Vào thời Trung Quốc cổ đại, đã từng xảy ra khá nhiều trận đại dịch lớn, từ đó mà một số phương thuốc thần kỳ cũng đã được lưu truyền lại. Ví dụ từng có những cách phòng dịch như: xông hương, túi thơm (túi hương liệu)… đều rất hữu hiệu.
Phương pháp phòng ngừa dịch bằng xông hương
Khi Hán Vũ đế còn tại vị, ở phía Tây của sông Nhược Thủy (trong cuốn “Sơn Hải Kinh” có ghi chép rằng, phía Bắc núi Côn Lôn có một dòng sông sức nước rất yếu, không thể đẩy thuyền nên được gọi là Nhược Thủy) có một quốc gia gọi là Đại Nhục Thị từng cử người dùng một chiếc thuyền đặc biệt gọi là “Mao xa” (Xe bông), để băng qua con sông này, tiến cống cho triều đình Tây Hán ba nén hương liệu. Loại hương liệu này bề ngoài giống quả táo, to như trứng chim Loan.
Đúng vào thời điểm đó, thành Trường An đang xảy ra bệnh dịch, nhiều người trong cung điện cũng bị lây nhiễm. Khi đó, vị sứ giả của Đại Nhục Thị đã đề nghị triều đình Tây Hán đốt nhang được tiến cống lên là có thể tránh được bệnh dịch.
Sau khi thắp một nén nhang, những người bệnh trong cung đã lần lượt chuyển nguy thành an, nhanh chóng hồi phục một cách kỳ diệu. Hơn nữa, hương thơm của nhang có thể lan xa đến một trăm dặm, nhiều ngày sau vẫn chưa tiêu tán.
Theo cuốn “Bác vật chí” của Trương Hoa, những người chết vì bệnh dịch chưa quá ba ngày, sau khi ngửi mùi hương của nhang thì có thể sống trở lại.
Trong cuốn “Hải nội thập châu ký”, Đông Phương Sóc cũng mô tả rằng: “Hương khí (mùi hương) bay xa trăm dặm, thi thể dưới đất, ngửi thấy là sống lại”, điều này cũng trùng khớp với các bản ghi chép trong cuốn “Hán Vũ đế nội truyện”, hơn nữa cuốn sách này còn ghi chép rằng, loại nhang này là hương liệu do nước Nguyệt Chi ở Tây Vực tiến cống nhà Hán. Nó có nguồn gốc từ cây “Phản hồn thụ” và được đặt tên là “Phản Hồn hương” bởi có công hiệu hoàn hồn (làm người chết sống lại).
Trong các sách như “Hoàng Đế nội kinh”, “Ôn dịch điều biện”, “Thiên kim yếu phương” và “Thương hàn luận” đều có ghi chép về việc xông hương phòng dịch bệnh.
Triều đình nhà Tống còn lập ra Thái y cục và Tễ cục, đồng thời tổ chức các chuyên gia biên soạn sách y dược “Thái Bình Thánh huệ phương” và “Thái Bình huệ dân hòa Tễ cục phương”.
Trong sách “Thái Bình Thánh huệ phương” có ghi chép về rất nhiều phương pháp, liệu pháp mà dùng hương liệu để phòng dịch. Người xưa cho rằng: bệnh là do nhiễm tà khí, xâm nhập qua mũi miệng, nếu dùng vị của dược liệu hít vào qua đường mũi miệng sẽ đả thông kinh mạch, “khu tà phù chính” (trừ tà khí bổ trợ chính khí), để đạt được công hiệu trừ bệnh tăng cường sức khỏe.
Túi thơm
Ngoài xông hương ra còn có một bảo vật bất ly thân phòng dịch bệnh của người xưa, đó là túi thơm. Túi thơm là một loại túi đeo, vì trong túi có chứa hương liệu nên có tên như vậy.
Trong những ghi chép xưa cũng gọi là “bối vy (gói hương liệu), “dung xú” (bọc hương liệu), “hương đại” (túi hương liệu đeo), “hương bao” (bao hương liệu)… Túi thơm thường được buộc ở phần eo hoặc trên thắt lưng chỗ dưới khuỷu tay. Cũng có người buộc ở rèm giường ngủ hoặc trên xe ngựa.
Sách “Bão phác tử – Đăng thiệp” có ghi chép: “Hoàng Đế muốn leo núi Viên Khâu, đất này có nhiều rắn lớn, thế nên Quảng Thành Tử bảo ông cần đeo hùng hoàng, thì rắn ở đó đều sẽ bỏ đi”.
