Trong hơn hai thập kỷ qua, đã có rất nhiều những nghiên cứu xoay quanh vấn đề về tinh thần và hành vi con người có mối liên hệ như thế nào đến tuổi thọ. Và kết quả đều cho thấy, người thường xuyên làm việc thiện, tu tâm dưỡng tính, tâm hồn thuần hậu, đơn giản thường có sức khỏe tốt và tuổi thọ cao hơn những người cư xử trái ngược.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1958, do bác sĩ tim mạch nổi tiếng người Mỹ – Tiến sĩ Williams đã tiến hành cuộc nghiên cứu theo dõi trên 225 sinh viên y khoa trong suốt 25 năm. Ông phát hiện rằng những người có tính cách khoan dung có tỷ lệ tử vong ở mức 2,5%, trong khi những người luôn thù địch hay dữ dằn thường có tỷ lệ tử vong cao tới 14%.
Đồng thời tại một nghiên cứu khác được thực hiện vào năm 1976 – 1994, nghiên cứu kéo dài 9 năm do 2 giáo sư dịch tễ học nghiên cứu là L.F. Berkman và S. Leonard Syme đồng chủ trì. Một cuộc khảo sát dựa trên 2.229 đàn ông và 2.496 phụ nữ trong độ tuổi từ 30-69 tại dân cư quận Alameda bao gồm: tình trạng hôn nhân, mối giao tiếp với bạn thân và họ hàng, tín đồ nhà thờ và các hiệp hội chính thống cũng như không chính thống có ảnh hưởng tới đạo đức của con người như thế nào. Ban đầu hơn 8.023 bộ câu hỏi được gửi đi và sau đó có 6.928 bộ được hồi đáp.
Kết quả cuộc nghiên cứu đều cho thấy, những người bộc lộ khuynh hướng nhân đạo, giúp đỡ người khác, dễ hòa đồng và sống hòa thuận sẽ kéo dài tuổi thọ của họ hơn so với những người cư xử trái ngược (người xảo quyệt, thô tục, hằn học và ích kỷ, cũng như những người gây tổn hại cho người khác để trục lợi cho bản thân, sống khó gần, đều được phát hiện chết ở độ tuổi trẻ hơn nhiều so với những người có cách cư xử xã giao lành mạnh.)
Lòng tốt khiến cơ thể sản sinh một loại morphine tự nhiên giống thuốc an thần
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong định nghĩa mới về sức khỏe, đã kết hợp yếu tố tinh thần, liên quan đến “tu dưỡng đạo đức” vào phạm vi sức khoẻ. Một người khỏe mạnh không chỉ do khía cạnh của sức khỏe thể chất, mà còn bao hàm về tinh thần.
Các chuyên gia tin rằng một phần màng tế bào trong bộ não con người luôn hiện diện một thụ thể morphine. Khi tâm trí của một người luôn nuôi dưỡng lòng từ bi và làm việc thiện lương thì đại não sẽ sản sinh ra một loại morphine tự nhiên giống như thuốc an thần – endorphins. Nó sẽ thông qua các thụ thể morphine ở màng tế bào, đem lại một cảm giác dễ chịu, hạnh phúc khi được giúp đỡ người khác.
Tiến sĩ David Hamilton, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về mối liên hệ giữa tâm và thân, cũng từng có một cuộc thí nghiệm chứng minh lòng tử tế có thể chữa lành bệnh tật của cơ thể.
Ông cho biết lòng tốt và sự từ bi làm thay đổi cấu trúc thần kinh của bộ não chúng ta. Nó có thể nhanh chóng hỗ trợ phục hồi các thương tổn tại tim, giúp kéo dài tuổi thọ, đồng thời cũng kích thích hệ thần kinh làm việc để chống lại các nguy cơ viêm nhiễm hay nhiều chứng bệnh bao gồm cả ung thư.
Lòng tốt có thể làm tăng cường hệ thống miễn dịch
Một nghiên cứu khác được khảo sát bởi Trường y Dược của Đại học Harvard thực hiện, họ cho những người tham gia xem một bộ phim tài liệu nói về một người phụ nữ Tây phương sống ở Calcutta, Ấn Độ. Bà là một người giàu lòng nhân ái biết quan tâm đến những người nghèo khó và tàn tật trong các khu ổ chuột của Calcutta. Hầu hết những người tham gia coi bộ phim xong đều cảm động sâu sắc trước tấm lòng bác ái của bà.
