Dù bạn tin hay không thì trong hầu hết các nền văn hóa trên thế giới vẫn lan truyền rất nhiều câu chuyện truyền thuyết về yêu quái rất buồn cười, và Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Chúng ta cùng xem những câu chuyện đó là gì nhé!
Noppera Bou
Nếu đã xem qua bộ phim hoạt hình “Vùng đất linh hồn” của hãng phim Ghibil, Nhật Bản thì sẽ không thể quên hình ảnh của con ma Vô Diện – Noppera Bou này.
Theo truyền thuyết ở Nhật Bản, những con ma Vô Diện hoàn toàn vô hại, chỉ thích trêu chọc con người để gây sự chú ý chứ không làm hại họ. Chúng thường biến thành các thiếu nữ ngồi khóc ở ven đường hay trong công viên để thu hút sự chú ý của mọi người. Sau khi người nào đến gần thì cô gái ấy sẽ hiện nguyên hình là con ma có bộ mặt trắng toát, không thấy hình dạng mắt mũi để hù dọa người đó bỏ chạy.
Karakasa
Karakasa hay còn được gọi là Ma dù và là loại ma tinh quái phổ biến trong truyền thuyết dân gian ở Nhật Bản. Theo truyền thuyết, Ma dù là loài yêu quái do cây dù có nan tre cũ kỹ biến hóa thành, có hình dáng kỳ quái với một mắt trên thân dù, lưỡi dài và một chiếc chân nhỏ bé.
Ma dù cũng là loài yêu quái lành tính, không giết hại con người mà chỉ thích trêu đùa cùng họ. Karakasa thích hiện nguyên hình và nhảy nhót mỗi khi trời tối trong nhà và thè lưỡi đỏ ra để hù dọa mọi người. Bên cạnh đó, chúng cũng đặc biệt thích bay lượn xung quanh trong những ngày trời mưa tầm tã vì vốn dĩ chúng là những cây dù che mưa mà.
Nuppeppo
Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, Nuppeppo là một yêu quái có chiều cao ước tính lên tới 1,5m. Các bộ phận của Nuppeppo đều là những khối u được định hình từ thịt. Nó thường được miêu tả giống như một khối thịt nhão với một mùi hôi đặc trưng.
Nuppeppo là một quái vật yếu đuối và thụ động. Chúng khá đơn độc và thường lang thang trên các đường phố vắng vẻ, nghĩa địa hay những ngôi đền bị bỏ hoang. Mùi cơ thể của yêu quái này được miêu tả giống như mùi thịt thối rữa. Tuy nhiên, có truyền thuyết lại nói rằng, nếu ăn được thịt của Nuppeppo thì sẽ trẻ mãi không già.
Iyaya
Theo truyền thuyết dân gian ở Nhật thì Iyaya thường xuất hiện ở những con phố tối tăm. Tên của con yêu quái này là tiếng lóng có nghĩa “không thể nào!”. Iyaya có hình dáng như con người và nếu nhìn từ phía sau đó là một phụ nữ trẻ quyến rũ, khoác trên mình những trang phục đắt tiền. Tuy nhiên, gương mặt của Iyaya lại không như phía sau kiêu sa kia. Iyaya thường khiến người khác chìm đắm vào vẻ đẹp từ đằng sau của chúng. Nếu bạn vô tình gọi Iyaya, chúng sẽ quay lại và khiến bạn kinh hãi bởi gương mặt nhăn nheo như ông già.
Iyaya là một con ma vô hại nhưng được dùng để cảnh tỉnh nhiều người. Con ma này được xem là một sự “mỉa mai” đối với những người yêu vẻ đẹp bên ngoài mà không chịu tìm hiểu bản chất bên trong của con người.
Okaburo
Theo truyền thuyết thì nhà thổ là nơi cư trú của loại yêu quái này vì nó được biết đến là các “Kamuro”- những bé gái chạy vặt ở đây. Tuy nhiên chúng lại có ngoại hình “quá khổ” và ai nhìn cũng ngao ngán.
Sự thật, Okaburo thực chất là yêu quái nam nhưng thích mặc kimono có họa tiết hoa cúc của các bé gái giúp việc. Nguồn gốc của yêu quái này khá mập mờ, tuy nhiên, theo miêu tả của Toriyama Seiken, Okaburo có liên quan đến một thuật sĩ đến từ Trung Quốc tên Peng Zu. Peng Zu đã sống 700 năm bằng việc làm “chuyện yêu” với cả nam lẫn nữ và giữ chế độ ăn uống nghiêm ngặt bằng cách uống những giọt sương từ hoa cúc và ăn thảo mộc. Peng Zu có biệt danh là Kikujido hay “người hoa cúc”. Theo truyền thuyết dân gian Nhật Bản, Okamuro được cho là đề cập đến nhà thổ đồng tính, nơi các chàng trai trẻ ăn mặc như Kamuro và phục vụ khách hàng của mình.
Nurarihyon
Theo truyền thuyết, Nurarihyon được các yêu quái khác kính cẩn gọi bằng “ngài” vì nó chỉ “nuốt” được những thực phẩm đắt tiền. Nurarihyon thường xuất hiện ở các nơi sang trọng như: biệt thự đắt tiền, trong phòng khách, nhà thổ, những chốn nguyên sơ… Nurarihyon được miêu ta là một ông lão với chiếc đầu thuôn dài, da dẻ nhăn nheo luôn mặc những bộ kimono lộng lẫy hoặc áo choàng của các vị trụ trì. Nurarihyon luôn mang lại cảm giác thanh lịch của một quý ông và sự thanh tịnh của một vị thần.