Ghi chép này được học giả người Mỹ là Wolfram Eberhard trích dẫn trong cuốn “Từ điển tượng trưng văn hóa Trung Quốc” do ông biên soạn có phần giải thích như sau: “Trong một lần đại dịch, nghe nói Quảng Thành Tử y đạo cao minh, nên Hoàng Đế đến xin chỉ dạy phương pháp chữa trị dịch bệnh. Sau đó Quảng Thành Tử đã dùng hùng hoàng cho vào các gói và bảo Hoàng Đế hãy đeo nó bên người, kết quả đã chữa trị khỏi.” Do đó, từ thời thượng cổ, con người đã biết mang hương liệu trên người, đạt được tác dụng trừ tà phòng dịch.
Trong tác phẩm “Ly tao” của Khuất Nguyên thời kỳ Chiến Quốc có ghi chép: “Tiêu chuyên nịnh dĩ mạn thao hề, Sát hựu dục sung phù bội vi”, từ ‘bội vi’ này tức là túi thơm.
“Sử ký – Nội tắc” có viết: “Nam nữ vị quan kê, khâm anh giai bội dung xú”, từ ‘dung xú’ cũng là chỉ túi thơm.
“Quái đắc khinh phong tống dị hương, phinh đình Tiên tử duệ nghê thường”, ý chỉ mỹ nhân đời Đường không ai là không đeo túi thơm.
Trong bài thơ “Vịnh mỹ nhân tại Thiên Tân kiều”, Lạc Tân Vương còn viết: “Mỹ nữ xuất đông lân, dung dữ tại thiên tân, động y hương mãn lộ, di bộ miệt sinh trần” (Mỹ nhân từ xóm đông sang, cầu Thiên Tân ấy, nhẹ nhàng bước qua, sửa xiêm y, đường ngát hoa, bụi bay theo bước chân ngà thong dong), nghĩa là mỹ nhân đi qua, khắp con đường man mác hương thơm.
Đến thời Minh thịnh hành phong tục Tết Đoan Ngọ đeo túi thơm rất đa dạng. Trong bài thơ “Biện trung Nguyên tịch”, Lý Mộng Dương viết: “Ngọc quán châu thành liễu mạch tà, tống kinh đăng nguyệt tán yên hoả, môn ngoại hương xa nhược lưu thuỷ, bất tri thanh điểu hướng thuỳ gia”. Những chiếc xe thơm đi qua, trước cửa như nước chảy, trên xe toàn là mỹ nữ hương thơm ngát. Có thể thấy phong tục đeo túi thơm của những mỹ nữ phủ Khai Phong thời đó rất thịnh hành.
Tạo hình của túi thơm cũng rất đa dạng, có hình tròn, hình vuông, hình ô van, hình bầu dục, hình hồ lô, hình thạch lựu, hình đào, hình yêu viên, hình phương thắng… đa phần là hai miếng hợp lại, ở giữa là các hoa văn rỗng, cũng có cái để trống và thắt nhỏ miệng.
Dù thế nào thì cũng đều phải có lỗ thông khí, dùng để phát tán mùi hương. Trên đỉnh có treo sợi tơ lụa, phía dưới buộc dây màu bện tết lại (bách cát) hoặc châu ngọc. Chất liệu túi thơm cũng rất phong phú, có cái dùng ngọc điêu khắc, có cái là dây vàng, dây bạc, điểm xuyết ngọc phỉ thúy và sợi lụa màu.
Sách “Cựu Đường thư” – quyển 5 có chép: “An Lộc Sơn phản loạn, Huyền Tông chạy trốn khỏi Trường An, khi đi đến dốc Mã Ngôi, ban chết cho Dương Quý Phi, và an táng ở đó. Sau này Huyền Tông từ đất Thục trở về kinh đô, nhớ lại tình xưa, mật lệnh cải táng. Khi đào mộ cũ lên, phát hiện chiếc chăn màu tím ban đầu dùng để cuốn thi thể khi mai táng và cả thi thể đều đã mục nát, duy chỉ còn túi thơm là vẫn còn tốt”.
Trừ ác khí, tránh tà ma
Tuy túi thơm ở các triều đại có hình dạng chế tạo khác nhau, phương thức đeo và hương liệu bên trong cũng khác nhau, nhưng ý nghĩa thì không gì khác ngoài việc trừ ác khí, tránh tà ma.
Trong mộ thời Hán ở Mã Vương Đôi, khai quật mộ số 1 có 4 túi thơm còn khá hoàn chỉnh (Một túi thơm “tín kỳ tú” bằng lụa ở khoang phía bắc, còn 3 túi kia để trong một chiếc hộp tre vuông ở khoang phía đông).
Bốn túi thơm này khi khai quật, bên trong đều có hương dược “trừ uế phòng bệnh”: một chiếc chứa rễ cỏ mao hương, một chiếc chứa hoa tiêu, hai chiếc chứa mao hương và tân di. Trong vật tùy táng còn có hộp tre vuông đựng hương thảo (cỏ thơm).
