Vừa qua, hãng tin news.com.au của Australia đã công bố loạt bài phơi bày những sự thật kinh hoàng trong nhà tù Trung Quốc. Qua lời kể của các nạn nhân hiện đang sống tị nạn tại xứ sở ‘chuột túi’, những hành vi tàn bạo này đã được đưa ra ánh sáng.
“Anh Lưu Kim Đào (Jintao Liu) rùng mình trong đau đớn khi phải chịu đựng thêm một ngày tra tấn khắc nghiệt”, trích bài viết đầu tiên trong loạt bài của news.com.au.
Anh tỉnh giấc vì bị cắm kim vào móng tay, sau đó anh bị ép phải đứng im trên một cái sân suốt khoảng 18 tiếng. Nếu di chuyển, anh sẽ bị đánh đập tàn nhẫn.
Chân của anh sưng vù vì đứng quá lâu, anh không được phép rời khỏi vị trí, kể cả muốn đi vệ sinh. Thời gian trở thành kẻ thù của anh – nhưng chưa phải là tồi tệ nhất.
Đó là một ngày bình thường của anh Lưu trong quãng thời gian dài bị giam giữ tại một loạt các trung tâm giam giữ Bắc Kinh và trại lao động từ năm 2006 – 2009.
Ở những nơi đó, anh đã phải chịu những cú sốc điện, kiểm tra y tế mà nhiều khả năng là để thu hoạch nội tạng, bị bức thực, đánh đập, bị cưỡng dâm một cách bạo lực và các hình thức tra tấn dã man khác.
Nhưng một hình thức tra tấn đặc biệt man rợ và đã để lại những vết thương tâm lý sâu sắc nhất đối với anh.
“Vụ việc gây chấn động với tôi nhất là khi họ – bốn người (lính gác) lột hết quần áo của tôi, và dùng bàn chải nhà vệ sinh chọc vào hậu môn của tôi, nói rằng họ sẽ chọc cho đến khi tôi chuyển sang đồng tính“, anh Lưu nói trên news.com.au.
“Họ kéo lông mu của tôi và nghịch bộ phận sinh dục của tôi”.
‘Tội’ duy nhất của anh là tu luyện Pháp Luân Công, một môn khí công dựa trên các nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn”.
“Nhưng có lẽ điều gây sốc không kém là việc chính quyền Trung Quốc đã thực hiện những hành vi tàn bạo về nhân quyền này đối với các công dân vô tội và các tù nhân bị kết án trong suốt gần hai thập kỷ qua, bao gồm cả việc thu hoạch cưỡng bực nội tạng. Và điều này vẫn đang xảy ra ngày nay”, trích bài viết của news.com.au.
Anh Lưu Kim Đào đã phải chịu đựng sự tra tấn và lạm dụng nghiêm trọng trong nhiều năm qua tại Bắc Kinh, Trung Quốc, chỉ vì niềm tin của mình.
Cấm ngủ và biệt giam
Anh Lưu từng có một sự nghiệp đầy hứa hẹn phía trước trong lĩnh vực công nghệ hóa học trước khi anh bị cướp tự do và phải chịu đựng những năm tháng tồi tệ nhất của cuộc đời mình.
Anh là một sinh viên học công nghệ hóa học tại Đại học Dầu mỏ Trung Quốc, thường đạt điểm cao và được bạn bè quý mến. Anh cũng được biết đến là một học viên Pháp Luân Công.
Anh Lưu cho biết một số sinh viên đã ghen tị khi nghĩ rằng anh sẽ có một sự nghiệp dễ dàng sau khi ra trường, và vì vậy đã tố cáo anh luyện Pháp Luân Công với chính quyền.
“Cảnh sát bắt tôi mà không đưa ra lý do nào, chỉ bởi vì họ tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công trong máy tính của tôi ở trường”, anh Lưu nói.
Sau khi bị bắt, anh Lưu đã bị chuyển thẳng đến một trung tâm giam giữ và ở đó một tháng.
“Không có thủ tục hợp pháp, không có thẩm vấn”, anh cho biết.
“Khi tôi bắt đầu bị giam giữ, tôi bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ, trong một thời gian dài mà không được di chuyển”.
“Tôi bị bắt phải ngồi ở đó cả ngày và không được sử dụng nhà vệ sinh”.
