Theo Luật sư Lê Cao, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện tại thì tử tù Hồ Duy Hải tiếp tục được “đặc quyền” gửi đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đến Chủ tịch Nước. Bản án tử hình của Hồ Duy Hải chỉ được thi hành sau khi Chủ tịch Nước bác đơn xin ân giảm.
Theo đó, căn cứ vào quy định tại điều 395 Bộ luật tố tụng hình sự thì hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm phát sinh từ ngày ra quyết định, cụ thể trong vụ án Hồ Duy Hải là từ ngày 8/5/2020.
Bản thân vụ án này từ trước đến nay đã có nhiều ngoại lệ. Trước đây, Viện KSND tối cao và cả chánh án TAND tối cao đã có quyết định không kháng nghị bản án, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã bác đơn xin ân xá của bị cáo Hồ Duy Hải.
Tuy nhiên, vì có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án tử hình của Hồ Duy Hải, công văn yêu cầu xem xét lại vụ án theo đơn của gia đình Hồ Duy Hải và luật sư từ Văn phòng Chủ tịch nước… nên việc xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm là có căn cứ.
Do đó, Hồ Duy Hải còn cơ hội làm đơn xin Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ân xá thêm một lần nữa. Nếu Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá, lúc đó mới thành lập hội đồng thi hành án và ra quyết định thi hành bản án tử hình.
Còn theo Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), bản án sẽ tiếp tục được thi hành và Hồ Duy Hải buộc phải chấp hành hình phạt. Trừ khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định chưa từng xuất hiện trước đó.
Từ Thức (t/h)