Năm mới đã đến, từ khắp làng quê đến phố phường, người người đều đang tưng bừng đón Tết. Thế nhưng, đâu đó ở ngoài kia, vẫn còn có những mảnh đời không một mái nhà, sống cảnh đời vất vả ngược xuôi…
Gió chướng thổi mạnh hơn thường ngày. Bụi và mấy miếng giấy vụn, bao nhựa cuốn bay theo hè phố đông người. Nắng chiều vàng rực nhưng không chói chang dễ gợi nỗi buồn cho người xa xứ.
Sắp Tết rồi!
Bên lề đường, cạnh ngôi đình Ngọc Hoàng cổ xưa có hai ông bà già ngồi trầm tư. Bằng đôi mắt buồn, bà già nhìn chợ Tết đang diễn ra với các cửa hàng bán nhiều hàng hóa, bánh mứt; với hàng dưa hấu bên kia đường, điểm bán hoa và trái cây như khóm, mãng cầu để chưng bàn thờ; sạp gỗ nhỏ treo đầy giấy lì xì, liễn, câu đối đỏ.
Còn ông già với cây sáo trúc và đôi mắt mù nên không thể nhận diện đường phố những ngày giáp Tết mà ông lắng nghe bằng đôi tai mớ âm thanh ồn ào, lộn xộn của góc phố quen thuộc… Rồi ông nhận ra ngoài tiếng ồn của xe cộ, của tiếng kèn xe, tiếng nhạc xập xình từ quán cà phê gần đó… còn có thứ âm thanh khác dễ chịu hơn, cuốn hút hơn: “Hàng giảm giá bà con ơi. Mười lăm ngàn áo sơ mi, hai chục ngàn quần dài… Tết tới rồi”. Tiếng rao hàng xuất phát từ anh thanh niên đổ quần áo ra bán xổ gần đó.
“Người ta bán quần áo gì vậy bà?” – Ông già mù mân mê cây sáo trúc hỏi. Nhìn đôi mắt ông trắng dã không biết ông đang vui hay đang buồn.
“Đồ Sida” – Bà già tỏ ra rành rẽ mọi chuyện diễn ra trên lề đường.
“Là đồ gì? Sao bán rẻ vậy?”
“Ờ! Quần áo đẹp mà ế, bán rẻ cho hết…”
“Phải chi…” – Ông già mù nói được hai tiếng thì ngập ngừng rồi lặng im. Ông thở dài thật khẽ…
Bà già nhìn ông bằng đôi mắt tội nghiệp nhưng đầy cảm thông. Trong thâm tâm bà cũng muốn mua cho ông một bộ đồ mặc vào Tết nầy. Đồ cũ của ông đã rách, vá víu nhiều chỗ. Nhưng nói là giảm giá mà quần áo đó vẫn còn mắc so với mấy đồng tiền kiếm được nhờ vất vả ăn xin của ông. Bà già nghĩ bụng sẽ dè xẻn hơn để làm vui lòng người bạn già không có chút ánh sáng trong cuộc đời. Còn bây giờ thì…
Bà già lắc vai ông nói: “Mình đi ông ! Xế chiều… lâu rồi”.
Bà già lết ra sau lưng ông già mù. Lúc này mới thấy hai chân của bà không đi được, nó bị teo rút. Ông già ngồi xổm lưng lấy thế cho người bạn già chồm lên lưng mình. Ông đứng lên cõng bà dò từng bước đi dọc theo hè phố dần tắt ánh nắng chiều.
Cõng người bạn già nhẹ tênh trên lưng, ông già lần bước theo sự chỉ dẫn của bà. Rồi họ dừng lại bên một góc phố đông người. Bà già ngồi dưới đất, ông già đứng thẳng người bắt đầu thổi sáo. Hai bàn tay với những ngón tay khẳng khiu nhỏ xíu của ông như nhảy nhót trên mấy lỗ sáo tròn. Từng chuỗi âm thanh nhẹ như gió thoát ra. Tiếng sáo trúc của ông già mù bay khắp phố xuân, lúc dìu dặt, lúc du dương, khi trầm khi bổng buồn bã làm sao.
Người buôn bán dọc hai bên hè phố quá quen thuộc với hình ảnh hai ông bà già ăn xin nầy. Ông già mù còn đôi chân, bà già què còn đôi mắt sáng. Họ nương tựa nhau đi xin, nương tựa nhau ăn gởi nằm nhờ bên đình Ngọc Hoàng, tuy hai nhưng chỉ là một. Và có một điều mà nhiều người chưa biết về họ. Họ không phải là vợ chồng mà chỉ là bạn. Gió bụi phố phường đưa đẩy họ tới gần nhau, dựa vào nhau để sống nốt những ngày cuối cuộc đời.
***
Chiều ba mươi Tết. Phố phường vắng vẻ. Mấy sạp hàng cuối cùng đang được dọn dẹp. Mấy chị công nhân đang quét rác, xe đi lấy rác lăn bánh chầm chậm theo lề đường. Vài chiếc xe gắn máy chạy qua. Mấy cánh chim én chao lượn trên đường nhựa rồi vọt lên đảo quanh mái nhà.