“Khi họ thấy rằng việc đó không có tác dụng (làm thay đổi niềm tin của tôi), họ đã bắt tôi đứng dậy. Tôi phải đứng cả ngày, cho đến khi đôi chân sưng vù. Khi thấy điều đó không hiệu quả, họ giảm giờ ngủ của tôi. Họ đánh thức tôi dậy bằng cách cắm một cái kim vào móng tay của tôi. Nếu bạn ngủ ba giờ, nó sẽ trở thành hai, sau đó là một, sau đó là không được ngủ. Họ sẽ tiếp tục tra tấn bạn theo cách này cho đến khi bạn chịu phục tùng”.
Anh Lưu cuối cùng bị nhốt biệt giam trong một năm. Anh cho biết cũng chính niềm tin vào Chân – Thiện – Nhẫn đã giúp anh vượt qua những ngày đen tối nhất của mình.
“Tôi đã cố gắng để làm theo các nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn và không hành động với lòng hận thù hay bạo lực”, anh Lưu nói với news.com.au.
“Lúc đó nỗi sợ hãi chủ yếu của tôi là tôi có thể không chịu đựng sự tra tấn, lạm dụng và rằng sẽ từ bỏ”.
Anh Lưu nói rằng cuối cùng anh “không thể chịu đựng được nữa” và đã đồng ý ký một tuyên bố rằng anh sẽ ngừng luyện Pháp Luân Công.
Nay, anh Lưu muốn lên tiếng lên án những hành động tàn bạo trong nhà tù mà anh đã phải trải qua.
Sốc điện
Học viên Pháp Luân Công Hongbin Lin, 43 tuổi, là một sĩ quan hải quân trong quân đội Trung Quốc, đã bị lôi từ “thiên đường xuống địa ngục” khi ông bị bức hại vì niềm tin của mình.
Ông bị giam một năm rưỡi trong một trại lao động cưỡng bức, mặc dù không bị kết án. Sau khi được thả ra khỏi trại giam, ông đã viết “Pháp Luân Công hảo” trên một biểu ngữ trong năm 2002.
Đó là một hành động khiến ông bị buộc tội “vi phạm pháp luật” và bị kết án 6 năm tù giam.
Ông Lin cho biết ông đã bị đưa ra xét xử sau vụ bắt giữ thứ hai, nhưng không có hy vọng được thả tự do vì các luật sư đại diện cho các học viên Pháp Luân Công “không được phép bào chữa vô tội” cho thân chủ. Một số luật sư bào chữa vô tội cho các học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và tống giam.
“Không có tự do ngôn luận ở Trung Quốc”, ông Lin nói với news.com.au.
Ông Lin cho biết ông đã phải chịu đựng những cú sốc điện từ các cai ngục, các tù nhân hình sự đã giúp cai ngục bức hại các học viên Pháp Luân Công.
“Sau ngày thứ ba ở trong tù, vì tôi từ chối thừa nhận rằng tôi đã phạm tội, một tên cai ngục bắt đầu tra tấn tôi bằng các phương pháp khác nhau, chẳng hạn như gây sốc tôi bằng dùi cui điện”, ông nói.
“Sẽ có hai cái dùi cui điện, hai cảnh sát, phạm nhân ở xung quanh tôi. Họ đè tôi xuống, giẫm lên chân tôi, một số nắm lấy cánh tay của tôi, xoắn chúng phía sau lưng tôi. (Một trong số họ) ấn tôi xuống sàn nhà, hai chân tôi bị hơn 10 người dẫm đạp lên. Sau đó, họ sốc điện vào đầu, mặt và phần dưới cơ thể của tôi. Họ sốc điện tôi cho đến khi dùi cui điện hết pin”.
“Sau khi sốc điện tôi, họ cùm chân tôi vào khung giường sắt và không cho tôi ngủ, có đợt còn kéo dài tới 15 ngày”.
Ông Lin ngủ bên cạnh một nhà vệ sinh trong khoảng một năm. Không gian sống của anh còn “hẹp hơn cả một chiếc ghế, dài khoảng 1-2m”.
“Tôi thường bị buộc phải nằm trên mặt đất với hai bàn tay bị trói phía sau“, ông nói.
“Tôi cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng, cả về thể xác lẫn tinh thần”.
Các lính canh đối xử con người còn tồi tệ hơn cả chó, ông cho biết.
“Thức ăn được đặt trên sàn nhà cáu bẩn, mà không có bàn“, ông Lin nói.
“Cảnh sát đối xử với các phạm nhân và chúng tôi theo ý thích của họ, đánh chúng tôi khi họ thích, la mắng chúng tôi khi họ thích, làm nhục chúng tôi khi họ thích”.
