Vào hôm 11/8, Tổng thống Trump đã thông báo về hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD (tương đương 34.700 tỷ đồng) với công ty công nghệ Moderna của Mỹ để đặt mua 100 triệu liều vaccine ngừa virus Vũ Hán. Đây là hợp đồng mua vaccine thứ 6 của chính phủ Mỹ kể từ đầu tháng 5.
“Tôi vui mừng thông báo chúng tôi vừa đạt thỏa thuận với Moderna để sản xuất và phân phối 100 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 (virus Vũ Hán) của họ…
Chúng ta sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất 100 triệu liều ngay khi loại vaccine này được phê chuẩn, và sau đó là 500 triệu liều nữa, như vậy chúng ta có tổng cộng 600 triệu liều”, Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp tại Nhà Trắng.
Công ty công nghệ sinh học Moderna hợp tác với Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba với một loại vaccine virus Vũ Hán tiềm năng, có tên mRNA-1273. Vaccine này do Moderna đồng phát triển cùng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) thuộc NIH.
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng đồng thời là giám đốc NIAID cho biết, các nhà nghiên cứu khó có thể nắm bắt hiệu quả của vaccine trước cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Trump từng bày tỏ hy vọng có vaccine trước ngày bầu cử Tổng thống vào ngày 3/11.
Cho đến thời điểm này, Mỹ đang là quốc gia chi nhiều tiền nhất cho các hãng dược, các tổ chức nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa virus Vũ Hán, ước tính ít nhất 10,9 tỷ USD (tương đương 252.000 tỷ đồng). Ngoài hợp đồng với Moderna, chính phủ Mỹ trước đó cũng ký hợp đồng đặt mua hàng trăm triệu liều vaccine của Johnson & Johnson, Novavax, Pfizer, Sanofi và AstraZeneca.
Thông báo của Tổng thống Trump đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã phát triển loại vaccine đầu tiên cung cấp khả năng “miễn dịch mạnh mẽ” chống virus Vũ Hán, sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người. Giới chức Nga cho biết thêm rằng, vaccine này có tên “Sputnik V”, và đã được đặt hàng 1 tỷ liều từ hơn 20 quốc gia.
Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về vaccine của Nga, bởi Bộ Y tế nước này phê duyệt vaccine trước khi tiến hành thử nghiệm Giai đoạn Ba. Bước thử nghiệm này thường được tiến hành trên quy mô hàng nghìn người, được coi là tiền đề cần thiết để vaccine được cơ quan quản lý chấp thuận. Một số nhà phê bình nhận định rằng, việc Nga quyết thắng cuộc đua vaccine một phần do áp lực chính trị từ Điện Kremlin.
Bất chấp một loạt nghi ngờ về việc “đốt cháy giai đoạn”, ông Putin vẫn tuyên bố rằng, vaccine của Nga là an toàn, “hoạt động khá hiệu quả”, đồng thời nhấn mạnh nó “đã trải qua tất cả bước kiểm tra cần thiết”.
Lương Phong(t/h)