Tinh Hoa

Từ 1/8, tăng mức phạt với nhiều vi phạm giao thông

Nghị định 46 có hiệu lực từ 1/8 quy định mức xử phạt tăng nặng đối với hơn 100 hành vi phạm giao thông. Một số điểm thay đổi gây ý kiến trái chiều.

Từ 1/8, nhiều mức phạt vi phạm giao thông tăng từ 2 đến 5 lần. (Ảnh: Zing)
Từ 1/8, nhiều mức phạt vi phạm giao thông tăng từ 2 đến 5 lần. (Ảnh: Zing)

Từ 1/8, Nghị định số 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được áp dụng với mức phạt nặng hơn, thay thế Nghị định số 171/2013 và Nghị định số 107/2014.

Lái ôtô say xỉn bị phạt 18 triệu đồng

So với các Nghị định ban hành trước đó, Nghị định 46 quy định nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ có mức xử phạt tăng từ 2 đến 5 lần.

Như nhóm vi phạm về nồng độ cồn, người điều khiển ôtô vi phạm ở mức cao nhất có thể bị phạt đến 18 triệu đồng và bị tước GPLX tối đa 6 tháng (mức phạt cũ tối đa 15 triệu đồng). Đối với người lái môtô vi phạm lỗi này, mức phạt cao nhất tăng lên 4 triệu đồng, tước GPLX 5 tháng (mức cũ phạt 3 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng).

Hành vi đi môtô, xe gắn máy vào đường cao tốc có thể bị phạt đến 1 triệu đồng, tước GPLX đến 3 tháng (mức cũ là 400.000 đồng). Cùng ở nhóm vi phạm về đường cao tốc, người điều khiển ôtô dừng đỗ, quay đầu, đi ngược chiều trên cao tốc cũng bị phạt 6 triệu đồng, cao gấp 5 lần mức phạt cũ.

Trong nhóm vi phạm về tốc độ, người điều khiển ôtô vượt quá tốc độ quy định có thể bị phạt đến 8 triệu đồng, tước GPLX 5 tháng. Còn người điều khiển xe môtô chạy vượt quá tốc độ quy định trên 20 km, có thể bị phạt đến 4 triệu đồng và tước GPLX 3 tháng.

Nghị định 46 cũng đề ra nhiều chế tài xử phạt mới đối với các lỗi vi phạm như ném gạch, đất, cát, đá hoặc vật thể khác vào phương tiện tham gia giao thông đường bộ (phạt 1 triệu đồng). Mức phạt tối đa là 7 hoặc 14 triệu đồng cũng được áp dụng với với hành vi cá nhân hay tổ chức rải, đổ hóa chất gây hỏng đường bộ.

Ngoài ra, Nghị định 46 quy định, các tổ chức thu phí đường bộ để lượng ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên 1 làn trên 100 xe, chiều dài trên 750 m hoặc mỗi xe qua trạm thu phí phải dừng trên 10 phút mà không áp dụng giải pháp do cơ quan chức năng chỉ đạo, phạt từ 8 đến 70 triệu đồng.

Vượt đèn vàng bị phạt như đèn đỏ

Vượt đèn vàng phạt như đèn đỏ. (Ảnh: internet)

Nằm trong nhóm lỗi vi phạm hiệu lệnh quy định tại Nghị định 46, hành vi điều khiển ôtô vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ với mức phạt tối đa là 2 triệu đồng (mức cũ là 1,2 triệu đồng). Còn người đi môtô, xe gắn máy, xe máy điện vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng.

Tương tự, lực lượng chức năng sẽ xử phạt với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vượt đèn vàng từ 400.000 đến 600.000 đồng; người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ khác vượt đèn vàng từ 60.000 đến 80.000 đồng.

Nghị định mới quy định việc xử phạt vượt đèn vàng ngang bằng hành vi vượt đèn đỏ đã gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ cần phạt nặng người đi xe vượt đèn vàng để nâng cao ý thức chấp hành luật thì không ít người cho rằng, việc xử phạt không phù hợp, trái với tính chất của hai màu đèn tín hiệu giao thông.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng hành vi vượt tín hiệu đèn vàng khi đang tiếp tục di chuyển khác về tính chất, mức độ đối với việc cố tình vượt đèn đỏ.

Khoản 3, Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: Tín hiệu xanh là được đi, tín hiệu đỏ là cấm đi, còn tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng (nếu đã đi qua vạch dừng thì được đi tiếp). Tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ. Do đó, luật sư Thơm đánh giá việc quy định mức xử phạt vượt đèn đỏ và đèn vàng tương đương nhau là không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ.

Ngoài ra, việc xử phạt nặng lỗi vượt đèn vàng có thể gây khó khăn cho CSGT vì bằng mắt thường rất khó xác định người điều khiển phương tiện vượt qua vạch khi có tín hiệu đèn vàng, cho nên khi xử phạt sẽ xuất hiện nhiều tranh chấp, nhất là các điểm không có camera”.

Theo zing