Trong những ngày gần đây, tuyên truyền khoác lác về “thoát nghèo toàn diện” của ĐCSTQ đã khiến dư luận xôn xao. Tờ Epoch Times đã phỏng vấn những người dân tại Trung Quốc Đại lục và biết được rằng, cuộc sống của người dân ở những vùng nghèo đói hiện tại vẫn còn vô cùng khó khăn, họ căn bản là không tin những lời dối trá “thoát nghèo” của ĐCSTQ.
Ngày 25/2, ĐCSTQ đã tổ chức “Đại hội tổng kết và tuyên dương xóa đói giảm nghèo thành công trên toàn quốc”.
Trong đại hội, ông Tập Cận Bình nói rằng: “Cuộc chiến xóa đói giảm nghèo của nước ta đã hoàn toàn thắng lợi. Theo tiêu chuẩn hiện tại, 98,99 triệu người nghèo ở nông thôn, toàn bộ đều đã thoát khỏi đói nghèo. Tất cả 832 huyện nghèo đói đã thay đổi diện mạo, và toàn bộ 128.000 thôn làng nghèo đói được đưa khỏi danh sách “hộ nghèo”, đồng thời gọi đây là “phép màu tại nhân gian”.
Cùng ngày, phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ “Xinhuanet” tuyên bố: “Phòng xóa đói giảm nghèo của Quốc vụ viện ĐCSTQ” đã gỡ bỏ biển hiệu và được đổi lại thành “Cục chấn hưng nông thôn Quốc gia”.
Dân chúng Đại lục sau khi biết tin, liền đính chính: Đừng tin vào Đảng cộng sản, nông thôn ở Đại lục thật sự rất khổ.
Bà Vương, quê tại tỉnh Hà Nam, nói với phóng viên Epoch times rằng: “Không thể tin vào lời Đảng Cộng sản nói, đừng tin bất cứ điều gì nó nói”. Quê hương của bà Vương là một vùng núi cao ở thôn Thao Hà, huyện Tích Xuyên, tỉnh Hà Nam, đến nay vẫn còn vô cùng nghèo khó.
Bà kể: “Họ (người dân trong thôn) thậm chí không có tiền để xuống núi, thường phải rất tiết kiệm tiền, tự trồng rau ăn. Về cơ bản, họ không có thức ăn mặn. Nhà của cha tôi, ngay cả điện cũng không dám dùng, càng chưa nói đến công trình phụ như vệ sinh, tắm rửa, v.v., cả đời sống cơ bản như vậy mà còn không thể đảm bảo chứ đừng nói tới mạng lưới Internet”.
Bà Vương nói thêm: “Nước ở địa phương đều lấy từ một bể chứa. Khi có nước, chúng tôi thông báo cho mọi người biết để đi lấy mang về. Nếu là mùa Đông thì nước lạnh buốt, đóng băng”.
Bà cho biết, người dân địa phương không có tiền chữa bệnh, “bị bệnh thì cắn răng chịu đựng, không chịu được thì chết. Nếu người già đột quỵ thì càng thảm hơn nữa, sau khi người thân ở xa đến thăm thì có nghĩa là người đó đang nằm chờ chết rồi, khám bệnh cần nhiều tiền như vậy, thì làm gì có tiền mà chữa, ở nông thôn thật sự khổ lắm”.
Lý Lâm Nhất – Nhà bình luận về vấn đề thời sự đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times rằng: “Thoát nghèo” của ĐCSTQ là một trò giả tạo, rất nhiều nơi hoàn toàn vẫn còn rất nghèo. Vấn đề ẩn giấu lớn nhất bên trong chính là ĐCSTQ dùng cái gọi là “thoát nghèo”, để che đậy sự áp chế đối với nhân quyền của nó. “Nó (ĐCSTQ) Lấy xóa đói giảm nghèo ra nói chuyện – ‘Hãy nhìn xem, tôi với nhân dân tốt như thế nào, họ đã ủng hộ tôi nhiều biết bao nhiêu’, đây là một thủ đoạn vô cùng xấu xa của ĐCSTQ”.
Ngoài ra, trong khi ĐCSTQ tuyên bố đã “hoàn toàn thoát nghèo”, thì “Văn kiện số 1 của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ” năm 2021 vẫn tuyên bố rằng: “Đối với các huyện đã thoát nghèo, kể từ ngày thoát nghèo sẽ thiết lập thời kỳ quá độ 5 năm”.
