BizLIVE – “Điều kiện kinh doanh như mớ dây điện, phải đập bỏ, chém bỏ mới thay đổi được”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Ảnh minh họa. Đăng đàn tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, hiện nay có sự chồng lấn và chèn lấn của nội dung các luật về ngành kinh doanh đối với Luật Doanh nghiệp đã làm hạn chế và giảm đáng kể quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan.
Ông Cung dẫn chứng, Điều 3 Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định “Việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế áp dụng theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp đặc thù liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quy định tại Luật khác, thì áp dụng theo quy định của Luật đó”. Trong khi đó, “luật khác” lại bao gồm khoảng 20 Luật có thể có thêm các quy định như hạn chế loại hình pháp lý của doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành nghề nói trên. Theo ông Cung, bằng việc quy định thêm các điều kiện như vậy, các luật này về bản chất đang thu hẹp đáng kể phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp. Tạo thêm các rào cản gia nhập thị trường đối với các ngành nghề có liên quan; làm cho gia nhập thị trường trở nên khó khăn, tốn kém hơn. “Qua đó, không chỉ hạn chế quyền tự do kinh doanh, mà còn tạo ra méo mó, sai lệch, hạn chế cạnh tranh thị trường…”, ông Cung phân tích. Ông Cung ví, các điều kiện kinh doanh hiện nay như “mớ dây điện” cần chém bỏ, đập bỏ và làm mới lại mới có thể thay đổi được, không thể tháo từng dây và điều này đang khiến doanh nghiệp mất nhiều công sức tiếp cận cơ hội kinh doanh.
Ngoài ra, ông Cung cũng cho biết trong số các điều kiện kinh doanh này có hàng ngàn điều kiện được đưa ra trong các Thông tư hay các văn bản chỉ đạo của bộ, ngành, địa phương thậm chí các cấp huyện, xã. Tuy nhiên, ông Cung cũng tin tưởng rằng, hàng ngàn điều kiện kinh doanh không phù hợp, được ban hàng trái thẩm quyền sẽ bị bãi bỏ, không có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, thời điểm Luật Doanh nghiệp và Đầu tư có hiệu lực. Chỉ cải cách thủ tục, muôn năm vẫn thế Đồng tình với quan điểm được TS. Nguyễn Đình Cung nêu ra, tuy nhiên TS. Trần Du Lịch cũng tỏ ra kém lạc quan khi cho rằng nếu chỉ cải cách thủ tục còn thể chế hành chính, bộ máy tổ chức như hiện hữu thì thủ tục cải cách muôn năm vẫn thế. “Luật kinh doanh bất động sản có bao nhiêu Nghị định, Luật Đất đai cũng tương tự, Nghị định đưa ra các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản đang kiến nghị một loạt, tại sao lại như vậy”, ông Lịch đặt câu hỏi. Và lý do được ông đưa ra là chúng ta đã cải cách không đồng bộ. Ông Lịch cũng cho biết biện pháp cụ thể, nhà nước không cần tạo ưu đãi mà cần tạo môi trường kinh doanh tốt bao gồm vĩ mô ổn định; pháp lý minh bạch, rõ ràng và thứ 3 là phải có nền hành chính công phục vụ. Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, cần phải có địa chỉ rõ ràng để quy trách nhiệm do việc quy trách nhiệm thời gian vừa qua quá khó khăn, trách nhiệm rành rành nhưng không kỷ luật được ai. TÂM AN Tin liên quan Kinh tế tư nhân không cần ưu đãi, mà cần đối xử công bằng! Bà Phạm Chi Lan: “Đừng nói doanh nghiệp tư nhân chưa đủ mạnh” JETRO: Hệ thống pháp luật Việt Nam thiếu minh bạch TS. Nguyễn Đình Cung: Cần xác định lại vai trò doanh nghiệp Nhà nước
Cùng dòng sự kiện
|
Theo BizLive