Cây huyết dụ được dùng làm thuốc sẽ khiến bạn liên tưởng đến các chứng bệnh về máu, nhưng còn có một câu chuyện rất ý nghĩa lý giải nguồn gốc cái tên này.
Huyết dụ (Cordyline terminalis Kunth var.ferrea Bak.) thuộc họ huyết dụ (Dracaenaceae), có tên khác là huyết dụ lá đỏ, thiết thụ, phất dũ; người Tày gọi là chổng đeng, tên Thái là co trướng lậu, tên Dao là quyền diên ái. Cây có nguồn gốc nhiệt đới được người dân trồng nhiều làm cây cảnh đồng thời cũng được dùng làm cây thuốc.
Có hai loại cây huyết dụ, loại lá đỏ cả hai mặt và loại lá đỏ một mặt còn mặt kia màu xanh. Cả hai loại đều được dùng làm thuốc, nhưng loại hai mặt đỏ tốt hơn.
Về loài cây thuốc có màu sắc kì lạ này, người dân lưu truyền câu chuyện như sau:
Ngày xưa, có một người chuyên nghề giết lợn. Nhà anh ta ở cạnh một ngôi chùa. Hằng ngày, cứ mờ sáng, hễ nghe tiếng chuông chùa là anh ta thức dậy mổ lợn. Một hôm, sư cụ lên chùa nằm mộng thấy một người đàn bà dắt 5 đứa con đến xin cứu mạng và xin sư cụ đánh chuông vào sáng hôm sau chậm hơn ngày thường.
Sư cụ thực hiện đúng lời thỉnh cầu, nên người đồ tể ngủ quên, dậy muộn quá, không kịp thịt lợn nữa. Liền sau đó, anh ta thấy con lợn mình mua chiều qua định giết thịt sáng nay đẻ được 5 lợn con.
Anh ta đi qua chùa được nghe sư cụ kể chuyện về giấc mộng, hối hận vì lâu nay bàn tay mình vấy máu, liền chạy về nhà cầm con dao bầu rồi sang giữa sân chùa, cắm dao thề rằng xin giải nghệ từ nay. Về sau, con dao hóa thành một loại cây có lá màu đỏ như máu, nhọn như lưỡi dao bầu và được người đời đặt tên là cây huyết dụ.
Theo kinh nghiệm dân gian, lá huyết dụ được dùng làm thuốc cầm máu chữa rong huyết, băng huyết (không được dùng trước khi đẻ hoặc đẻ rồi còn sót rau), xích bạch đới, thổ huyết, lỵ ra máu, đái ra máu, ho ra máu, sốt xuất huyết.
Liều dùng hằng ngày: 16-30g lá tươi hoặc 8-16g lá phơi khô dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
– Chữa rong kinh, băng huyết: Lá huyết dụ 20g, rễ cỏ tranh 10g, đài tồn tại quả mướp 10g, rễ cỏ gừng 8g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
Hoặc lá huyết dụ 20g, cành tía tô 10g, hoa cau đực 10g, tóc một nhúm (đốt thành than). Trộn đều, thái nhỏ, sao vàng, sắc uống.
– Chữa đái ra máu: Lá huyết dụ 20g, rễ cây ráng, lá lấu, lá cây muối, lá tiết dê, mỗi vị 10g. Tất cả rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống.
– Chữa ho ra máu: Lá huyết dụ 10g, rễ rẻ quạt 8g, trắc bách diệp sao đen 4g, lá thài lài tía 4g, phơi khô, sắc uống làm hai lần trong ngày.
– Chữa kiết lỵ ra máu: Lá huyết dụ 20g, cỏ nhọ nồi 12g, rau má 20g. Rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống. Dùng 2-3 ngày.
– Chữa xuất huyết dưới da, sốt xuất huyết: Lá huyết dụ để tươi 30g, trắc bá sao đen 20g, cỏ nhọ nồi 20g. Sắc uống.
– Chữa bạch đới, khí hư: Lá huyết dụ tươi 30g, lá thuốc bỏng 20g, bạch đồng nữ 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Theo thegioicaythuoc