Đối với vấn đề này, Lý Lâm Nhất nói rằng: ĐCSTQ là đang cưỡng ép thoát nghèo. Ví dụ, ở một số khu vực, các doanh nghiệp trung ương của ĐCSTQ chi tiền để mua đặc sản địa phương, điều này tạo ra thu nhập trong năm 2021, nhưng sẽ trở lại nghèo vào năm 2022.
Vậy nên cái gọi là “thời kỳ quá độ” ở đây chính là, ĐCSTQ muốn đảm bảo rằng không có quá nhiều lời bàn tán ở bên ngoài: “Nếu không, bạn sẽ thoát nghèo ngay hôm nay, và tất cả những người này năm sau sẽ quay trở lại nghèo. Rốt cuộc bạn có thoát nghèo hay không thì hoàn toàn không rõ”.
Đối với tiêu chuẩn “Một hai ba” về xóa đói giảm nghèo của ĐCSTQ, dân chúng phẫn nộ kêu lên rằng: Đây mà là thoát nghèo à?”
ĐCSTQ gọi tắt các tiêu chuẩn xóa đói giảm nghèo của mình là “Một hai ba”:
“Một” chính là chỉ “thu nhập đầu người” hàng năm vào khoảng 4.000 nhân dân tệ. ĐCSTQ tuyên bố rằng, “thu nhập bình quân đầu người của những người đã thoát nghèo đều là 9.000 nhân dân tệ trở lên, và thu nhập bình quân đầu người của những người nghèo còn lại là trên 6.000 nhân dân tệ”.
“Hai” là “Hai điều không sầu”, tức là không lo cơm ăn, áo mặc.
“Ba” là “ba bảo đảm”, nghĩa là giáo dục bắt buộc được đảm bảo, điều trị y tế cơ bản được đảm bảo, và nhà ở an toàn được đảm bảo.
Ông Chu – một người đã nghỉ hưu ở Thượng Hải, nói với phóng viên Epoch times rằng: “Thu nhập hàng năm là 4.000 nhân dân tệ, tương đương hơn 300 nhân dân tệ một tháng thì làm sao có thể coi là thoát nghèo được?”
Ông cho biết, một người ở Thượng Hải mỗi tháng mua thức ăn ít nhất phải 500 tệ, ngoài ra còn ít nhất 200 tệ dùng cho phương tiện đi lại, và tiền thuê nhà ít nhất 2.000 tệ mà cũng chỉ thuê được một ngôi nhà cũ nát, cách rất xa thành phố.
Ông cho rằng, việc đã thực sự thoát nghèo hay không, thì nên để người nghèo ở các vùng núi nghèo nói, chứ không thể do các nhà lãnh đạo quốc gia nói cho được.
Bây giờ mọi người đều không còn tin vào những gì họ (ĐCSTQ) nói nữa, “Loại tin tức này tôi còn chẳng xem”, “Thật không may mắn khi nói sự thật ở Đại lục, mà nói dối thì có thể hống hách lộng hành, đơn giản là như vậy”.
Ông Ngô đến từ thành phố Vũ Hán nói với phóng viên Epoch times rằng: Ngay cả khi đạt được tiêu chuẩn thu nhập này, thì dựa theo giá cả hiện tại, cũng sẽ không thể đáp ứng được “hai không sầu và ba đảm bảo”.
Sự khoe khoang của ĐCSTQ thực sự là không thể chấp nhận được. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước đây đã nói rằng, thu nhập hàng tháng của 600 triệu người Trung Quốc chỉ là 1.000 nhân dân tệ, điều này khiến việc thuê nhà trong thành phố cũng khó khăn rồi.
Ông Ngô nói: “Chiến dịch xóa đói giảm nghèo của ĐCSTQ thực chất là một công trình thành tích chính trị, lấy xóa đói giảm nghèo để khoe khoang, mà bản thân chế độ đảm bảo xã hội của Trung Quốc cũng rất không kiện toàn, về cơ bản luôn trong tình trạng thuế cao và phúc lợi thiếu. Cùng với tình trạng tham nhũng do quyền lực chuyên chế gây ra, khiến sự chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc hiện nay là rất lớn, người nghèo chiếm một lượng lớn. Nếu những vấn đề nêu trên không giải quyết được, thì việc tham gia vào các vận động chính trị cũng chỉ vô ích”.
Việt Anh