin.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Theo thông cáo ban hành sau phiên họp toàn thể thứ 2 của CPC, diễn ra trong hai ngày 18-19/1 tại thủ đô Bắc Kinh, cơ quan này đã nhất trí thông qua việc đưa trong “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” (gọi tắt là “Tập tư tưởng”) vào hiến pháp. Tư tưởng này đã được CPC thống nhất đưa thành nguyên tắc định hướng tại Đại hội lần thứ 19 diễn ra vào tháng 10/2017.

Những thành tựu lý thuyết, nguyên tắc và chính sách thông qua tại Đại hội 19 CPC cần phải được hợp nhất vào bản sửa đổi hiến pháp“, Tân Hoa Xã dẫn lại thông cáo.

Với kết quả này, quyền lực của ông Tập sẽ tiếp tục được củng cố sau khi “Tập tư tưởng” được bổ sung vào điều lệ đảng tại kỳ Đại hội 19.

Tại đại hội này, việc đưa “Tập tư tưởng” vào điều lệ đảng đã đặt ông Tập ngang hàng với hai cố lãnh đạo Trung Quốc là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Ông là người thứ hai sau Mao Trạch Đông có học thuyết mang tên mình được đưa vào bản điều lệ khi đương chức.

Hiện tại, Đặng Tiểu Bình là nhà lãnh đạo duy nhất có tên đi kèm với học thuyết chính trị được đưa vào cả hiến pháp nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lẫn điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc, theo AFP.

Việc đưa học thuyết của ông Tập vào hiến pháp cần được quốc hội Trung Quốc (Nhân Đại) thông qua, có thể tại kỳ họp thường niên vào tháng 3. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã không nói rõ thời gian và việc này có thể diễn ra sớm hơn.

Kể từ khi hiến pháp được điều chỉnh và sửa đổi vào năm 2004, CPC và Trung Quốc đã trải qua những thay đổi lớn. Hiến pháp của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 1954. Hiến pháp hiện hành được thông qua ngày 4/2/1982 và có hiệu lực thi hành từ ngày 4/12/1982; sau đó được sửa đổi bổ sung vào các năm 1988, 1993, 1999 và 2004.

Tú Văn (t/h)