Tuy nhiên, Nurarihyon là một yêu quái bí ẩn và có sức mạnh khủng khiếp, đến những yêu quái khác cũng phải khiếp sợ. Một số truyền thuyết cho rằng Nurarihyon thực ra là một sinh vật biển có hình dạng như đầu người và trôi nổi ở đảo Seto. Một trong số chúng dần dần bơi lên bờ và rồi trở thành một yêu quái quyền lực ở Nhật Bản.
Theo truyền thuyết, Nurarihyon và kiệu của ông thường xuất hiện vào buổi tối ở những ngôi nhà lộng lẫy, tấp nập người đến. Và trong khi họ bận rộn, ông sẽ tự pha trà, hút thuốc, hưởng thụ như một chủ nhân thật sự. Thậm chí cả khi chủ nhà nhận ra sự hiện diện của ông, họ cũng bị phù phép để tin rằng ông chính là chủ nhân thật sự của ngôi nhà. Cho đến khi trời hửng sáng, ông lặng lẽ rời đi để lại nhiều thắc mắc trong lòng người chủ về người đàn ông bí ẩn xuất hiện trong nhà đêm qua.
Haradashi
Theo truyền thuyến dân gian ở Nhật, Haradashi là một loại ma khá thú vị vì nó có tài hề “bụng”. Người ta thường thấy nó lảng vảng ở các ngôi đền cổ hoặc nhà xưa,… Haradashi là một yêu quái có thể thay đổi thành nhiều hình dạng khác nhau như một người không đầu chỉ có tay, chân và có một gương mặt hài hước trên bụng. Có khi Haradashi lại hóa thành một nữ tu già hoặc một yêu quái có vẻ ngoài ngốc nghếch với mái tóc đen dài.
Haradashi không làm hại con người mà thậm chí còn khiến họ cảm thấy vui vẻ. Các Haradashi thường hóa thân thành con người và sau đó sử dụng khuôn mặt trên bụng của mình để khiến mọi người ngạc nhiên và cười. Chúng thường xuất hiện vào nửa đêm, khi con người ở một mình trong trạng thái buồn và cô đơn, đặc biệt là những người uống rượu ở nhà một mình. Các Haradashi sẽ lẻn vào nhà để làm họ vui vẻ hơn bằng cách mở áo khoe bụng và nhảy một điệu múa ngớ ngẩn.
Kudan
Kudan hay “Bò đầu người” chính là tên gọi của yêu quái này. Theo truyền thuyết, Kudan thường xuất hiện tại các trang trại ở Kyushu và miền Tây Nhật Bản và nó chỉ thích uống… sữa. Kudan là sinh vật tiên tri dưới hình dáng một chú bò nhưng có khuôn mặt người. Tuổi thọ của một Kudan chỉ kéo dài vài ngày sau khi chào đời. Chúng được sinh ra từ những con bò và được cho là điềm báo cho một sụ kiện lịch sử quan trọng.
Tại Nhật còn có một thành ngữ “Kudan no Gotoshi” nghĩa là “Giống như Kudan”. Từ này xuất hiện cả trong dân gian lẫn các văn bản hành chính. Nó được dùng trong trường hợp nói về một điều gì đó luôn luôn đúng. Thành ngữ này xuất hiện vào thời Heian trong khi Kudan xuất hiện vào cuối thời kì Edo nên mối quan hệ giữa cụm từ này và yêu quái Kudan vẫn còn là một bí ẩn. Ngày nay, hình ảnh Kudan được dùng làm bùa may mắn, thịnh vượng, sức khỏe và bảo vệ người đeo khỏi tai họa.
Ganbari Nyuudou
Theo quan niệm của người Nhật thì Ganbari Nyuudou là một yêu quái “biến thái” có sở thích lượn lờ ngoài phòng tắm vào đêm Giao thừa. Nó có vẻ ngoài giống một nhà tu khắc khổ, với áo choàng và tóc vạt ngang, thân thể rậm lông và thường nhả một con chim câu từ trong miệng.
Theo truyền thuyết, nếu bạn vô nhà vệ sinh vào giờ Sửu trong đêm Giao thừa và nhìn vào bồn cầu rồi gọi tên Ganbari Nyuudou (một tên gọi khác Kanbari Nyuudou) 3 lần thì một cái đầu người sẽ xuất hiện trong đó. Nếu bạn nhặt lấy cái đầu và cho vào tay bên trái của Kimono, sau đó đi ra ngoài thì “cái đầu” ấy sẽ biến thành một đồng vàng Koban. Ở một vùng khác thì cho rằng cái đầu phải được gói vào trong bọc vải lụa và mang về phòng của người đó và khi bạn mở bọc vải ra thì trong đó sẽ chứa đầy vàng.
Bakezori
Bakezori thường được biết đến với cái tên “Ma dép”. Con ma này được cho là ra đời từ thời Kansei 12 (tức khoảng năm 1800). Bakezori được miêu tả là một chiếc dép cỏ (dép zori truyền thống của Nhật Bản), có 2 tay, 2 chân và một mắt. Tương truyền rằng, những chiếc dép zori nếu bị chủ của mình lãng quên trong một thời gian dài (khoảng 100 năm), chúng sẽ trở thành Bakezori và quay về ám chủ nhân đã từng đối xử tệ với mình.
Vào ban đêm, các Bakezori sẽ chạy vào nhà và gây tiếng ồn khiến chủ nhà tỉnh giấc bằng bài hát: “Kararin! Kororin! Kankororin! Ba mắt, hai răng!”. Lời bài hát ám chỉ đến “người anh em cao quý Geta” (một loại guốc khác của Nhật Bản). Hành động của Bakezori chủ yếu xuất phát từ sự thất vọng khi bị con người đối xử tệ bạc và lòng đố kị với guốc gỗ Geta (loại guốc được nhiều người yêu thích vào thời điểm đó).
Theo bestie