Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che giấu dịch bệnh đã khiến cả thế giới lên án và yêu cầu truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, sau đó ĐCSTQ lại tiếp tục gây thù chuốc oán với thế giới khi cưỡng ép thông qua Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông, gây hấn ở Biển Đông, và gây xung đột biên giới Trung-Ấn. Truyền thông Hồng Kông nói rằng, ĐCSTQ đang bị vây khốn tứ bề và không có đến một “người bạn” thực sự.
Trong khi virus Vũ Hán vẫn đang lan rộng trên toàn thế giới, Bắc Kinh đã phớt lờ sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, tiếp tục cưỡng ép đưa ra luật an ninh quốc gia nhằm hủy hoại chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông. Trong nước thì đàn áp mạnh mẽ những người bất đồng chính kiến, ở nước ngoài thì hung hăng hiếu chiến, thách thức các quy tắc của trật tự thế giới hiện tại. Tất cả những điều này đã buộc Hoa Kỳ phải hợp lực với các đồng minh cùng chống lại ĐCSTQ.
Gần đây mâu thuẫn Trung-Mỹ càng lúc càng trở nên ác liệt khi 2 nước quyết định đóng cửa các lãnh sự quán của đối phương. Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ tiết lộ rằng, Hoa Kỳ có thể đóng cửa nhiều lãnh sự quán Trung Quốc hơn nữa. Tổng thống Mỹ Trump cũng nói rằng, việc đóng cửa nhiều lãnh sự quán hơn nữa là điều luôn có thể xảy ra.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã có bài phát biểu đối với Trung Quốc vào ngày 23/7, kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết với người dân Trung Quốc và yêu cầu chính quyền ĐCSTQ phải thay đổi. Một số nhà bình luận cho rằng, đây cũng giống như là hiệu lệnh cho các nước trên thế giới cùng nhau tổ chức một “liên minh chống Cộng sản”, cùng nhau gây áp lực lên ĐCSTQ, bao vây ĐCSTQ, cô lập ĐCSTQ, về cơ bản chính là muốn khởi động một cuộc “Chiến tranh lạnh mới” mang tính toàn thế giới.
Hiện tại, Hoa Kỳ đã điều động nhiều máy bay chiến đấu trong hơn mười ngày nay, liên tục tuần hành và trinh sát ở Biển Đông, hơn nữa tần suất cũng tăng lên đáng kể, thậm chí đã tiếp cận sát vùng lãnh hải của Quảng Đông và Phúc Kiến, đồng thời quân đội Hoa Kỳ cũng đã điều 2 tàu sân bay đến diễn tập tại khu vực biển Đông.
Hơn 60 máy bay ném bom chiến lược hạng nặng của Không quân Hoa Kỳ bao gồm B-2 “Spirit”, B-52 “Stratofortress”, B-1B “Lancer” và các máy bay ném bom chiến lược hạng nặng khác cũng đang đợi lệnh ở 6 căn cứ không quân của Hoa Kỳ. Dường như quân đội Hoa Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công cục bộ quy mô lớn.
Gần đây, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc đã đến Hoa Kỳ để bắt đầu các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Úc trong việc liên thủ thực hiện các biện pháp đối phó nghiêm ngặt hơn đối với ĐCSTQ. Mà Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ cũng đã tiến hành hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn.
Tờ “Asia Times” của Hồng Kông đưa tin, tuần trước, Hoa Kỳ đã cùng với các đối tác và đồng minh dân chủ của mình như Úc và Nhật Bản, tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Hoa Kỳ cũng đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Ấn Độ cũng trong tuần đó. Bốn nước này đã hình thành một liên minh quốc phòng “tứ diện”. Đó cũng chính là xây dựng một “vòng cung dân chủ” của châu Á nhằm bao vây ĐCSTQ chuyên quyền.
Cuộc tập trận quân sự này được tiến hành sau khi Hoa Kỳ tuyên bố một chính sách lớn về Biển Đông. Ông Pompeo nói trong tuyên bố: Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hàng hải ở hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, hành vi đó đích thị là hành động bắt nạt.
