Tinh Hoa

Trước cái chết của Võ Đại Lang, tại sao hàng xóm xung quanh đều im lặng?

Đối với cái chết bất thường của Võ Đại Lang, rất nhiều người dù đã biết chuyện gì xảy ra, nhưng đều lựa chọn giữ im lặng . Vì sao vậy? Con người vì sao lại có lúc trở nên lạnh lùng đến thế?

Trong Thủy Hử truyện, khi nhắc đến nhân vật Võ Đại Lang, nhiều người đều cảm thấy bi ai cho số phận của người này. Có người thắc mắc, tại sao không một ai lên tiếng trước cái chết bất thường của Võ Đại? Chúng ta hãy cùng nhìn lại hoàn cảnh lúc bấy giờ…

Tạo hình nhân vật Võ Đại Lang trong Tân Thủy Hử. (Ảnh: Internet)

Võ Đại Lang đã bị đánh trọng thương sau khi phát hiện vợ mình gian díu với Tây Môn Khánh. Trong khi đó, Phan Kim Liên và Tây Môn Khánh vẫn thường ngày qua lại với nhau chẳng chút e dè. Họ chỉ có một điều lo sợ, đó là Võ Tòng có thể trở về bất cứ lúc nào, điều này sẽ khiến họ không thể thỏa mái lộng hành như trước nữa.

Vương Bà đa mưu túc trí, đã nhanh chóng giúp họ nghĩ ra kế kết liễu Võ Đại Lang, sau đó xóa hết mọi dấu vết, để khi Võ Tòng trở về sẽ không thể biết được, rồi đợi đến lúc mãn tang, Tây Môn Khánh có thể đến cưới Phan Kim Liên về làm thiếp tha hồ sống bên nhau, không phải sợ hãi nữa.

Thế là đêm hôm đó, Phan Kim Liên đã dùng thuốc độc mà Tây Môn Khánh đưa cho hạ độc giết chết chồng mình.

Để che mắt mọi người là điều không thể, bởi vì không có bức tường nào không lọt gió. Gian tình này, từ lâu cả khu xóm này không ai là không biết…

Sự thông minh của Vương Bà, không phải ở chỗ bà ta có cao kế gì có thể che mắt tất cả mọi người, mà bà biết rằng căn bản là không cần che mắt ai cả. Bởi vì, trong một xã hội không coi trọng bảo vệ thường dân, nên khi người ta đối mặt với người xấu, việc xấu, thường là họ sẽ lựa chọn giữ im lặng.

Sự tự tin của Vương Bà, không phải đến từ khả năng của người xấu, mà là đến từ sự bất bình trong im lặng của người tốt. Chỉ cần biết chắc rằng người tốt sẽ giữ im lặng trước việc xấu, vậy thì người xấu có thể sẽ không việc ác nào không làm…

Sáng sớm ngày hôm sau, hàng xóm láng giềng đến thăm hỏi chia buồn trước cái chết của Võ Đại Lang, tuy ai cũng biết rõ đây là cái chết không minh bạch, nhưng việc họ có thể làm chỉ là nói lời an ủi cửa miệng: “Chết thì đã chết rồi, người sống vẫn phải sống, cô đừng có đau buồn quá!”.

Phan Kim Liên giả vờ đau thương khóc lóc thống thiết. Sau một hồi mọi người trở về nhà của mình, vậy là mọi chuyện coi như đã xong xuôi! Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng: Nếu không có Võ Tòng, thì Võ Đại Lang chắc chắn sẽ bị quẳng xuống biển sâu.

Đương nhiên, Vương Bà vẫn lo lắng một người, đó chính là Hứa Cửu Thúc, người khám nghiệm tử thi của huyện Dương Cốc. Vương Bà nói với Tây Môn Khánh và Phan Kim Liên rằng: “Có một chuyện cần phải làm gấp, đó là Hứa Cửu Thúc. Ông ta là người rất tinh tường, có thể ông ta sẽ phát hiện ra”.

Vương Bà có phải vì sợ Hứa Cửu Thúc phát hiện ra nên mới nói vậy không? Hoàn toàn không phải. Hàng xóm láng giềng đều biết, thì một chuyên gia khám nghiệm kinh nghiệm lão làng như ông Hứa làm sao lại không thể nhận ra được.

Vậy điều Vương Bà lo lắng về Hứa Cửu Thúc là gì? Bà lo lắng ông ta vì sợ phải gánh chịu trách nhiệm nếu kết luận sai, nên rất có thể sẽ không im lặng.

Tây Môn Khánh lại không hề lo lắng về điều này. Hứa Cửu Thúc vừa đến, Tây Môn Khánh liền chặn ông ta lại, lôi ông đến một quán rượu, đưa cho ông 20 lượng bạc. Hứa Cửu Thúc trong tâm hoài nghi, nhưng cũng đành phải nhận. Hứa Cửu Thúc nhận bạc không phải vì tham tiền, mà là bởi vì ông sợ, một là sợ sự xảo quyệt của Tây Môn Khánh, hai là sợ Tây Môn Khánh thao túng quan phủ gây khó dễ cho ông.

Vậy nên tại hiện trường, rõ ràng kết quả xét nghiệm là Võ Đại trúng độc chết, nhưng ông lại nói dối thành bị nôn, hôn mê bất tỉnh, do cứu chữa không kịp nên không qua khỏi.

Sự khác biệt giữa xã hội quyền trị và xã hội pháp trị ở chỗ nào? Trong xã hội quyền trị, người này sợ người khác, trong xã hội pháp trị thì ngược lại, không ai sợ ai.

