“Truyện cổ tích” phiên bản Trung Quốc: “Người Đông Bắc bán diêm”
Vào ngày 27/9, cư dân mạng Twitter @Madoka_721 dựa trên truyện cổ tích nổi tiếng “Cô bé bán diêm” của nhà văn Andersen, mà biên soạn thành câu chuyện “Người Đông Bắc bán diêm”, châm biếm tình hình hạn chế điện của chính quyền Trung Quốc tại vùng Đông Bắc. Dưới đây là toàn bộ câu chuyện cổ tích mới này…
Màn đêm buông xuống, tuyết rơi đầy đường, tiết trời lạnh giá đáng sợ, đây là ngày cuối cùng được sử dụng điện trong năm ở Cát Lâm. Vào buổi tối lạnh lẽo và tối tăm này, một bạn Thỏ yêu nước, mặc trên mình bộ đồ Hongxing Erke bước đi trên đường phố.
Điện thoại Huawei của em chỉ còn chưa đến 20% pin, lần sạc tiếp theo không biết phải đợi đến khi nào, nhưng vừa nghĩ đến việc hạn chế điện là để chống lại đế quốc Mỹ, trong lòng em lại bừng lên một tia sáng ấm áp.
Bạn Thỏ ra đường để bán diêm. Bởi vì ở vùng Đông Bắc đang trong tình trạng hạn chế điện, diêm là một nhu cầu thiết yếu để sưởi ấm. Tiếc rằng, vì diêm là sản phẩm kém chất lượng được sản xuất trong nước, nên cả ngày cũng không bán được hộp nào.
Bạn Thỏ thật đáng thương! Em vừa lạnh vừa đói, run rẩy ngồi chỗ góc tường trước đồn công an, hai chân co quắp. Đâu đó từ tiệm cơm lại bay ra mùi thịt chó nướng thơm phức, khiến em lại càng cảm thấy lạnh lẽo hơn.
Em không dám về nhà, bởi vì không bán được hộp diêm nào thì cha chắc chắn sẽ đánh đòn. Hơn nữa, trong nhà cũng lạnh lẽo như ở trên đường vậy. Vì mẹ ly hôn bỏ theo người khác, cha thì suốt ngày đánh bạc và uống rượu, đồ đạc trong nhà ngoại trừ tấm ảnh Mao Chủ tịch treo trên vách tường, cũng chỉ còn lại một cái lò sưởi đốt bằng than, nhưng bây giờ lấy đâu ra than mà đốt?
Bàn tay em gần như đông cứng, em nhìn xung quanh xem có cách nào sưởi ấm được không, cuối cùng em nghĩ tới hộp diêm trong tay.
Xoẹt! Que diêm bốc cháy, em cảm giác như mình đang ngồi trước lò luyện thép, bên trong lửa cháy hừng hực, công nhân xung quanh hô vang khẩu hiệu “Lấy thép làm mấu chốt, đuổi kịp Anh, vượt qua Mỹ”, khí thể làm việc ngất trời. Em vừa định gia nhập cùng đội công nhân thì lò thép lại biến mất, trong tay em chỉ còn lại que diêm đã tắt.
Em lại quẹt một que diêm nữa. Lần này, em thấy Hồ Tích Tiến (Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu) nói: “Mất điện trên diện rộng, đây là một tai nạn quản lý rất nghiêm trọng”, lại thấy weibo của mình ngày hôm qua phàn nàn về mất điện lại được chia sẻ trên Twitter. Diêm lại tắt, chỉ thấy bạn bè không ngớt lời châm biếm dưới phần bình luận của Weibo, cuối cùng bài đăng bị xóa bài. Bạn Thỏ mơ mơ màng màng lấy điện thoại di động ra, sử dụng chút pin cuối cùng để gửi một thông điệp lên Weibo: “Đừng đưa thông tin ra bên ngoài”.
Em lại châm một que diêm. Lần này, diêm chiếu sáng mọi thứ xung quanh, em thấy biển người nối nhau ở sân bay Thâm Quyến, thấy tòa nhà Huawei đèn đuốc sáng trưng. Em liền hét lên: “Vãn Châu! Làm ơn hãy đưa tôi đi! Chủ tịch Tập đã nói rằng trên con đường thoát nghèo sẽ không bỏ rơi bất kỳ một ai mà!”. Lời còn chưa dứt, Mạnh Vãn Châu liền biến mất, diêm cũng vừa vụt tắt.
Bà nội, người duy nhất yêu thương em, lúc còn sống từng nói rằng, khi một ngôi sao rơi xuống, tức là có một linh hồn người Trung Quốc đi đến gặp ông nội quá cố.
Bạn Thỏ ngã xuống bên đường lạnh lẽo, lúc gần trút hơi thở cuối cùng thì nhìn thấy ông nội, lần này không còn là ảo giác nữa rồi. Hai chân em mềm nhũn quỳ xuống khóc rống, nước mắt oán giận chế độ tư bản xấu xa tàn ác. Chỉ thấy ông nội nhẹ nhàng đỡ em dậy, hòa ái nói: “Không được quỳ, nhân dân Trung Quốc đã đứng lên cả rồi kìa!”.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)