Mao hương là một loài thực vật có mùi thơm thuộc họ lúa, sau khi phơi khô thì tỏa hương thơm, có thể dùng để chống mối mọt cho quần áo. Hoa tiêu dùng làm thuốc bắc, có tác dụng làm ấm và hoạt khí, trừ hàn, giảm đau, sát trùng.
Tân di thì được miêu tả trong “Bản thảo cương mục” rằng: “Phổi khai khiếu ở mũi, mà mạch dạ dày dương minh đi quanh mũi đi lên, não là phủ của nguyên thần, mũi là khiếu của mệnh môn. Trung khí của con người không đủ, khí thanh dương không đi lên được thì đầu nghiêng, 9 khiếu bất lợi. Tân di cay ấm, hoạt khí đi vào phổi, có thể trợ giúp khí thanh dương trong dạ dày đi lên, thông với trời, do đó có thể làm ấm bên trong, trị các bệnh về đầu, mặt, mắt, mũi.”
Trong sách “Lý thược biền văn” đời Thanh cũng có viết về chế tác “liệu pháp túi thơm trừ dịch bệnh”, tức là dùng khương hoạt, đại hoàng, sài hồ, thương truật, tế tân, ngô thù du, mỗi loại bằng nhau rồi nghiền thành bột mịn, cho vào túi thơm đeo ở trước ngực. Đeo lâu dài có thể phòng ngừa cảm mạo bốn mùa tránh dịch bệnh.
Trong tác phẩm “Hoàng Đế nội kinh” được coi là khởi tổ của Đông y Trung Quốc, có đề cập đến: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can, Tà chi sở thấu, kỳ khí tất hư”, điều đó có nghĩa là gì?
Trong tình trạng chính khí thân thể người cường thịnh thì tà khí không dễ xâm nhập vào cơ thể, cũng sẽ không bị bệnh tật. Sở dĩ tà khí có thể xâm nhập vào cơ thể người, thì nhất định là chính khí đã bị hư nhược rồi. Do đó bảo vệ chính khí, không để tà khí bên ngoài xâm phạm, đồng thời nâng cao khả năng kháng bệnh… là cách mà người xưa nghiên cứu về sinh mệnh.
Chính khí từ đâu đến?
Văn Thiên Tường, vừa là thi nhân vừa là thừa tướng triều Nam Tống bị quân Nguyên bắt làm tù binh. Ở trong ngục ông đã viết bài “Chính khí ca”, trong đó có viết rằng:
“Bỉ khí hữu thất, ngô khí hữu nhất, dĩ nhất địch thất, ngô hà hoạn yên! Huống hạo nhiên giả, nãi thiên địa chi chính khí dã” (Khí của ngươi có bảy, khí của ta có một, lấy một địch bảy, ta có gì lo đâu! Huống hồ khí hạo nhiên, đó là chính khí của trời đất).
Ý là mặc dù đối phương có 7 loại khí nhưng là uế khí, chỉ cần dùng 1 loại chính khí này thôi là có thể địch lại với 7 loại khí kia, chẳng có gì phải lo lắng! Hơn nữa khí cương trực to lớn chính là chính khí hào hùng trong trời đất:
“Thiên địa hữu chính khí, tạp nhiên phú lưu hình. Hạ tắc vy hà nhạc, thượng tắc vy nhật tinh. Ư nhân viết hạo nhiên, Bái hồ tắc sương minh”. Dưới là sông núi, trên là mặt trời và các sao, đều do chính khí mà hình thành, ở nhân gian, đó chính là chính khí cuồn cuộn của con người.
Nếu nói đeo túi thơm có thể dùng hương thơm “trị” khí, khiến khí cơ của cơ thể người điều hòa lưu thông, ngăn chặn sự xâm hại của khí bệnh, vậy thì nếu con người lúc nào cũng giữ được thiện lương bình hòa, một thân chính khí, thì e rằng bất kỳ khí tà ác nào cũng khó mà tiếp cận được.
Ngày nay, mỗi khi đến tết Đoan Ngọ, mọi người ở nhiều nơi vẫn đeo túi thơm, bao thơm, bên trong để rất nhiều thứ như hùng hoàng, huân thảo, ngải diệp… nhưng những điển cố về túi thơm đã dần bị mai một.
Mỗi bảo vật thế gian đều muốn thủ thỉ cho chúng ta câu chuyện của chúng, nếu có thể tìm lại được ý nghĩa thực sự về sự tồn tại của bảo vật, ắt hẳn chúng ta sẽ thấy cảm động trước nội hàm của nền văn hóa Thần truyền, cảm ơn đấng tạo hóa đã luôn che chở cho chúng ta.
Chúc Di (Theo NTDTV)