“Cảnh sát có thể nguyền rủa chúng tôi bất cứ khi nào họ muốn. Họ có thể chửi bới và đánh chúng tôi bất cứ lúc nào”.
Ông Lin cho biết ông đã chứng kiến nhiều tù nhân chính trị khác bị tra tấn và làm nhục trong thời gian ông bị giam giữ.
“Một trong những quản giáo của nhà tù đã lột hết quần áo của một tù nhân ra trước mặt các tù nhân khác, lạm dụng anh nơi công cộng, phơi anh ra ngoài trời như một cách làm nhục anh vì cho rằng anh ấy đã không làm đủ công việc lao động”, ông Lin nói.
“Tôi đã khá tuyệt vọng. Đảng Cộng sản Trung Quốc không đối xử với người dân như con người và không có nhân tính. Vì vậy tôi không biết tương lai sẽ ra sao, hay chuyện gì sẽ xảy ra với tôi vào ngày hôm sau”.
Ông cho biết, một số tù nhân bị tra tấn đến chết.
“Tôi cảm thấy rất khác so với Úc, ở một đất nước tự do“, ông nói.
“Ở đây người dân thậm chí còn không muốn làm tổn thương động vật và có sự tôn trọng đối với người dân, con người”.
“Ở Trung Quốc, không có sự tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm”.
Đánh gẫy xương
Bà Chang Zhi Yue, 78 tuổi từng là một kỹ sư điện ở một bộ phận hàng không và là một họa sĩ. Chỉ vì tập Pháp Luân Công, bà bị giam 4 năm ở nhà tù nữ Bắc Kinh. Tại đó, bà bị tra tấn dã man, mặc dù chưa bao giờ bị kết án tội danh nào.
“Ở trong tù, tôi bị nhiều lần tra tấn kéo dài theo nhiều cách khác nhau“, bà nói với news.com.au.
“9 cảnh sát tra đã đánh tôi trong 5 tiếng đồng hồ khiến tôi bị gãy nhiều đốt xương sống, cột sống thắt lưng bị biến dạng và nhô ra bên trái và phía trước, và một khung xương chậu bị biến dạng”.
“Một người đàn ông đột nhiên xuất hiện, túm lấy tôi và ấn tôi xuống sàn nhà. Họ đánh tôi, đánh rất mạnh, và họ bẻ tay tôi”.
“Ai đó ép tôi xuống sàn nhà, sau đó đẩy tôi ngồi lên, rồi kéo 2 chân tôi sang hai bên”.
“Đôi chân tôi không thể tự nhiên mở ra rộng thế, vì vậy họ cho vài người kéo chân tôi ra cùng một lúc, kéo, ép, dẫm lên hai chân của tôi”.
“Lúc đó, tôi nghe thấy tiếng ‘rắc, rắc’, một xương hông của tôi bị vỡ. Sau đó, các xương ở lưng của tôi cũng bị vỡ”.
“Sau đó, ông ta hỏi tôi khi tôi đã gần như bất tỉnh là tôi có tiếp tục luyện Pháp Luân Công hay không”.
Bức thực
Bà Fengying Zhang, 66 tuổi, bị bắt cóc khỏi nhà và bị đưa đến một trung tâm giam giữ, sau đó là một trại lao động vào năm 2013 vì tập Pháp Luân Công. Bà cũng chưa bao giờ bị đưa ra xét xử.
Bà Zhang cho biết bà đã tuyệt thực sau ba ngày để phản đối việc bỏ tù.
“Tôi bị ép ăn hai lần trong năm 2000 khi tôi tuyệt thực”, bà Zhang nói với news.com.au.
“Lần đó khi họ ép tôi ăn, đã có bốn người, hai trong số họ giữ đầu của tôi, trong khi hai người kia dẫm lên chân tôi. Họ ép tôi ngửa mặt lên trời, và bắt đầu ép ăn tôi, và tôi bắt đầu bị nghẹn”.
“Họ đặc biệt tàn bạo, khi ông ta đưa ống dẫn thức ăn vào, ông ta không làm nó từ từ. Ông ta ấn nó vào qua mũi, xuống đến dạ dày của tôi. Nếu ống đi sai đường, nó có thể đâm thủng phổi”.
“Tôi nghẹn và ho ra chất lỏng màu vàng, cho đến khi cổ dính đầy chất đó”.
“Sau khi họ làm xong, tôi cảm thấy như mình bị ngạt thở và đứng trước cái chết”.
“Sau đó họ bắt đầu bức thực tôi hàng ngày”.