Hứa Cửu Thúc rõ ràng biết rằng Võ Đại chết vì trúng độc, nhưng ông sợ Tây Môn Khánh, nên đã chọn giữ im lặng. Nhưng ông lại giữ hài cốt của Võ Đại để làm chứng cớ, không phải là vì ông ta lương thiện, mà do ông cũng sợ Võ Tòng.

Sợ Tây Môn Khánh, lại sợ Võ Tòng, Hứa Cửu Thúc thật đáng thương, không thể thoát ra khỏi cảnh sống trong lo sợ bất an.

Bởi vì sợ, Hứa Cửu Thúc và hàng xóm láng giềng của Võ Đại đã lựa chọn không đứng ra vạch trần sự thật, giải oan cho Võ Đại. Mọi người cũng bất đắc dĩ trở thành đồng lõa.

Trong cả cốt truyện Thủy hử, cứ nơi nào có người yếu thế bị bắt nạt thì nơi đó có người giữ im lặng đứng bên cạnh quan sát không lên tiếng. Nếu như thế giới này bị chìm trong bóng tối, vậy thì, thổi tắt ngọn đèn cuối cùng, chẳng phải là sẽ tạo cơ hội cho những kẻ xấu, những kẻ hung hăng có được cơ hội càn quấy, mà nguyên nhân lại do sự nén giận im hơi lặng tiếng của người tốt.

Nhà bác học Einstein cũng từng nói: Thế giới sẽ không bị phá hủy bởi những kẻ làm điều ác, mà chính bởi những người đứng xem họ hành ác mà không làm gì”.

Ghi nhớ rằng: Không có tai họa nào vô duyên vô cớ

Nỗi oan Đậu Nga. (Ảnh: Internet)

Đậu Nga bị oan ức và được áp giải tới pháp trường. Trước khi hành hình quan phủ có hỏi Đậu Nga muốn nói điều gì không? Đậu Nga nói: “Thứ nhất, xin ban cho tôi một dải lụa trắng ba xích (1m), treo trên cột cao trăm xích, nếu tôi bị oan, máu sẽ không rơi xuống đất, mà sẽ nằm hết trên dải lụa trắng này; Thứ hai, nếu tôi bị oan đầu rơi xuống đất thì tuyết sẽ rơi; Thứ ba, nếu tôi bị oan, thì sau khi tôi chết trời sẽ hạn 3 năm”.

Khi đó tham quan bĩu môi lắc đầu liên tục nói “ngu muội, hoang đường”. Trong đầu nghĩ, tháng 6 mùa hè nóng bức này sao mà có thể có tuyết được? Người ta chỉ nhìn thấy máu chảy xuống dưới, làm sao máu có thể chảy lên trên được? Nhưng vẫn sai người mang dải lụa trắng đến treo lên cái cột theo đúng nguyện vọng của Đậu Nga,

Có câu nói: “Thiện ác nếu không có báo ứng, càn khôn ắt là vị tư!”. Đao phủ giơ đao trảm xong, máu đúng như lời của Đậu Nga, tung ra lên bám hết dải lụa trên trên không trung, một giọt cũng không rơi xuống đất, khi đầu của Đậu Nga rơi xuống, trời nổi gió lạnh, tuyết rơi bắt đầu dày đặc. Một lát sau trời lại nắng to, mọi người đầm đìa mồ hôi. 

Đậu Nga chết xong quả thực trời đã hạn 3 năm. Mọi người đều biết rằng ông trời đang bất bình thay cho Đậu Nga!

Nhiều năm sau, phụ thân của Đậu Nga thi đỗ, tên được ghi trong bảng vàng, được đảm nhận chức quan lớn. Khi trở về thăm quê, ông đã xử lại vụ án Đậu Nga, giết tham quan và Trương Lư Nhi, rửa nỗi oan cho Đậu Nga.

Người ở quê lần lượt đến hỏi thăm phụ thân Đậu Nga, than thở rằng: “Ngay từ đầu tôi đã biết Đậu Nga bị oan, nhưng do sợ hãi quyền thế của tham quan, nên trong lòng bất bình mà không dám nói ra. Nhưng chúng tôi không hiểu được vì sao chúng tôi không làm hại Đậu Nga mà lại phải chịu hạn hán 3 năm liền?”.

Câu chuyện này cũng là lời gợi mở cho hậu nhân: Con người sống trong thế gian phải phân biệt rõ thị phi, giữ vững chính nghĩa, chống lại cái ác, như vậy mới có thể nhận được sự bảo hộ của thiên thượng, khi tai nạn ập đến, mới có thể tai qua nạn khỏi.

Có rất nhiều sự việc xảy ra tưởng như không có liên quan đến mình, nhưng khi những sự việc đó xuất hiện, tất cả phản ứng của bạn khi nghe thấy, nhìn thấy, những chọn lựa trong đầu, đều là cơ sở để phân loại ra xu hướng nhân tâm. Nếu là chuyện lớn động trời, dẫn đến thiên tai đại kiếp, thì phúc họa của mỗi người chính là dựa vào tâm niệm lúc này mà phân định.

Như thế nào là thiện lương? Có người nói rằng tôi bình thường cũng lấy việc giúp đỡ mọi người làm niềm vui, họ cho rằng đây là toàn bộ thiện lương. Nhưng đối mặt với những sự việc đại thiện đại ác, họ lại không phân biệt được, nên không thể đưa ra một lựa chọn đúng đắn. 

Vì thế cần phải tích lũy nhiều hơn nữa thiện lương và dũng khí, chính nghĩa và lương tri, tích lũy nhiều hơn nữa lý tính và trí tuệ, bạn sẽ có sự lựa chọn đúng đắn nhất.

Lê Hiếu, dịch từ Soundofhope