Reuters cho biết, Trung Quốc đang điều tra Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ – Người đứng đầu tổ chức thực thi pháp luật toàn cầu Interpol kiêm Thứ trưởng An ninh Trung Quốc, sau khi ông Mạnh được thông báo là mất tích ở Pháp.
Hôm 7/10, bản tin Reuters trích dẫn thông tin tải lên trang mạng của Ủy ban Giám sát Quốc gia, cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc, viết: “Thứ trưởng An ninh Mạnh Hoành Vĩ đang được Ủy ban Giám sát điều tra vì bị tình nghi ‘vi phạm nghiêm trọng pháp luật nhà nước'”.
Đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc lên tiếng từ khi ông Mạnh được thông báo mất tích hôm 5/10.
Bà Grace – vợ ông Mạnh loan báo, chồng bà mất tích sau khi ông lên đường về Trung Quốc từ Pháp, nơi đặt trụ sở Interpol.
Hôm 5/10, Bộ Nội vụ Pháp nói, gia đình ông Mạnh không có tin tức gì về ông từ ngày 25/9. Chính quyền Pháp cũng cho hay, vợ ông đã được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát Pháp sau khi bà nhận được nhiều lời đe dọa.
Cảnh sát Pháp đang điều tra ‘vụ mất tích đáng lo ngại này’. Interpol cho biết, họ đã yêu cầu Bắc Kinh xác minh tình hình liên quan tới ông Mạnh Hoành Vĩ.
Truyền thông Pháp tường thuật rằng, vợ ông Mạnh đã ra một thông báo ngắn từ một khách sạn ở Lyon; trong đó, bà bày tỏ lo ngại về tình hình của chồng bà.
Bà Grace Mạnh, vợ Chủ tịch Interpol bị mất tích, quay lưng với ống kính truyền hình để giấu mặt. Ảnh chụp ngày 7/10/2018.
Các đài truyền hình Pháp dẫn lời bà Grace Mạnh nói: “Chừng nào mà tôi không thấy chồng tôi ở ngay trước mắt, nói chuyện với tôi, thì tôi không tin được bất cứ điều gì”.
Các tờ báo địa phương ngày 7/10 cho biết thêm, bà nói như vậy trong khi quay lưng vào các ống kính truyền hình để giấu mặt.
Hãng tin Reuters nói, họ không thể kiểm chứng những phát biểu đó là của bà Grace Mạnh.
Ông Mạnh, 64 tuổi, được đề cử vào chức vụ Chủ tịch Interpol vào cuối năm 2016, trong khuôn khổ các nỗ lực rộng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm giành những vị trí lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế.
Khi ông Mạnh được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Interpol, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã bày tỏ quan ngại rằng, Bắc Kinh có thể dùng vị trí của ông để theo đuổi những người bất đồng chính kiến với Bắc Kinh sinh sống ở nước ngoài. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã áp lực nhiều nước phải bắt giữ và trục xuất sang Trung Quốc các công dân Trung Quốc bị họ tố cáo là phạm tội, từ tội tham nhũng tới tội khủng bố.
Theo VOA