Điều gì đã xảy ra và tại sao?
Các nạn nhân trên chỉ là một số nhỏ trong hàng ngàn người bị bắt giam tại các nhà tù và trại lao động tồi tệ nhất của Trung Quốc chỉ vì tập Pháp Luân Công.
“Vào những năm 1990, Pháp Luân Công đã trở nên quá phổ biến với ước tính khoảng 100 triệu học viên, nhiều hơn cả số lượng Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và điều này đã khiến cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân ra lệnh cấm môn tập này vào năm 1999”, news.com.au viết.
Bác sỹ Sophia Bryskine, người phát ngôn của tổ chức Các bác sĩ chống mổ cướp nội tạng (DAFOH) Australia cho biết cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công vẫn rất phổ biến và nhiều người bị bắt giam mà “không thông qua thủ tục tố tụng pháp lý”.
Bác sĩ Bryskine cho biết Trung Quốc có những hành động tàn bạo về nhân quyền được nhà nước phê chuẩn đối với lượng lớn người dân. Cô cũng cho rằng Australia cùng với các quốc gia khác cần phải hành động và lên án tội ác này.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Úc về cả hàng hóa và dịch vụ, chiếm gần một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu, và là một nguồn đầu tư nước ngoài đang tăng trưởng.
“Nhưng chúng ta thực sự biết gì về đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta?”, news.com.au đặt ra câu hỏi.
“Đáng buồn là những nhận thức toàn cầu về nạn giết người hàng loạt đang diễn ra ở Trung Quốc vẫn còn rất hạn chế“, bác sĩ Bryskine nói.
Kể từ khi chính quyền Trung Quốc cấm Pháp Luân Công, họ đã giam giữ hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn các học viên Pháp Luân Công, theo một báo cáo năm 2008 của Ủy ban của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc.
“120 trang web của chính phủ Trung Quốc thường xuyên báo cáo về các vụ bắt giữ ‘các nghi phạm’ Pháp Luân Công và một số cơ quan cấp tỉnh và địa phương treo phần thưởng 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17 triệu đồng) cho những người cung cấp thông tin về các ‘tội phạm bỏ trốn’ Pháp Luân Công”, bài báo viết.
Vào năm 2006, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tra tấn, ông Manfred Novak, kết luận rằng 66% các tù nhân ở Trung Quốc là học viên Pháp Luân Công.
Báo cáo năm 2014 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về nạn cảnh sát tra tấn và ngược đãi các nghi phạm đã tiết lộ rằng tra tấn vẫn là thói quen bám rễ trong các nhà tù Trung Quốc, các cảnh sát thì coi thường các quy định, các tòa án thì phớt lờ quy tắc về việc loại bỏ các bằng chứng và lời khai thu được từ việc tra tấn.
Vào tháng 12/2015, Ủy ban Liên hợp quốc về chống tra tấn đã yêu cầu Bắc Kinh báo cáo về tiến bộ thực hiện các lĩnh vực quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về chống Tra tấn.
“Ủy ban vẫn quan ngại sâu sắc về các báo cáo đều chỉ ra rằng hoạt động tra tấn và ngược đãi vẫn còn ăn sâu trong hệ thống tư pháp hình sự của Trung Quốc, trong đó hệ thống này quá dựa vào những lời khai làm cơ sở để kết án“, Ủy ban này cho biết.
Tại phiên điều trần kéo dài hai ngày để xem xét hồ sơ về tình trạng tra tấn của Trung Quốc, được tổ chức lần đầu tiên kể từ năm 2008, chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận họ giam giữ các tù nhân chính trị và nói rằng họ đã cấm tra tấn, làm nhục tù nhân.
Nhưng theo các nhân chứng, chính những người bị bức hại vì niềm tin là đối tượng chính của nạn tra tấn, lạm dụng và giết người tàn bạo nhất tại các trại cải tạo của Trung Quốc.
Một số người đã thoát khỏi cuộc bức hại và tái định cư tại Úc sau khi được cấp quy chế tỵ nạn. Họ đã chia sẻ những câu chuyện gây sốc của mình với news.com.au để phơi bày quy mô và mức độ nghiêm trọng của tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc và hy vọng sẽ sơm kết thúc tội ác này.
Bài viết tiếp theo của news.com.au sẽ tiết lộ thông tin về các trung tâm tẩy não bí mật của Trung Quốc, nơi các tù nhân bị buộc phải xem các video tuyên truyền cho đến khi họ đồng ý từ bỏ đức tin.
Theo Daikynguyenvn