Tinh Hoa

Tư thế ngủ nằm ngửa ở cuối thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu

Việc tìm kiếm tư thế nằm thoải mái có thể là một thách thức với các mẹ bầu, đặc biệt là trong giai đoạn cuối thai kỳ. Và một nghiên cứu mới đây khuyên các bà mẹ tương lai nên tránh nằm ngửa vì nó có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu.

Tư thế ngủ nằm ngửa ở cuối thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu.

Thai chết lưu là tất cả các trường hợp thai nhi bị chết và lưu lại trong tử cung. Ước tính mỗi năm ở Mỹ có khoảng 24.000 thai nhi chết lưu, chiếm 1% số ca mang thai.

Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp thai chết lưu không rõ ràng, nhưng chúng thường liên quan đến các dị tật bẩm sinh, các vấn đề với dây rốn hoặc nhau thai, và những vấn đề sức khỏe mẹ bầu.

Một nghiên cứu mới đây của Peter Stone, giáo sư sức khỏe bào thai và thai phụ tại Đại học Auckland ở New Zealand, và các đồng nghiệp cho thấy, tư thế nằm của mẹ vào cuối thai kỳ có thể ảnh hưởng tới nguy cơ thai chết lưu.

Các bà mẹ tương lai đã được cảnh báo tránh nằm ngửa khi ngủ. Theo Hiệp hội mang thai Mỹ, tư thế này có thể làm giảm lưu thông máu đến tim của người mẹ và em bé.

Trong nghiên cứu, Giáo sư Stone và đồng nghiệp tiếp tục tìm hiểu các tư thế nằm của người mẹ ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi như thế nào.

Nằm ngửa làm giảm lượng oxy cung cấp cho trẻ

Nhóm nghiên cứu tiến hành theo dõi trên 29 phụ nữ khỏe mạnh đang mang thai giai đoạn cuối. Họ được yêu cầu nằm ở nhiều tư thế khác nhau trong vòng 30 phút, cùng thời điểm. Các nhà khoa học đã theo dõi sức khỏe của cả mẹ và thai nhi ở từng trường hợp.

Sau đó tất cả thai phụ được theo dõi cho đến khi sinh, và tất cả đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã phát hiện một số ảnh hưởng của tư thế người mẹ đến sức khỏe của thai nhi.

Họ nhận thấy, khi các bà mẹ nằm ngửa, nhịp tim và hoạt động tim mạch của em bé thay đổi lamg giảm lượng oxy cung cấp cho trẻ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu.

Giả thuyết của chúng tôi là khi năm ngửa các tĩnh mạch rốn bị chèn ép khiến cho máu từ cơ thể mẹ không đến được thai nhi“, Giáo sư Stone nói với Medical News Today, “sau đó nhịp tim của người mẹ có thể hạ xuống và lưu lượng tuần hoàn đến tử cung cũng giảm xuống. Chúng tôi đoán rằng nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh có thể thích ứng với tình trạng này, nhưng một số thì không“.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu ban đầu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện tư thế nằm nghiêng bên trái dẫn đến những thay đổi tích cực ngoài mong đợi của thai nhi trong 1 thời gian ngắn, theo Giaos sư Stone.

Dựa trên kết quả từ nghiên cứu này và nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học cho rằng những bà mẹ tương lai nên thận trọng với tư thế ngủ của mình.

Vì nghiên cứu chỉ thử nghiệm mỗi tư thế ngủ trong 30 phút nên các nhà khoa học không thể nêu chi tiết ảnh hưởng của các tư thế ngủ đến sức khỏe thai nhi. Đây có thể là một gợi ý cho kế hoạch nghiên cứu trong tương lai.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn muốn tìm hiểu thêm về các cơ chế căn bản của tư thế nằm ngửa đối với sức khỏe thai nhi.

Hoàng An, theo Medical News Today