Kể từ khi phong tỏa Vũ Hán, người dân đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thiếu vật tư y tế và nhân lực một cách trầm trọng. Các phương tiện truyền thông Mỹ tiết lộ, khu dân cư Tả Lĩnh, Vũ Hán là một kiểu mẫu thất bại trong phòng chống dịch bệnh ở địa phương. Sau khi dịch bệnh bùng phát, một quan chức phụ trách đã ra lệnh, không được tiết lộ quá nhiều tình hình dịch bệnh cho người dân.
Tân Thành, Tả Lĩnh, Vũ Hán là một khu dân cư nhộn nhịp, cách chợ hải sản Hoa Nam Trung Quốc khoảng 35 km, là nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên. Tờ New York Times đưa tin, vào ngày 2/3, với sự lây lan của virus, Tả Lĩnh đã trở thành một điểm nóng lây nhiễm ở Vũ Hán.
“Tôi thật không dám nghĩ những điều này sẽ xảy ra với gia đình chúng tôi”, Trương Kính – một cư dân của Tả Lĩnh nói rằng, gia đình 4 người gồm cha mẹ, vợ và chính anh đều bị lây nhiễm virus corona mới (COVID-19).
Trương Kính là một tài xế lái xe cho trường học, anh nói rằng: “Chúng tôi đã mất đi lòng tin, không ai chịu trách nhiệm cho việc này cả”.
Tả Kim Kim, 31 tuổi, là nhân viên công tác của Ủy ban Cư dân Tả Lĩnh, anh biết rõ ràng virus đã đến Tả Lĩnh vào ngày 19/1, anh và các nhân viên khác trong khu dân cư được hướng dẫn để trông coi một gia đình bị nghi ngờ là lây nhiễm bệnh. Người phụ nữ 69 tuổi của gia đình đó đã được đưa đến bệnh viện, chồng của bà bị cách ly ở trong nhà.
Vợ của Tả Kim Kim là y tá, đã nói với anh hồi tháng 12/2019 rằng Vũ Hán có người nhiễm phải một loại virus bí ẩn. Nhưng các nhà lãnh đạo thành phố muốn tất cả mọi người yên tâm nên nói rằng virus này không lây nhiễm cao.
Một quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phụ trách khu vực cũng ban hành một mệnh lệnh khác cho cấp dưới của mình: “Không được tiết lộ quá nhiều tình hình cho người dân, tránh gây hoang mang trước năm mới”.
Tả Kim Kim nói: “Có quá ít tin tức vào thời điểm đó, khiến cư dân Vũ Hán lơ là. Ngay cả tôi cũng tưởng rằng đó chỉ là một bệnh cúm thông thường, có lẽ không sao, cho đến khi có người chết”.
Cư dân lâm vào khổ cực lầm than
Sau khi dịch bệnh bùng phát, khu dân cư Tả Lĩnh trở nên hỗn loạn, cư dân lâm vào khổ cực lầm than. Ở đây cũng không có đủ khẩu trang, thuốc sát trùng hoặc nhân viên vệ sinh. Mọi người chen chúc vào một siêu thị lớn duy nhất để tích trữ hàng hóa và vật tư. Chính quyền chỉ định bệnh viện công lập tiếp nhận bệnh nhân cách Tân Thành, Tả Lĩnh khoảng 16 km, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Vào ngày 23/1, Vũ Hán đột nhiên đóng cửa thành phố, con gái của Lý Vọng Kiều – cư dân của Tả Lĩnh và là một người quản lý tài sản bắt đầu bị sốt. Người nhà lái xe chở con gái đến một bệnh viện địa phương lớn hơn, nhưng trong bệnh viện có hơn 100 người xếp hàng chờ để khám bệnh, một số bệnh nhân còn ngã xuống đất.
Lý Vọng Kiều nói: “Không có bác sĩ nào, bệnh nhân quá đông, không thể tưởng tượng được nỗi kinh hoàng lúc đó”.
Trung tâm y tế cộng đồng Tả Lĩnh mở cửa vào năm 2017, chỉ có 99 giường bệnh, quá ít so với hàng trăm bệnh nhân tăng đột biến hàng ngày. Chỉ có thể để cho nhiều bệnh nhân bị sốt về nhà, tự cách ly.
Cư dân địa phương nói, cách làm này khiến cho virus không ngừng lan rộng, cả nhà đều bị lây nhiễm, từ ông bà truyền nhiễm đến cháu chắt, từ nhà này truyền sang nhà khác.
Theo ghi chép của khu dân cư, vào ngày 1/2, đã có 11 ca bệnh ở Tân Thành, Tả Lĩnh. Sau một tuần, đã biến thành 79 ca. Tính đến ngày 11/2, số ca nhiễm bệnh được chẩn đoán là 116, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Các quan chức kể từ đó đã ngừng công bố thông tin, khiến nhiều cư dân cảm thấy rất phẫn nộ. Trên mạng có người nói rằng có hàng trăm ca lây nhiễm ở Tả Lĩnh.
Một cư dân Tả Lĩnh đã chỉ trích: “Bởi vì các cơ quan chức năng chính phủ liên quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh không hiệu quả, làm cho ngày càng có nhiều người mắc phải bệnh viêm phổi này”.
Sau khi Lý Vọng Kiều đưa con gái về nhà từ bệnh viện, lá phổi của chính cô cũng đã bị tổn thương, cô và chồng con được yêu cầu phải ở trong nhà để cách ly.
“Sau đó khu dân cư gọi điện thoại cho chúng tôi, để chúng tôi đến khách sạn cách ly”, Lý Vọng Kiều nói.
Viên Gia Tường, một kỹ sư 41 tuổi bị sốt cao, cũng được đưa đến một khách sạn do chính quyền chỉ định để cách ly, nhưng anh nói rằng: “Cơ bản không có điều trị gì cả, chỉ nhốt bệnh nhân ở trong đó”. “Khi đó tôi cảm thấy khá thất vọng, bởi cơn sốt dai dẳng này không được điều trị đúng cách”.
Trương Kính sau đó bị cô lập trong sân vận động, nhưng mẹ của anh đã qua đời không lâu sau khi đến bệnh viện. Trương Kính từng cầu xin bác sĩ cho phép anh và mẹ nói lời từ biệt cuối cùng nhưng đã bị từ chối.
Minh Huy (Theo NTDTV)