Tinh Hoa

Từ 2017, mọi công dân Pháp đều được mặc định là người hiến tạng

Một đạo luật mới của Pháp có hiệu lực từ đầu năm 2017 đã mặc định mọi công dân nước này đều là người hiến tạng trừ khi cá nhân đó yêu cầu rút ra khỏi chương trình.

Tình trạng thiếu tạng hiến xảy ra trên khắp thế giới trong khi số người chờ cấy ghép tạng ngày càng nhiều.

Đạo luật nói rõ tất cả chúng ta đều là người hiến nội tạng và mô, trừ khi chúng ta lên tiếng từ chối”, Cơ quan Y sinh của Pháp cho biết. Hồi tháng 11/2016, cơ quan này cũng từng phát động chiến dịch kêu gọi người trẻ từ 15 đến 25 tuổi tham gia hiến tạng.

Những người không muốn tham gia hiến tạng có thể đăng ký tên vào danh sách từ chối và có thể hoàn tất thủ tục trực tuyến mà không cần đến nơi đăng ký.

Ngoài ra, họ cũng có thể để lại tuyên bố không chấp nhận hiến tạng bằng văn bản cho người thân. Trong trường hợp họ chỉ để lại di nguyện bằng lời, người thân có trách nhiệm làm văn bản cho bác sĩ khi họ qua đời.

Nếu không đăng ký từ chối hoặc để lại di nguyện, bất cứ ai tử vong đều được coi là người hiến tạng bất chấp sự phản đối của gia đình.

Trước ngày đạo luật mới có hiệu lực, trong trường hợp có người tử vong mà không để lại di nguyện về việc hiến tạng, các bác sĩ đều phải hỏi ý kiến người thân của họ và hầu như 1/3 trường hợp đều từ chối.

Châu Âu mới đây đã cảnh báo tình trạng thiếu tạng hiến không chỉ ở Pháp mà trên khắp cả thế giới trong khi số người chờ cấy ghép tạng ngày càng nhiều. Tại châu Âu, trung bình mỗi ngày có khoảng 16 người chết trong khi chờ ghép tạng. Tại Mỹ cứ mỗi 10 phút lại có thêm 1 người được đưa vào danh sách chờ tạng hiến.

Trước tình trạng thiếu tạng hiến, việc buôn lậu tạng người xuất hiện và đã tồn tại từ lâu, nhưng theo các diễn biến hiện tại, người ta nhận thấy loại tội ác này có dấu hiệu táo bạo và ngày càng lan rộng, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhiều luật sư và tổ chức nhân quyền trên thế giới đã lên án Trung Quốc mổ cắp nội tạng của các tù nhân lương tâm còn sống.

Luật sư nhân quyền David Matas trình bày một báo cáo mới về thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington, DC vào ngày 22/6/2016. (Ảnh: Epoch Times)

Năm 1984, chính phủ Trung Quốc thông qua quy định cho phép lấy nội tạng của tử tù. Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc năm 2012 tuyên bố, 90% cơ quan nội tạng là do tử tội cung cấp. Tuy nhiên, tổ chức nhân quyền Dui Hua của Mỹ năm 2013 cho biết, chỉ có 2.400 tù nhân bị hành quyết ở Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh thừa nhận có tới 10.000 ca ghép tạng được thực hiện mỗi năm.

Cũng trong năm 2013, châu Âu đã thông qua một nghị quyết tạo bước ngoặt trong việc lên án mạnh mẽ tội ác mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm còn sống ở Trung Quốc. Nghị quyết nói rõ: “Quan ngại sâu sắc về các báo cáo liên tục và đáng tin cậy về việc mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm có hệ thống được nhà nước phê chuẩn tại Cộng hòa Nhân dân Trung quốc, bao gồm cả một số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù vì tín ngưỡng của họ, và các thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số và sắc tộc khác“.

Thị trường nội tạng ở Trung Quốc cực kỳ sôi động và được gọi là “thị trường tỉ đô”. Một quả thận có giá 62.000 USD, gan hoặc tim là 130.000 USD, giác mạc 30.000 USD…

Theo Tuổi Trẻ