Từ ngày 1/1/2020, Luật chăn nuôi 2018 chính thức có hiệu lực với các quy định mới về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi, trong đó đáng lưu ý là vật nuôi phải được gây ngất trước khi giết mổ, không để vật nuôi phải chứng kiến cảnh đồng loại bị giết…
Theo đó, tại Điều 69, Luật Chăn nuôi 2018 quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi: Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Bên cạnh đó, Điều 70 của bộ luật này cũng nêu lên những quy định về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi khi vận chuyển.
Trong quá trình vận chuyển vật nuôi, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện theo các yêu cầu cụ thể. Vật nuôi phải được vận chuyển bằng các phương tiện, trang thiết bị phù hợp, đảm bảo được không gian thông thoáng, hạn chế hết mức các chấn thương hay gây sợ hãi cho vật nuôi. Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức không được đánh đập, vật nuôi khi di chuyển và cần cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho con vật trong quá trình vận chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Đặc biệt, tại Điều 71, quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi trong giết mổ như sau: Cơ sở giết mổ phải có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ, hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi và phải có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Tại Điều 78 về nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi quy định: Vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu phải có hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật; vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu phải được kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ thú y Đặng Hoài An (làm việc cho một công ty ngành giống vật nuôi của Mỹ tại TP.HCM) cho biết: “Ở nước ngoài hầu hết đều áp dụng phương pháp cho gia súc rơi vào trạng thái ngất tạm thời, sau đó mới tiến hành giết mổ. Bởi ngoài vấn đề nhân đạo, việc giết mổ như trên giúp sản phẩm thịt chất lượng hơn. Cách giết mổ khi gia súc còn sống sẽ gây đau đớn, dẫn đến miếng thịt bị dai, mất ngon. Bởi vì cách giết này ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh của gia súc, gây ra việc cơ thịt bị co rút. Ngoài ra, việc giết mổ kiểu này khiến nhiều trường hợp thịt sinh ra chất axit làm giảm chất lượng thịt. Nhiều quốc gia cũng quy định phải nhập thịt từ nguồn được giết mổ bằng phương pháp nhân đạo và tiến bộ. Do đó, Việt Nam áp dụng những quy định trên là cần thiết”.
Từ Nguyên (t/h)