Hoa Kỳ hiện đang ra sức để giúp Ấn Độ trở thành trụ cột vững chắc hơn của liên minh “tứ diện”. Ấn Độ lần đầu tiên được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 do Hoa Kỳ tổ chức. Các nước G7 theo thứ tự gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản.
Tổng thống Trump tuyên bố rằng, ông dự định mở rộng hội nghị thượng đỉnh G7 thành hội nghị thượng đỉnh gồm 11 quốc gia, bao gồm Nga, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ được thêm vào hội nghị thượng đỉnh. Động thái này là nhằm đối kháng với ĐCSTQ.
Vào ngày 29/7, tờ “Apple Daily” của Hồng Kông trong một chuyên đề có tên “Thế giới bao vây ĐCSTQ” có nói rằng, ĐCSTQ đang bị vây khốn tứ bề, không có đến một “người bạn” thực sự.
Báo cáo dẫn lời Dương Đạt Diêu, Chủ nhiệm Trung tâm Văn Hiến châu Âu của trường Đại học Baptist Hồng Kông cho biết, ĐCSTQ cũng cảm thấy rằng bản thân mình trong cuộc đối đầu Trung-Mỹ là rất thụ động, không có nhiều biện pháp phản công.
Sau Thế chiến 2, Hoa Kỳ luôn là cường quốc nước ngoài quan trọng nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sức mạnh quốc gia, số lượng đồng minh và ảnh hưởng cũng là mạnh nhất, cho nên sẽ nắm giữ quyền chủ động, đồng thời cũng có nhiều lựa chọn trong việc áp chế Trung Quốc.
Ông nói rằng, còn về phía ĐCSTQ, các quốc gia thân cận duy nhất và có sức mạnh nhất định chỉ có Nga và Iran. Tuy nhiên, Iran cũng đang chịu sự trừng phạt của Hoa Kỳ và nền kinh tế của nước này cũng đang bị tổn hại nghiêm trọng.
Ngoài ra Iran cũng cách rất xa Trung Quốc, căn bản không giúp được gì nhiều cho phía Trung Quốc. Nga mặc dù giáp giới với Trung Quốc, thế nhưng sau khi bùng nổ cuộc xung đột đẫm máu ở biên giới Trung-Ấn, Nga vẫn bán nhiều máy bay chiến đấu tân tiến cho Ấn Độ, khiến người ta nghi ngờ về mức độ đáng tin cậy của Nga.
Theo Hứa Trinh, Tổng thanh tra sở nghiên cứu của Viện nghiên cứu Trí Minh Hồng Kông cho biết, về mặt hình thái ý thức và thế giới quan, thì các đồng minh của Mỹ vượt xa ĐCSTQ về số lượng, chất lượng và lực hướng tâm. Các quốc gia được gọi là thân thiện với ĐCSTQ đều là dựa trên lợi ích kinh tế và thương mại ngắn hạn. Ngoại trừ các doanh nhân hoặc quan chức cá biệt, thì rất nhiều người dân địa phương đều không có tình cảm đặc biệt với ĐCSTQ.
Về việc hầu hết các nước phương Tây đều bắt đầu thay đổi thái độ đối với ĐCSTQ, Hứa Trinh cho rằng, đây là do thái độ cùng phương thức phát triển của ĐCSTQ có vấn đề. ĐCSTQ đang ngày càng xa rời các nền dân chủ phương Tây về nhân quyền, tự do và quản lý nhà nước. Do đó khó mà tiếp tục có được sự tín nhiệm và hợp tác từ các nước Phương Tây.
Ông nói rằng, thay vì nói các nước phương Tây cùng tham gia ngăn chặn ĐCSTQ, nói một cách đúng hơn là các nước phương Tây sẽ ngăn chặn việc thua lỗ và giữ khoảng cách với ĐCSTQ để ngăn chặn việc xã hội bị xâm nhập quá rộng rãi, tránh tổn thất trong tương lai khi các cuộc xung đột trực diện với ĐCSTQ xảy ra. Ông cho rằng, cách mà Trung Quốc phát triển không thể dung hòa với các quốc gia phương Tây, đồng thời nó lại có âm mưu lật đổ cả thế giới nên mới phải nhận kết quả thảm thương như ngày hôm nay.
Minh Huy (Theo NTDTV)