Tinh Hoa

Truyền hình thực tế đang tự dìm hàng

Cứ lớp sóng này đến lớp sóng khác, với các game show lên đến “đỉnh” của làn sóng hâm mộ, cuối cùng, có một quy luật đã hình thành: Các chương trình truyền hình thực tế càng đi sau càng tự dìm mình.

Nhiều cuộc thi “vét” không ra sao

Nếu như cách đây, “Sao Mai”, rồi “Sao Mai điểm hẹn” chiếm lĩnh sóng truyền hình và sự quan tâm của giới nghệ sĩ và công chúng, thì vài năm sau, đã bị Vietnam Idol “dìm hàng”, kế tiếp là “Tìm kiếm tài năng”, “Cặp đôi hoàn hảo”, “Giọng hát Việt”, “Giọng hát Việt nhí”, rồi “Nhân tố bí ẩn” thế chỗ. Hiện nay, khó ai qua mặt được chương trình có độ nóng và mới mẻ như “The Remix – Hòa âm ánh sáng”.

Tuy nhiên, theo nhiều bình luận viên, “The Remix” cũng dễ trở thành “pháo xịt” tương tự như “hình mẫu nhập về đã lỗi thời” – “Nhân tố bí ẩn”. Vì sao như vậy? Đơn giản là ngay như “Giọng hát Việt” đầy sức thu hút mùa đầu tiên cũng đã tự mình “dìm chết” mình, khi đi đôi với scandal quá nhiều, sự sắp xếp lộ rõ, bàn tay của đạo diễn, sự coi thường khán giả và những chuyện hậu trường của giám khảo.

Nhiều người cho rằng, nếu một chương trình sống bằng scandal, cầm cự bằng scandal thì cũng sẽ chết vì scandal. Điều này đã được chứng minh qua nhiều mùa của các chương trình tìm kiếm giọng ca mới. Ngay cả “Tìm kiếm tài năng” mới đây nhất cũng phải nhờ vào vụ “uống nhầm axít” để tập trung cao độ sự chú ý của dư luận, đi kèm là sự phẫn nộ cũng như “gạch đá” của cộng đồng mạng. “Nhân tố bí ẩn” cũng phải dụng chiêu cho thí sinh rút lui ở phần thi chung kết, để “bảo toàn” bí mật của hậu trường và để được chú ý, thay vì kết quả cũ mòn ai là quán quân không còn ai nhắc đến.

Đó là các chương trình đình đám, được đầu tư lớn nhất. Còn số phận chết yểu của các chương trình nhỏ hơn thì rất nhiều. “The winner is”, “Tuyệt đỉnh tranh tài”, “Chinh phục đỉnh cao”, “Ngôi sao Việt”, “Học viện ngôi sao”… đều tìm ra những quán quân cũng mờ nhạt không kém cuộc thi. Trong khi đó, các ngôi sao xuất hiện không kịp đáp ứng sự tỏa sáng như quảng cáo. Không nhiều ngôi sao có thực tài, bước ra từ cuộc thi, nhưng chất lượng cũng dần đi xuống. Mở đầu đỉnh của thời hoàng kim “Sao Mai điểm hẹn” là hai ngôi sao được phát hiện – Tùng Dương và Kasim Hoàng Vũ, cùng một loạt tên tuổi khác khá thành danh. Tiếp đó là thời hoàng kim của “Vietnam Idol” với Phương Vy, Quốc Thiên, Uyên Linh và thời của “Giọng hát Việt” với Hương Tràm. Còn càng về sau, hoặc ở trong tình cảnh vét không ra tài năng mới, hoặc nguồn cung không đào tạo kịp. Vậy là người ta chuyển tâm điểm chú ý sang tài năng trẻ em. Các gameshow như “Giọng hát Việt nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí” và thậm chí cả “Tìm kiếm tài năng”… mở ra những nguồn cung mới, nóng và sốt không kém. Từ đây bừng nở hiện tượng Phương Mỹ Chi và Thiện Nhân, cùng một loạt tên tuổi khác, và các sao nhí này đã bị “gặt hái” từ khi còn non.

Hài “đè bẹp” ca nhạc

Trong khi các chương trình ca nhạc gặp bế tắc vì khan hiếm tài năng, cũng như sự mới mẻ, thì các nhà sản xuất đã nhanh chóng nhận ra một loại chương trình khác có tính chất ăn khách thay thế. Đó là hài thực tế. Kết quả là “Người bí ẩn” vượt lên hàng đầu với tỉ lệ người xem vang dội, rồi “Gương mặt thân quen”, kế đó là “Ơn Giời, cậu đây rồi!”.

Sở dĩ những chương trình này thu hút khách là bởi có bộ ba danh hài Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, cùng đội ngũ diễn viên hài đông đảo, được ra chiêu thoải mái, kể cả những chiêu dễ dãi nhất, suồng sã nhất. Kết quả là khen – chê rất nhiều, chỉ cần như thế là đã thành công về mặt quảng cáo. Bên cạnh đó, mảng thi sắc đẹp cũng được thử nghiệm, tuy nhiên, mới mùa đầu cũng bị lu mờ, là “Hoa khôi áo dài” – “Đường đến vương miện”. Các mảng giải trí khác như thi nấu ăn, thi nhảy, thời trang, thiết kế… cũng được nhà sản xuất đầu tư, kết quả đôi khi còn khả quan hơn cả thi ca hát. Lý do, họ luôn phải có món thay thế phòng khi khán giả đã bội thực món cũ. Tuy nhiên, các tài năng, sao ca nhạc, nhảy múa cũng khan hiếm dần, nhiều thí sinh chỉ hoán đổi cuộc thi này, sang thi cuộc thi khác, chứ chất lượng cuộc thi không đảm bảo. Truyền hình thực tế chạy theo các yếu tố câu khách, chọc cười, hài nhảm, scandal, cuối cùng là sự sụp đổ của hiệu ứng domino là không tránh khỏi.

Theo Lao Động