Bất chấp bất ổn có nguy cơ gia tăng đối với nền kinh tế quốc nội, Trung Quốc vẫn không ngừng nỗ lực cho giấc mơ biến Nhân dân tệ thành đồng tiền ngang hàng với USD, bằng cách trở thành “trùm cho vay” của các quốc gia đang gặp khó khăn.
Cho các nước đang cần tiền vay, đổi lại bằng những điều kiện đặc biệt hoặc chấp nhận khoản vay bằng Nhân dân tệ, là cách thức có phần mới nhưng không giống ai của Trung Quốc.
Trên thực tế, từ trước đến nay thế giới vẫn luôn có những tổ chức đảm nhiệm việc cho các quốc gia vay tiền, như tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hầu hết các nước thuộc đối tượng cần vay tiền của IMF là các quốc gia có vấn đề về kinh tế, hoặc khủng hoảng do điều hành kém cỏi, hay trì trệ vì đóng cửa quá lâu.
Chính vì vậy, điều kiện cho vay mà IMF đặt ra buộc các quốc gia đi vay phải nghĩ đến chuyện cải thiện tình hình nền kinh tế, nhằm tránh trường hợp những khoản vay không có khả năng chi trả. Cũng vì thế mà khá nhiều nước không thích vay của IMF.
Nhưng cái mà Trung Quốc nhắm đến là nguồn tài nguyên có thể đảm bảo cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế trong tương lai, và mở rộng việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch thanh toán quốc tế.
Bắc Kinh đã đặt ra mục tiêu này từ lâu, nhưng chỉ từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 nổ ra, Trung Quốc mới nhanh chóng xúc tiến quá trình này. Đây là thời điểm USD mất giá nghiêm trọng khiến một khoản lớn dữ trữ ngoại hối bỗng chốc bốc hơi.
Cũng từ đó, Trung Quốc ngoài việc chuyển đổi một phần dự trữ ngoại tệ sang phương thức khác, như vàng hoặc đồng Euro, Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh việc biến Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền thanh toán quốc tế.
Điều này được coi là khó khăn vì dù Trung Quốc đã là cường quốc kinh tế số một thế giới, nhưng ảnh hưởng của nước này lên kinh tế thế giới vẫn khá khiêm tốn. Bắc Kinh chưa có những tập đoàn xuyên quốc gia hùng mạnh có mặt ở nhiều nước trên thế giới và đủ sức khuynh đảo thị trường như Mỹ hay Nhật.
Chính vì vậy Trung Quốc đã sử dụng phương thức cho vay và trợ giúp kinh tế. Đối tượng Bắc Kinh hướng đến là các nước đang gặp khó khăn về kinh tế đang cần những khoản vay mà không bị áp đặt các điều kiện như của IMF.
Khi đó, Trung Quốc có thể cho các nước này vay trực tiếp bằng Nhân dân tệ để thúc đẩy việc đồng tiền này tham gia vào giao dịch thanh toán quốc tế. Đổi lại, các nước này sẽ chấp nhận những đòi hỏi của Trung Quốc, thường là tài nguyên, như dầu mỏ và các nguyên liệu thô.