Tinh Hoa

Truyền thông và chuyên gia Trung Quốc né tránh đề cập 1 câu trong báo cáo Đại hội 19

Trong bài báo cáo tại Đại hội 19 của ông Tập Cận Bình có nhắc đến vấn đề “nhân dân yêu cầu ngày càng cao về tự do, pháp trị, công bằng, chính nghĩa”. Tuy nhiên, khi tiến hành phân tích báo cáo, từ truyền thông đến các chuyên gia đều né tránh đề cập vấn đề này.

Giới truyền thông và chuyên gia Trung Quốc luôn né tránh vấn đề “nhân dân yêu cầu ngày càng cao về tự do, pháp trị, công bằng, chính nghĩa” được nêu ra trong báo cáo tại Đại hội 19. (Ảnh: BBC)

Trong báo cáo của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội 19 có đề cập vấn đề “Mâu thuẫn giữa nhu cầu văn hóa vật chất của người dân ngày càng tăng cao với sức sản xuất xã hội lạc hậu” (chỉ ra từ Đại hội 18), nhưng đến thời đại mới hiện nay đã chuyển hóa thành “Nhu cầu cuộc sống tốt đẹp của nhân dân ngày càng tăng cao với tình trạng phát triển không cân bằng, không dồi dào”.

Đối với “nhu cầu cuộc sống tốt đẹp” của nhân dân, báo cáo có giải thích cụ thể: “Nhân dân không chỉ có nhu cầu ngày càng cao về cuộc sống văn hóa vật chất, còn yêu cầu ngày càng cao trong các vấn đề dân chủ, pháp trị, công bằng, chính nghĩa, an toàn, môi trường”. Theo đó nhận định sự chuyển hóa của mâu thuẫn cốt lõi trong xã hội là liên quan đến chuyển hóa mang tính lịch sử của toàn cục.

Nhưng trong hoạt động bình xét, đưa tin về báo cáo Đại hội 19, từ giới truyền thông nhà nước cho đến các chuyên gia đều “không chú ý” câu “yêu cầu ngày càng cao của nhân dân trong các vấn đề dân chủ, pháp trị, công bằng, chính nghĩa, an toàn, môi trường”.

Gần đây, tạp chí “Đoàn kết hồ tham khảo” của Báo Thanh Niên Bắc Kinh đăng bài viết “Mâu thuẫn cốt lõi đã thay đổi, tại sao suy luận này quan trọng thế?”, nhưng trong suốt bài viết không thấy 6 cụm từ khóa “dân chủ, pháp trị, công bằng, chính nghĩa, an toàn, môi trường”.

Thậm chí bài viết còn mang vấn đề “chuyển hóa mâu thuẫn cốt lõi” biến thành thảo luận về đề tài “thức ăn chứa nhiều dầu mỡ”. Bài viết cho rằng,“thức ăn chứa nhiều dầu mỡ… cho thấy mâu thuẫn cốt lõi trong xã hội đã chuyển hóa”.

Một cán bộ đã nghỉ hưu ở Bắc Kinh (giấu tên) chia sẻ: “Truyền thông nhà nước ngại bàn đến những vấn đề phổ quát như dân chủ, họ sợ bị liên lụy nên viết hài hước, hoang đường làm vui…”

Ông lấy dẫn chứng câu chuyện của tờ Hoàng Đàm Xuân Thu mới đây, theo đó tại buổi lễ truy điệu ông Hà Phương, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, diễn ra vào tháng 09, bài điếu của ông cựu Tổng Biên tập Đỗ Đạo Chính vì đề cập vấn đề tự do dân chủ đã bị người ta bôi xóa đi.

Ông nói: “Theo tả thì an toàn, theo hữu thì nguy hiểm, nói cách khác là thực sự cầu thị thì nguy hiểm, yêu sự thật thì nguy hiểm; vì thế nhiều người thà làm chuyện hoang đường, giả tạo để bảo vệ an toàn cho bản thân”.

Ông Trần Khuê Đức, Chủ tịch điều hành Hiệp hội Trung Quốc Princeton, người phát hành kiêm chủ biên tờ “Tùng lãm Trung Quốc” chia sẻ với Epoch Times rằng, hiện tượng này ở Trung Quốc rất giống thời mạt kỳ của chủ nghĩa cộng sản quốc tế.

Sau thập niên 70 thế kỷ trước, Liên Xô vào thời mạt kỳ chủ nghĩa cộng sản, họ có cái gọi là “đảng Toàn dân” (Đảng có tính chất toàn dân, không còn mâu thuẫn giai cấp…). Khi đó Trung Quốc lên án Liên Xô theo chủ nghĩa tu chính, thực hiện “đảng Toàn dân” nghĩa là không còn là đội tiên phong của giai cấp vô sản.

“Khi đó Liên Xô cũng chỉ ra nhân dân đòi hỏi cuộc sống tốt đẹp, nhưng điều kiện vật chất không đáp ứng được…”. Ông nói: “Một vấn đề cơ bản ở Trung Quốc là không có hệ thống tư pháp độc lập cho người dân nói lý lẽ, không có quyền bầu cử, không có báo chí độc lập…”

Ông Trần Khuê Đức cho rằng: “Người dân Trung Quốc mong có những quyền cơ bản như các nước Âu Mỹ: quyền bầu cử đích thực, tự do ngôn luận, tự do học thuật, đây là những quyền vô cùng quan trọng…”

Theo Trithucvn