Tinh Hoa

Trung Quốc tiếp tục đầu tư “sân bay ma” sau hàng loạt “thành phố ma”

Chính phủ trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm đối phó tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm. Tuy nhiên, việc xây dựng ồ ạt như vậy không có nhiều hiệu quả và đem lại rủi ro rất lớn cho nền kinh tế nước này.

Đảo Dachangshan phía Đông Bắc Trung Quốc có dân cư khá thưa thớt. Nhưng khu vực này được đầu tư nâng cấp một sân bay trị giá 6 triệu USD vào năm 2008. Quan chức hòn đảo này dự kiến sẽ đón 42.000 lượt khách năm 2010 và 78.000 lượt khách năm 2015.

Tuy nhiên, Cơ quan Hàng không dân sự Trung Quốc cho biết năm 2013 chỉ có 4.000 hành khách, tương đương 10 lượt người/ngày, đi qua sân bay này.

Kể từ tháng 2/2014, Trung Quốc đã phê duyệt ít nhất 1,8 nghìn tỷ NDT để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng mới nhằm đối phó với hiện trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại. Hậu quả là rất nhiều những dự án không được sử dụng hết công suất, như trường hợp sân bay trên, hoặc những đường cao tốc và sân vận động mới đang bùng nổ xây dựng.

Trong khi các công ty xây dựng hưởng lợi từ sự bùng nổ đầu tư, chính quyền các tỉnh của Trung Quốc lại đang chìm trong khoản nợ 3 nghìn tỷ USD. Không những thế, nền kinh tế nước này đang mất cân bằng khi nghiêng quá nhiều về ngành xây dựng.

Tỉnh Liêu Ninh, nơi có đảo Dachangsan, là một trong số các tỉnh đạt tăng trưởng kinh tế chậm nhất tại Trung Quốc năm 2014, với GDP tăng 5,8%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 9%.

Chuyên gia Lu Dadao của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc nói: “Chúng ta cần có một cuộc thảo luận nghiêm túc về tính hợp lý của những dự án xây dựng quy mô lớn. Liệu chúng ta có thực sự cần nhiều đường cao tốc và sân bay như vậy không?”.

Một quan chức chính phủ và chuyên gia kinh tế ước tính rằng Trung Quốc đã lãng phí khoảng 42 nghìn tỷ NDT, tính đến tháng 11/2014, cho những dự án đầu tư không hiệu quả trong 5 năm kể từ năm 2009. Tình hình này của Trung Quốc thậm chí còn tồi tệ hơn trong vòng 2 năm trở lại đây.

Sân bay ma

Rất ít nhân viên tại đại sảnh bán vé tại khu vực rộng mênh mông của sân bay trên đảo Dachangsan, Liêu Ninh.

Mặc dù sân bay tại Dachangsan rất hiện đại nhưng để hành khách có thể đi đến đó thì lại không hề dễ dàng. Nhân viên sân bay quốc tế Zhoushuizi của thành phố Đại Liên, điểm khởi hành duy nhất đến Dachangsan, cho biết các chuyến bay đến hòn đảo này đã không hoạt động trong 6 tháng qua.

Theo hãng tin Reuters, rất ít nhân viên tại đại sảnh bán vé tại khu vực rộng mênh mông của Dachangsan. Sàn nhà cẩm thạch của sân bay này sạch bóng, còn nhà vệ sinh thì không có một vết bẩn. Khi được hỏi, một nhân viên khu hành lý, đang ngủ gật, trả lời rằng: “Hãy kiểm tra lại trong 2-3 ngày tới xem có chuyên bay hay không. Máy bay hiện đang được bảo trì”.

Có vẻ như việc nâng cấp sân bay hiện đại không đem lại nhiều thay đổi cho hòn đảo 30.000 dân này. Thay vì những quán ăn hay cà phê, xung quanh sân bay được bao bọc bởi những ngôi nhà của dân chài. Theo cư dân địa phương, di chuyển bằng phà là thuận tiện nhất tại hòn đảo này.

Vẫn không “nản lòng”, chính quyền Đại Liên tiếp tục có kế hoạch chi 1,48 tỷ NDT trong năm 2015 để mở rộng sân bay lên mức đủ sức đón 250.000 khách vào năm 2020. Phương tiện truyền thông thông báo đây là nỗ lực nhằm chuyển biến nền kinh tế của khu vực này từ ngư nghiệp sang du lịch.

Theo J Capital Research, nếu tính cho tổng sản phẩm quốc nội, các dự án đầu tư trên là tốt bởi nó sẽ kích thích tăng trưởng, bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, đây là một biện pháp sử dụng vốn hoàn toàn không hiệu quả và hữu ích.

To nhất, cao nhất, dài nhất

Một trong những thành phố ma của Trung Quốc

Nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã thành lập những tập đoàn để vay vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án bất động sản khổng lồ khác. Đây là một biện pháp nhằm “né tránh” những quy định vay vốn trực tiếp, qua đó khiến những khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc trở thành một rủi ro lớn cho nền kinh tế.

Những dự án này bao gồm cây cầu vượt biển dài nhất thế giới tại Thanh Đảo hay tuyến đường sắt dài nhất nối Thanh Hải với Tây Tạng. Bên cạnh đó là những dự án với hàng nghìn căn hộ được xây dựng để rồi bỏ hoang, thành những thành phố ma, khi ngành bất động sản tại Trung Quốc giảm nhiệt.

Năm 2013, các dự án đường cao tốc của Trung Quốc đã thâm hụt thu phí 10 tỷ USD. Trong khi đó, những dự án đường sắt, bao gồm kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt dài nhất thế giới, đang chìm trong khoản nợ 3,4 nghìn tỷ NDT.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng các cơ quan nhà nước sẽ khó từ bỏ việc “nghiện” xây dựng, đặc biệt khi có những dấu hiệu các hoạt động này đang tăng tốc tại phía tây Trung Quốc, nơi có 40% dự án các sân bay, đường sắt, đường bộ được phê duyệt.

Sản xuất xi măng đang tăng trưởng chóng mặt tại 2 tỉnh Quý Châu và Vân Nam, vùng Tây Nam Trung Quốc. Trong khi đó, miền Bắc Trung Quốc lại đang phải vật lộn với tình trạng dư thừa thép và xi măng sau thời gian bùng nổ xây dựng. J Capital Research nhận định sự phát triển quá vội vàng của xu thế trên đã bắt đầu thể hiện những mặt tiêu cực tại nhiều khu vực của Trung Quốc.

Theo NDH