Khi bộ phim kết thúc, các nhà nghiên cứu đã thu thập nước bọt của những người tham gia để phân tích, và kết quả đem lại thật ngạc nhiên: Immunoglobulin A, một cơ chế phòng vệ tự nhiên bảo vệ con người khỏi vi khuẩn và virus, đã tăng lên đáng kể sau khi xem phim (Immunoglobulin A là một dạng của phân tử kháng thể giúp ngăn chặn sự nhiễm bệnh của hệ hô hấp.)
Rõ ràng hệ miễn dịch có thể được kích thích bởi các hành vi xã hội tích cực. Qua đó khảo sát trên, các nhà khoa học rút ra kết luận rằng, những người sống từ bi và nhẫn nại đối với người khác sẽ tăng cường khả năng miễn dịch và kéo dài tuổi thọ một cách tự nhiên.
Ngược lại những người mang tâm địa không tốt, xâm phạm lợi ích của người khác, sống khó gần, đều rất đoản thọ, và dễ mắc một số căn bệnh liên quan đến hệ miễn dịch, chẳng hạn như tắc nghẽn động mạch.
Những người có khuynh hướng mất tự chủ, luôn nóng giận và thù địch với người khác sẽ phát hiện rằng điều này còn tác động đến huyết áp của họ, dẫn đến đủ loại bệnh tật về cao huyết áp, vốn rất khó chữa trị.
Theo quan niệm của Đông Y
Từ xưa Đông y vẫn coi dưỡng sinh là bộ phận trọng yếu trong phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khỏe, kiềm chế lão suy và kéo dài tuổi thọ. Dưỡng sinh bao gồm nhiều nội dung, cùng rất nhiều hệ thống thực hành khác nhau, nhưng phần lớn y gia từ xưa đều cho rằng: “Dưỡng sinh bất như dưỡng tính” (Dưỡng sinh không bằng dưỡng tính).
Trong “dưỡng tính”, người xưa chú trọng nhất tới 2 phương diện: “Điều nhiếp tình chí” và “Tu dưỡng đức hạnh”.
Trong đó “Tình chí” bao gồm: hỷ (vui), nộ (tức giận), ưu (lo lắng), tư (nghĩ ngợi), bi (buồn), khủng (sợ hãi), kinh (sửng sốt quá mức). Và theo Đông y, tức giận hại gan; vui quá hại tim; lo quá hại phổi, dạ dày; suy tư quá hại lá lách; đau buồn hại phổi; sợ hãi hại thận; hoảng hốt hại tim, thận.
Để thực hành dưỡng đức, theo Hoa Đà (141 – 208): người giỏi dưỡng đức, đầu tiên phải biết trừ “lục hại”, như vậy mới có thể bảo vệ được tính mệnh và sống tới trăm tuổi.
Lục hại bao gồm: một là phải coi nhẹ danh lợi, hai là không say mê thanh sắc, ba là không tham lam vật dụng hàng hóa, bốn là bớt của ngon vật lạ, năm là không xu nịnh, sáu là không ghen ghét.
Trong 6 thứ có hại đó, trừ “của ngon vật lạ” ra, 5 thứ hại khác đều là liên quan đến vấn đề tu dưỡng đạo đức.
Thần y Tôn Tư Mạc (581-682) cũng từng nhận định: “Dưỡng sinh là bồi dưỡng cho mình cái tính thiện. Bản tính đã thiện thì bệnh tật từ trong hay từ ngoài đều không sinh ra; biến loạn và tai họa cũng không có lý do phát sinh; đó chính là đạo lớn của phép dưỡng sinh… Còn như đức hạnh chưa hoàn thiện, thì có uống đủ các thứ ‘kim đan ngọc dịch’, cũng không thể kéo dài tuổi thọ”.
Do đó, có thể thấy dù là Đông Y hay Tây Y đều cho kết quả rằng, con người cần phải nuôi dưỡng một tâm hồn lương thiện, thường xuyên giúp đỡ người khác tránh xa những gì tiêu cực hay việc ác… Thì từ đó trong lòng mới bình yên, tâm lý cân bằng ổn định và ý chí không rối loạn; nhờ đó âm dương luôn luôn cân bằng, khí huyết luôn điều hòa, nên chính khí đầy đủ và bệnh tật không thể phát sinh.
Tổng hợp