Gió chướng thổi qua hè phố xôn xao nỗi buồn…
“Tết, cậu… về quê hả?” – Bà già què hỏi cậu thanh niên bán quần áo Sida đang sắp xếp quần áo lại để dồn vô cái bao nhựa. Ông già mù ngồi cạnh bên bà nghiêng nghiêng cái đầu dường như muốn lắng nghe.
“Dạ không! Quê cháu ở đây!” – Anh thanh niên bán đồ Sida trả lời, tay vẫn tiếp tục gom áo quần lại xếp sơ sài rồi nhét đại vô bao.
Cậu ta chợt hỏi: “Còn hai ông bà, nhà cửa ở đâu?”
“Kia kìa!” – Bà già hất đầu về hướng đình Ngọc Hoàng – “Tối nào tui với ổng cũng ngủ ở trỏng. Khuya nay giao thừa người ta đi cúng đình nhiều, chắc kiếm ăn được”.
“Tết, người ta ăn xài rộng rãi hơn ngày thường” – Cậu thanh niên nhận xét – “Hàng hóa cái gì cũng lên giá mà bán như tôm tươi. Chỉ có đồ Sida thì… giảm giá mà… còn ế!”
Nghe vậy, bà già vội lên tiếng: “Có bộ nào… rẻ hết sức rẻ không cậu? Tui muốn “sắm” cho ổng một bộ… mặc Tết!”
“Ông già mặc đồ Sida… coi mắc cười lắm ha!” – Nghe hỏi vậy, cậu thanh niên cười khà, đùa vui – “Quần áo loại nầy của người trẻ tuổi như tụi cháu mặc. Cỡ ông già thì…”
“Thây kệ! Miễn đồ mới…” – Bà già thở ra.
“Ờ! Tui mặc gì cũng được mà…” – Lúc nầy ông già mù mới lên tiếng.
Nghe ông nói, giọng run run, cậu thanh niên biết ông đang mang niềm hy vọng, như trẻ con, sẽ có bộ quần áo tươm tất hơn các bộ đồ mà ông đã mặc. Cậu ta nhìn ông rồi trút hết quần áo trong bao ra. Bà già lết lại gần cùng với anh thanh niên xốc mớ quần áo lên lựa đồ cho ông già mù.Một cái quần dài màu nâu, một chiếc áo sơ mi màu trắng mỏng dính.
Chỉ có bộ nầy là hợp với ông già. Ông già đưa hai bàn tay sờ mó bộ đồ mới. Nói là đồ Sida nhưng nó còn lành lặn, vải mới còn kêu sột sột và nghe thơm mùi vải… Ông khẽ gật đầu, ưng bụng lắm.
“Ông già biết bài ‘Ly rượu mừng’ không? Thổi bài đó nghe chơi. Còn bộ đồ nầy… cháu tặng ông!”
“Ý đâu được cậu” – Bà già mừng lắm nhưng thấy ngại – “Tui hỏi mua mà… Mắc rẻ gì cũng mua…”
Nhét bộ đồ vô tay ông già, cậu thanh niên giục ông thổi sáo: “Thôi mà. Nói tặng là tặng! Thổi bài đó… đi ‘bố’!”
Ông già mù lúng túng một hồi mới nâng cây sáo trúc lên. Ông dò mấy ngón tay định vị trí trên lỗ sáo rồi đưa cây sáo lên môi. Ông làm công việc nầy hết sức nghiêm túc. Đây là một bài nhạc dù đã xưa nhưng rất hay và ông thổi bài nầy để tặng một người tốt bụng.
Bài nhạc được ông diễn tấu trong tâm trạng hân hoan, vui mừng và tràn đầy hy vọng. Cậu thanh niên hát khẽ theo tiếng sáo của ông trong lúc thu dọn quần áo nhét vô bao. Còn bà già què, bà vẫn ngồi bên hè đường nhìn qua dãy phố đối diện, đôi mắt vô hồn.
***
Đêm giao thừa…
Đình Ngọc Hoàng tràn ngập khói nhang. Người đến cúng đình rất đông. Họ thắp những bó nhang lớn với tàn nhang đỏ rực. Họ bỏ tiền thật ra mua tiền giả, rồi đốt.
Ngay cổng chính vào đình, bà già què ngồi dưới đất chìa chiếc nón lá ra cầu xin: “Ông đi qua, bà đi lại thí chút lòng thương”.
Còn ông già mù thì khác.
Ông già với bộ đồ Sida còn mới, đứng cạnh cổng đình say sưa thổi sáo. Ông thổi lại nhiều lần bài nhạc mà hồi chiều cậu thanh niên bán đồ Sida yêu cầu. Đó là bài nhạc về mùa xuân đầy tin yêu, hy vọng; bài nhạc đã khiến ông cảm thấy cuộc đời nầy-dù sao đi nữa- cũng rất đáng yêu, đáng sống…
*Ly rượu mừng là một trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, sáng tác năm 1952, bài hát này ra đời trước thời điểm chia đôi đất nước và đã bị cấm trong nước hơn 40 năm. Ở miền Nam Việt Nam trước 1975, bài này luôn được nghe tới trong dịp tết. Bài hát này có âm điệu rộn ràng, tươi vui như một thông điệp, một lời chúc tết tốt đẹp nhất theo truyền thống dân tộc, tới mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội.
Theo Trithucvn